Home Tin Tức Thời Sự Diễu binh với súng Mỹ, Việt Nam muốn nói gì?

Diễu binh với súng Mỹ, Việt Nam muốn nói gì? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nam Nguyên/ RFA   
Thứ Bảy, 16 Tháng 10 Năm 2010 20:27

Phải chăng họ muốn gửi đến Trung Cộng một thông điệp? 

Hàng triệu người Việt đã xem lễ diễu binh ngàn năm Thăng Long qua TV, cảm nhận của họ từ ngạc nhiên đến thích thú  khi xem cảnh sát biển và bộ đội đặc công diễu hành với đồ trận rằn ri và những khẩu súng lạ.


Cảnh sát biển Việt Nam diễu hành trong cuộc diễu binh quân sự vào ngày 10 tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội. /AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Khẩu súng nhỏ báo hiệu thay đổi lớn

Báo Đất Việt Online , Diễn Đàn của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam đã đặt tựa như thế cho một bài viết về lễ diễu binh 10/10 ở Hà Nội.

 Chúng tôi trích đọc một đoạn trong bài: “Đây là lần đầu tiên, trong vài chục năm trở lại đây, bên cạnh các vũ khí truyền thống như AK và CKC, một loại vũ khí cá nhân có nguồn gốc từ Mỹ, xuất hiện chính thức trong một lễ diễu binh quốc gia trên tay các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhất là với lực lượng đặc biệt tinh nhuệ  đặc công và cảnh sát biển.

 Phải chăng đây là một dấu hiệu đáng mừng thể hiện tư duy cởi mở và đa phương hóa, hội nhập quốc tế của nền quốc phòng Việt Nam.

Trong số hàng triệu người Việt Nam đã xem trực tiếp truyền hình lễ diễu binh 10/10, nông dân Tám Cước ở đồng bằng sông Cửu Long vừa cười vui vẻ vừa phát biểu:

“Ngạc nhiên chứ…tôi thấy một bước chuyển mình mới, mình không hiểu chính trị nhưng có lẽ là hòa nhập hơn chứ không có còn như mọi lần. Người dân người ta rất thích…bộ đội đi ăn nhịp lắm.”
  
Lễ diễu binh đại lễ ngàn năm Thăng Long được tổ chức 2 ngày trước Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, trong đó ngoài 10 nước ASEAN còn có đại diện 8 quốc gia khác đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Phải chăng, qua lễ diễu binh ngàn năm Thăng Long với hai đơn vị sử dụng vũ khí được cho là có nguồn gốc từ Mỹ, chính phủ Việt Nam    muốn chuyển tải một thông điệp nào đó tới các quốc gia khác, đặc biệt là láng giềng phương Bắc từng muốn hùng cứ trọn Biển Đông.

 Luật Sư Trần Lâm nguyên thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao từ Hà Nội nhận định:

“Theo tôi, mình nói chữ thông điệp xem chừng còn rụt rè. Bây giờ mồm không nói ra, mồm vẫn hòa hảo hữu nghị anh em, nhưng trong lòng thì đã thay đổi rồi.

Bây giờ trong nước có thể có phái còn thân Trung Quốc, nhưng khuynh hướng chống Trung Quốc hay là muốn Trung Quốc kiềm chế đang phát triển rộng hơn trong nhân dân, trong quân đội, trong cả hàng ngũ lãnh đạo cầm quyền nữa…Bây giờ không phải Trung Quốc nói gì là nghe đâu, nhưng bề ngoài thì thế thôi.” 

     Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh thị sát hợp luyện diễu binh bộ đội đặc công. Photo courtesy of Datviet.

Những người xem diễu binh đại lễ ngàn năm Thăng Long có thể có câu hỏi chung, không biết vì lý do gì mà không thấy lực lượng cơ giới quân sự tham gia, các loại máy bay chiến đấu tối tân cũng không phi diễn trên bầu trời, mặc dù báo chí Việt Nam gọi là cuộc diễu binh lịch sử. Điểm nhấn trên báo chí là một số đơn vị tinh nhuệ trang phục hiện đại và mang súng có nguồn gốc từ Mỹ.

Ông Nguyễn Tử Cương một chuyên gia của Hội Nghề Cá Việt Nam đưa ra nhận định:

“Đó là một thông điệp rằng Việt Nam không muốn gây sự với ai cả. Nhưng Việt Nam sẵn sàng đáp trả nếu ai đó xâm phạm chủ quyền quốc gia độc lập dân tộc.

 Những năm gần đây các nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng Việt Nam làm bạn và hợp tác với tất cả các nước với nguyên tắc chung là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

 Do vậy trước đây khẩu súng xuất xứ một quốc gia nào đó thì quân đội Việt Nam mới cầm, còn bây giờ không phải như vậy nữa mà nó là một sự hợp tác đa phương miễn là không can thiệp vào nội bộ của nhau không làm hại đến kinh tế của nhau.”    

Đặt tên mới cho súng cũ

“Đó là một thông điệp rằng Việt Nam không muốn gây sự với ai cả. Nhưng Việt Nam sẵn sàng đáp trả nếu ai đó xâm phạm chủ quyền quốc gia độc lập dân tộc.

Đất Việt Online là tờ báo chú ý khá nhiều tới chuyện các đơn vị đặc công, cảnh sát biển được trang bị hiện đại, giày trận, nón cứng, súng Mỹ. Tờ báo trích lời một giới chức ban tổ chức hợp luyện diễu binh khi giới thiệu khẩu súng lạ với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, đã gọi đó là súng M.18 có nguồn gốc từ Mỹ.

Tờ Đất Việt Online cũng có nhiều bài nghiên cứu khá kỹ lưỡng kèm hình ảnh cho thấy khẩu súng mà người Việt Nam đặt tên là M.18 có thể là một trong những phiên bản của hãng Colt ở Hartford tiểu bang Connecticut  vùng đông bắc Hoa Kỳ.

Qua tư liệu và tìm hiểu từ các chuyên viên am hiểu lãnh vực súng cá nhân, những nguồn tin chúng tôi ghi nhận tỏ ra khá dè dặt về tên gọi súng trường M18, có thể đây là tên do các chuyên gia vũ khí Việt Nam tự đặt ra.

Trong danh mục súng cá nhân hiện hành của quân đội Hoa Kỳ và NATO chưa có loại súng trường nào mang tên M18, chỉ có các phiên bản M16 A1, A2, A3, A4 và các dòng cải biến trang bị cho các đơn vị đặc biệt. AR 15 là thương hiệu của Colt đối với các dòng súng M16 cung cấp cho quân đội; CAR 15 là dòng commando với các phiên bản XM177.


 Ảnh chụp phần thân của súng M-18 trong buổi hợp luyện diễu binh. Photo courtesy of Datviet.

Theo ảnh chụp khá rõ của Đất Việt Online, loại súng mà đặc công và cảnh sát biển diễu binh có thân súng khắc hàng chữ COLT’S PATENT FIRE ARMS HARTFORD CONN USA.

Nhiều khả năng loại súng gọi là M18 các đơn vị sử dụng trong lễ diễu binh là súng cũ đã qua sử dụng.

 Ảnh chụp của Đất Việt Online cho thấy những dòng chữ khắc trên thân súng tuy đọc được nhưng không sắc nét như súng mới. Những khẩu súng gọi là M18 giống hệt loại súng XM177E1 lúc đó giới quân nhân quen gọi là M16 nòng ngắn từng xuất hiện trong chiến tranh Việt Nam.

Tất cả các loại súng M16 hoặc dòng Commando XM177 sử dụng đạn 5,56mm đều có thể gắn ống giảm thanh như đã thấy trong lễ diễu binh. 

Chúng tôi tiếp xúc với cựu Trung Tá Vũ Minh Trí thuộc biên chế Tổng Cục II Bộ Quốc Phòng, nhân vật khá nổi tiếng vì tố cáo những vụ việc nghiêm trọng, tuy vậy ông bị khai trừ Đảng và tước quân hàm. Cựu Trung tá Vũ Minh Trí là người có nhiều kiến thức chuyên môn về lãnh vực vũ khí. Ông nói:   

“Bản thân tôi là một kỹ sư vũ khí đã được đào tạo 5 năm chủ yếu về các loại súng pháo, tôi chưa bao giờ được tiếp xúc với loại súng này. Tôi xem ở trên trang mạng thì không thấy ngừơi ta nói đây là súng chiến lợi phẩm hay là mua hay nhập về. Thú thực về mặt nguồn gốc thì tôi chỉ có thể nói đây là súng của Mỹ, chứ không biết chắc là nó có phải là súng chiến lợi phẩm hay súng mua hay không.”     


“Thú thực về mặt nguồn gốc thì tôi chỉ có thể nói đây là súng của Mỹ, chứ không biết chắc là nó có phải là súng chiến lợi phẩm hay súng mua hay không. / Ô. Vũ Minh Trí

Theo tài liệu đáng tin cậy, trong chiến tranh Quân đội VNCH được Hoa Kỳ cung cấp khoảng 640.000 khẩu súng M16. Khi cuộc chiến kết thúc năm 1975 một kho khí tài quân sự khổng lồ đã rơi vào tay nhà nước cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên trong mấy thập niên vừa qua, chỉ thấy súng M16 được trang bị cho dân quân tự vệ, còn bộ đội chính qui trang bị vũ khí xuất xứ từ Nga, Trung Quốc. Khẩu súng được các chuyên gia quân sự Việt Nam đặt tên là M.18 có thể có nguồn gốc từ kho khí tài quân sự vừa nêu.

Bài viết “Khẩu súng nhỏ báo hiệu một sự thay đổi lớn?” trên Đất Việt Online có đoạn; “Khẩu súng M 18  trong tay bộ đội Việt Nam, những người đã đối đầu với quân Mỹ trên chiến trường đẫm máu, đánh dấu một sự thay đổi có tính cởi mở, thực tiễn của quân đội Việt Nam. Nếu như người Nga tự hào khi AK 47, SAM 2, MIG 21, RPG 7, STRELA 2 lập công tại Việt Nam, thì người Mỹ phải cảm thấy hãnh diện khi M 18 (loại súng dùng các thiết kết của hãng Colt, Mỹ) và có thể cả những vũ khí khác nữa của họ xuất hiện trong trang bị của quân đội Việt Nam.”

Cho đến nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn còn đang cân nhắc việc bán cho Việt Nam những loại vũ khí không sát thương, như máy bay tuần dương và hệ thống radar theo dõi bờ biển.
Tuy nhiên trong tài khóa 2010, Hoa Kỳ cấp 1,3 triệu đô la cho chương trình củng cố quan hệ an ninh quốc phòng với Việt Nam. Ngân khoản này được tài trợ cho chương trình đạo tạo anh ngữ cho sĩ quan Việt Nam, ngoài ra để giúp sữa chữa và nâng cấp hàng trăm trực thăng Huey UH1 do quân đội VNCH để lại sau chiến tranh.

Nếu người Việt Nam đem kho súng Mỹ chiến lợi phẩm năm xưa, tân trang và đặt tên mới để trang bị cho các đơn vị chính qui tinh nhuệ của mình, thì cũng là một cách chứng tỏ sự thay đổi tư duy về lãnh vực quân sự.