Home Tin Tức Thời Sự Những tiếng kêu từ vùng lũ Quảng Bình

Những tiếng kêu từ vùng lũ Quảng Bình PDF Print E-mail
Tác Giả: Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt   
Chúa Nhật, 17 Tháng 10 Năm 2010 21:17

  LTS: Ðợt mưa lũ vào đầu tháng 10 vừa qua tại các tỉnh phía Bắc Miền Trung đã làm 83 người chết và mất tích, 75 người bị thương,

 trong đó tỉnh Quảng Bình là địa phương thiệt hại nặng nhất. Ký giả Liêu Thái, cộng tác viên của báo Người Việt, đã có chuyến đi đến tỉnh Quảng Bình và gởi về những ghi chép mới nhất về tình cảnh những người dân sau trận mưa lũ lịch sử này.

   Kỳ 1: Tiếng kêu từ những ngôi nhà tốc mái

Tôi đến thôn Mỹ Duyệt-Cam Thủy-Lệ Thủy vào lúc 12 giờ trưa ngày 14 tháng 10, lúc này cái nắng chói chang và nóng rát của miền đất “chó ăn đá gà ăn muối” này đang ở đỉnh điểm, nhiệt độ lên đến 39 độ C [mặc dù đang mùa mưa!].

Những người trong gia đình bác Bình đứng ngồi không yên với lãi suất ngân hàng. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Ðập vào mắt tôi là cảnh hai bên đường nhà cửa hoang tàn, tốc mái, những khu vườn xác xơ lá, tôn nát, ngói nát nằm vất vưởng khắp nơi, những căn nhà không có người ở hoặc có mà họ cũng đang nấp vào đâu đó để tránh nắng.

 Nói chung không có gì nói hơn là một hoang địa nằm bên một đầm nước mênh mông trải dài theo quốc lộ 1A - Bắc Nam, cách vĩ tuyến 17 chừng 60km về phía Bắc.

Tôi ghé vào thăm một ngôi nhà nằm bên đường, ngôi nhà có người đang sống, đông người nữa là khác.

Những người trong nhà thấy tôi vào đến sân là chạy ra chào và mừng rỡ, họ mừng ra mặt vì thấy tôi mang theo túi xách, máy móc... Nghe giọng tôi lạ, họ hỏi tôi ở miền Nam ra hay ở đâu, tôi nói tôi từ Quảng Nam. Họ mời tôi vào nhà và rót nước, chuyện trò...


Tài sản của người dân còn sót lại sau cơn lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Tôi tự giới thiệu mình là người đi khảo sát hậu quả cơn lũ cho cá nhân tôi, họ không ngạc nhiên và nói chuyện thêm cởi mở.

Tôi thấy lạ nhưng chưa hỏi, sau một hồi trò chuyện, người chủ nhà tên Trương Bá Bình tự giải thích với tôi rằng ông tin những cá nhân hơn tập thể, ông tin vào các tổ chức thiện nguyện hơn nhà nước.

Bằng chứng là những gì của nhà nước cứu trợ cho ông trong những ngày sau lũ chỉ giống trò hề, trò diễn kịch vô lối.

Tôi cố gắng nói chuyện thật chậm để giữ không khí trầm tĩnh, cho bác Bình bớt xúc động, có thể kể rành rọt hơn về trận lũ. Nhưng e rằng khó, chính cái cảnh sống nhìn đâu cũng thấy khó, lẩn quẩn và trống hoác, lêu bêu vậy khiến bác Bình chưa nói đã khóc.

Thay vì kể chuyện mình phải dời toàn bộ lên trên đồi cát sau nhà như thế nào khi nước dâng cao, sóng đánh tứ bề lúc 1h đêm 07 tháng 10 năm 2010, bác Bình chỉ cho tôi mức nước gần chấm mái tôn còn đọng dấu trên tường, rồi những ao cá mặt nước im lìm, căn nhà chưa kịp hết xiêu vẹo, hoàn hồn.


Gạo của người dân bị ngập nước vón thành cục. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Tôi thực sự xúc động và thương cảm cho cảnh nhà chưa đầy 24 mét vuông chứa đến 8 người, trong đó có cặp vợ chồng mới cưới của em Trương Bá Long [con trai bác Bình] và vợ. Nhìn lên nóc nhà còn treo toòng teng chiếc bếp gas và bình gas, Long nói với tôi là hai vợ chồng em suốt cả tuần nay không biết lát thịt là gì, em vừa nói vừa cười.

Nhìn cảnh mọi người nằm chồng ngủ chất lên nhau trong căn nhà rách như vậy, tôi chỉ biết im lặng giấu tiếng thở dài...

Bác Bình ít nói, chỉ lắc đầu và nhìn tôi, thi thoảng mới nói: “Tôi đoán anh là nhà báo, có đúng vậy không anh?”

Tôi gật đầu, bác nói tiếp: “Vậy thì anh giúp tôi đi, anh giúp bà con đi, ở đây nghèo khổ lắm, chúng tôi là người của quê hương Ðại Tướng [Võ Nguyên Giáp] mà! Sao nỡ đối xử với chúng tôi tệ vậy!”

Tôi nói với bác Bình rằng tôi chỉ là một người cầm bút, tôi không có đủ khả năng tài chánh để chia sẻ với bác hay ai đó trong lúc này, điều này làm tôi ray rứt lắm, mong bác thông cảm cho tôi... Nhưng tôi có hứa là sẽ viết bài, sẽ nêu lên hoàn cảnh của bác và mọi người.

“Anh là nhà báo đầu tiên đến chỗ này!” Bác Bình vừa nói vừa vỗ vai tôi.


Lúa đã nẩy mầm được phơi để xay cám. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Bác Bình cười mếu máo: “Từ bữa lụt xong đến hôm kia, tui chẳng biết hột cơm là chi nhà báo ơi, tui đâu còn hột gạo nào, ướt sạch, thúi sạch! Nhà nước cứu trợ cho chúng tôi mỗi nhà 8 gói mì tôm và 12 kg gạo để sống... hu hu...” Thấy bác Bình khóc, tôi chuyển sang đề tài khác.

Bác Bình lấy ra một xấp hồ sơ, biên bản về vấn đề thiệt hại tài sản trong những trận lũ trước, tôi tranh thủ chụp tất cả để giới thiệu độc giả.

Có một điều tôi hết sức ngạc nhiên là hậu quả của trận lụt năm trước, nhà nước có thống kê, có hứa sẽ hỗ trợ nhưng cho đến năm nay vẫn chưa có đồng nào.

Các con và vợ bác Bình thì vừa nói vừa khóc: “Nhà báo làm ơn đề nghị lên Ðảng cho tôi được giảm mức lãi suất ngân hàng, tụi tui vay tiền nhà nước để làm đầm cá giống, liên tục nhiều năm thiên tai, mất trắng, nợ chồng nợ chất, những tưởng năm nay gở vốn để trả nợ ai dè như thế này đây! Mà lãi suất hằng tháng mới nhắm mắt mở mắt đã tới rồi, khổ lắm.” Con gái bác Bình vừa nói vừa khóc.

Tôi tiếp tục đi sang thăm những căn nhà khác, cũng nheo nhóc, tốc mái, lúc đó đã 3 giờ chiều mà có nhà mới nấu cơm ăn sáng. Vì hết gạo, để tiết kiệm, nhà anh T. ăn mỗi ngày một bữa.

Tôi đi ngược lên miền trên xã Liên Thủy-Lệ Thủy-Quảng Bình, đây cũng là nơi có nhà tưởng niệm Võ Nguyên Giáp [người dân gọi là nhà tưởng niệm, mặc dù lúc tôi đến đây thì các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam vẫn chưa có thông báo gì về chuyện ông còn sống hay đã chết]. Ði một đoạn, gặp những người đàn bà phơi lúa, tôi dừng lại hỏi họ giá lúa bao nhiêu.

Tưởng tôi là người đi thu mua lúa ướt về xay cám lợn nên họ vồn vã chạy về gọi bà chủ vựa lúa ra gặp tôi. Chị Lê Thị Viền, chủ một nhà máy xay xát và thu mua lúa gạo mời tôi vào nhà. Tôi ngồi dăm phút lại mời chị ra đường để hỏi chuyện chứ không tài nào ngồi giữa bốn bề toàn lúa ướt, gạo ướt bốc mùi nồng nặc.

Chị Viền lắc đầu, vừa nói vừa khóc: “Miền [mình, nói giọng Quảng Bình] chắc chết vì nợ đây, miền vay tiền để mua gạo dự trữ Tết, giờ ướt sạch, miền lâm nợ, miền định bán nhà. Nói chung miền dám chơi dám chịu, chỉ buồn là nhà nước cứu trợ ở đâu đâu, chẳng ngó nghĩ đến quê miền một chút, từ hôm lụt đến nay, nhà nước cho mỗi người 7 gói mì tôm rồi là hết, anh nghĩ làm sao để sống trong vòng mười mấy ngày với 7 gói mì tôm hả anh?

Trong khi nhà nước nói là ngưng bắn pháo bông để cho tiền cho dân trong hiểm nghèo, nhiều nhà mất trắng cũng chỉ có 7 gói mì tôm, làm sao mà miền sống hà?... Chưa có lấy một nhà báo, nhà đài nào về đây, cũng chưa có lấy ông Ðảng nào về đây an ủi bà con...” Chị Viền vừa nói vừa gạt nước mắt rồi nhìn ra cánh đồng mênh mông nước trước nhà.

Tôi quay trở vào kho, thử mở một bao, gạo đã quánh thành cục vàng ợt mốc meo, bốc mùi thum thủm. Chị Viền xộc tay móc vào bao, lấy ra một nắm gạo nhão nhoét, đưa cho tôi chụp hình. Tôi nói: “Ngọc trời mà thối thì cũng ra phân chị há!” chị Viền thở dài nói: “Ðây là ơn Ðảng, là xác của pháo bông trong ngày đại lễ ấy chứ em, miền có theo dõi chương trình được mấy ngày đầu mà!”

Tôi tạm biệt chị Viền và tiếp tục đi về phía nhà Tướng Giáp.

(Còn tiếp)