Xung đột và hợp tác Việt - Trung trên biển |
Tác Giả: GS. Châu Khắc Uyên |
Thứ Bảy, 16 Tháng 10 Năm 2010 19:00 |
Vấn đề biên giới rất nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và ngay chính cuộc chiến 1979 đã bắt đầu bằng nhiều va chạm vũ trang dọc đường biên giới. Vì thế hai phía xem biên giới là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình giải quyết tranh chấp sau khi bình thường hóa quan hệ đầu thập niên 1990. Hợp tác Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc nhấn mạnh nhu cầu hợp tác Trung Quốc và Việt Nam cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận về quy định phạm vi biên giới trên bộ năm 1999 và vào cuối năm 2008, hai phía hoàn tất việc phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền. Các vấn đề liên quan biên giới biển khó giải quyết hơn. Một mặt, hai nước đã ký thỏa thuận quy định biên giới biển, đặc khu kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ năm 2000. Hai bên cũng ký hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh này. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là thỏa thuận đầu tiên dạng này mà Trung Quốc đồng ý với một nước láng giềng và có thể là hình mẫu tốt cho Trung Quốc để giải quyết vấn đề biên giới biển với các nước. Đối với Việt Nam, hiệp định cũng được xem là mang tính chi tiết nhất từ trước tới nay, cho dù nó là hiệp định thứ hai trong số ba thỏa thuận Việt Nam đã ký với các nước láng giềng. Bằng các thỏa thuận trên, Trung Quốc và Việt Nam đã mở ra thời đại mới về hợp tác trên biển trong mối quan hệ song phương. Hai nước cũng ký thỏa thuận khung về hợp tác khai thác dầu và khí đốt ở Vịnh Bắc Bộ trong tương lai. Mặt khác, tranh chấp biển nổi bật nhất là tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai nước dự tính phân định ranh giới ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, nhưng do tranh chấp về Hoàng Sa, đã không có tiến bộ nào. Tranh chấp Sáu nước cùng đang tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa Tranh chấp về quần đảo Trường Sa còn phức tạp hơn, không chỉ dính líu Trung Quốc, Việt Nam, mà cả các nước Đông Nam Á như Brunei, Malaysia và Philippines. Một Tuyên bố chung về Ứng xử giữa các bên được ký bởi Trung Quốc và 10 thành viên ASEAN năm 2002. Theo tuyên bố này, các bên đồng ý giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thông qua đàm phán theo các nguyên tắc được luật quốc tế công nhận. Theo sau Tuyên bố 2002, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, thông qua các công ty dầu khí nhà nước, ký thỏa thuận ba bên về hoạt động khai thác địa chấn ở Biển Đông tháng Ba 2005. Nhưng thỏa thuận chỉ hạn chế ở việc thu thập dữ liệu địa chấn và có những trở ngại khi thực hiện do các quyền lợi riêng của các bên và sự nghi ngờ lẫn nhau. Các bên đòi chủ quyền Trường Sa cũng vẫn tiến hành các hoạt động đơn phương, làm các phe khác phản đối. Tháng 12.2007, các vụ biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở Hà Nội và TP. HCM dò hoạt động đơn phương của Trung Quốc. Xung đột về quyền lợi biển, đặc biệt về chủ quyền các đảo, sẽ thỉnh thoảng lại làm rạn nứt sự phát triển của quan hệ song phương Việt - Trung /GS. Châu Khắc Uyên Quan hệ Việt - Trung thường được nói là mang tính chất "vừa yêu vừa ghét", nhưng lịch sử cho thấy nền tảng sâu sắc của sự hợp tác song phương khi xét về sự tương đồng trong văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống, cơ cấu xã hội... Vì lẽ đó, hai bên sẽ không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Hai nước đã đạt đồng thuận để giải tỏa tranh chấp theo nguyên tắc quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Trung Quốc và Việt Nam đã thiết lập cơ chế hợp tác về biển nhằm tìm giải pháp lâu dài mà cả hai có thể chấp nhận. Hai nước đã đồng ý duy trì ổn định ở Biển Đông và thảo luận một mô hình cùng khai thác tại đó. Có thể nói hai phía sẽ tiếp tục nhiều hoạt động hợp tác ở những khu vực ít nhạy cảm hơn như tài nguyên đánh cá, khai thác dầu và khí đốt, bảo vệ môi trường biển, vân vân. Nhưng còn trong tranh chấp về Hoàng Sa, Trường Sa, không có dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc và Việt Nam có thể đạt giải pháp trong những năm tới. Như vậy, mặc dù hợp tác biển có thể củng cố tình hữu nghị giữa hai nước, nhưng xung đột về quyền lợi biển, đặc biệt về chủ quyền các đảo, sẽ thỉnh thoảng lại làm rạn nứt sự phát triển của quan hệ song phương Việt - Trung. Viết riêng cho BBCVietnamese.com từ ĐH Central Lancashire Về tác giả: Tiến sĩ Châu Khắc Uyên (Keyuan Zou) là giáo sư Luật Quốc tế tại Trường Luật Lancashire, Đại học Central Lancashire, Anh quốc. Trong số các sách gần đây của ông có China's Legal Reform: Towards the Rule of Law (Leiden/Boston: Martinus Nijhoff, 2006) và China's Marine Legal System and the Law of the Sea (Leiden/Boston: Martinus Nijhoff, 2005). |