Home Tin Tức Thời Sự Tan nát lòng sông Hương

Tan nát lòng sông Hương PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Văn Minh   
Thứ Bảy, 16 Tháng 10 Năm 2010 10:07

Sông Hương - dòng sông di sản, linh hồn của vùng đất Thuận Hoá – Phú Xuân... đã và đang bị biến thành một đại công trường khai thác cát sạn cả ngày lẫn đêm trước sự “bất lực” - được hiểu theo nhiều nghĩa - của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

 

 Sau một ngày cùng tôi "thị sát" sông Hương bằng đường bộ và thuỷ, Tâm - một lữ khách Hà Nội nhưng "chỉ yêu văn hoá Huế" - đã có một ví von làm giật thót người đối diện: Dòng sông này như một cô gái đẹp yếu đuối và mình đầy thương tích do bị "đám côn đồ" vai u thịt bắp "băm nát" tập thể một cách không thương tiếc...

 
      Lòng sông Hương dày đặc các xàlan khai thác cát trái phép. Ảnh: H.V.M

 Thượng nguồn sóng dậy

 Xuất phát từ chân cầu Chợ Dinh, tôi và Tâm bắt đầu chuyến ngắm bình minh trên sông Hương trên một chiếc đò chuyên chở cát sạn của người dân vạn đò. Lững thững qua chợ Đông Ba, chui cầu Trường Tiền, vượt cầu Phú Xuân, Bạch Hổ... “Không thể có không gian nào yên bình và thơ mộng hơn” - Tâm miệng nói tay liên hồi với chiếc máy ảnh đời mới. Nhưng sự yên bình và thơ mộng không kéo dài được lâu. Thuyền vừa “bước” qua khỏi địa phận chùa Thiên Mụ ở phía thượng nguồn, cả Tâm và tôi đều bàng hoàng không tin được những gì đang diễn ra trước mắt mình. Cả một khúc sông dài mấy cây số từ đó lên đến chân cầu Tuần - vốn là đoạn hoang sơ và đẹp nhất của sông Hương - bỗng “biến” thành một đại công trường khai thác cát sạn.

 Các xà lan, thuyền máy được tập kết khai thác theo từng cụm. Cát, sỏi từ những chiếc “vòi rồng” phun lên từng chùm như pháo hoa. Tiếng máy nổ gầm rú vọng xuống mặt nước, hắt lên hai bên bờ, gây náo động cả một khúc sông. “Chuyện gì đang xảy ra với sông Hương thế này?” - Tâm hỏi. Tôi nín lặng bởi cũng không biết phải trả lời sao cho cô hiểu. “Ngày cũng như đêm, lúc mô đoạn sông ni cũng ồn ào, náo động như ri hết. Nếu như mấy năm trước, việc khai thác cát sạn trên sông Hương còn có chừng mực, có nơi, có chỗ, thì hai năm trở lại đây, người ta khai thác tràn lan, rầm rộ. Nếu cứ mãi ri chắc một vài năm nữa là lòng sông Hương hết cát” - bác Trai chủ đò nói giọng buồn buồn. Tâm thở dài: “Như thế này thì còn chi là sông Hương nữa. Nếu dưới đáy sông này có thuỷ cung thật như trong truyện cổ, chắc bây giờ thuỷ cung cũng đã sập do sạt lở và long vương, long tướng chắc cũng sập hầm mà chết hết rồi”.

 
 Bờ sông Hương - đoạn từ chùa Thiên Mụ lên đến cầu Tuần - bị băm nát bởi những
bãi tập kết và khai thác cát sạn như thế này. Ảnh: H.V.M
 
 Ngạc nhiên là từ 10 năm trước, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban lệnh cấm khai thác và quy định khoảng cách đối với các công trình cầu cống, di tích. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, việc khai thác cát sạn trên sông Hương từ nhiều năm nay chủ yếu là dùng phương tiện cơ giới. Không chỉ có vậy, người ta còn khai thác ngay trước mặt tất cả các di tích lịch sử như đã dẫn, chứ không hề cách xa 100 hay 500m tính từ hai phía như yêu cầu. Thậm chí, ngay sát chân cầu Tuần thuộc địa phận xã Hương Thọ, từ hơn một năm nay đã mọc lên một bãi khai thác và tập kết cát sạn với quy mô rất lớn, khai thác cả ngày lẫn đêm.

  “Không thể nào chịu đựng thêm một phút giây nào nữa” - Tâm... đùng đùng nổi nóng yêu cầu chủ thuyền quay lại điểm xuất phát dù theo lịch trình, chúng tôi phải lênh đênh trên sông Hương nguyên ngày và sẽ ghé thăm rất nhiều điểm như chùa Thiên Mụ, lăng Gia Long, điện Hòn Chén... 

 Tan nát đôi bờ

 Để chuộc lỗi với bạn, hôm sau tôi lại rủ Tâm đi lên phía thượng nguồn sông Hương để thăm các điểm di tích như đã lên lịch, nhưng sẽ đi bằng xe máy. Tâm đồng ý, nhưng không may cho tôi là cũng như hôm trước, sau một khoảng ngắn ngủi được hít thở không khí trong lành, vừa đặt chân vào tuyến QL49 dọc bờ sông nối thành phố với đường tránh là lập tức Tâm ôm ngực ho sặc sụa vì đường bụi mịt mù như khói rơm - xuất phát từ những chiếc xe ben chở cát sạn ngược xuôi cả đêm lẫn ngày. Tôi lại không tin vào mắt mình, bởi hồi cuối năm ngoái, đây vẫn còn là con đường “trong vắt” và láng e, nhưng sau gần một năm trở lại, nó lại trở thành lò bụi và bên dưới thì than ôi, đâu đâu cũng lởm chởm "ổ gà", thậm chí là “ổ voi”.

 
 Lòng sông Hương đoạn từ chùa Thiên Mụ lên cầu Tuần - dày đặc các sà lan và
thuyền khai thác cát sạn trái phép. Ảnh: H.V.M

 Nhưng đó mới chỉ là con đường, còn dọc phía hai bên bờ sông Hương còn kinh khủng hơn. Dọc bờ sông - đoạn từ khu vực cầu Bạch Hổ đến cầu Tuần - chúng tôi đếm được tất thảy...19 điểm và bãi khai thác, thu gom, tập kết và cung ứng cát sạn, trong đó có 8 điểm khai thác cát sạn có quy mô từ nhỏ đến lớn, hoạt động suốt ngày đêm; 11 bãi cát sạn thường xuyên thực hiện việc thu gom, tập kết, cung ứng cát, sạn cho khách hàng; cùng gần 100 chiếc tàu thuyền đủ loại tham gia trực tiếp vào việc hút và vận chuyển cát sạn. Trong số này, nhiều bãi tập kết, khai thác nằm ngay trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích như: Bãi tập kết cát sạn khu vực Bến Than (trước mặt điện Huệ Nam); khu vực gần cầu Lâm Nghiệp thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ lăng Cao Hoàng; bãi tập kết cát sạn trong khu vực I thuộc khu vực bảo vệ di tích Văn Miếu, Võ Miếu...

 Ở hầu hết các điểm tập kết, khai thác, những người khai thác cát đã cho cắm trực tiếp ống hút cát xuống mép sông, dùng bơm thuỷ lực rút cát ngay cạnh bờ. Thêm nữa, phần lớn các thuyền khai thác cát có công suất lớn, lại khai thác không có quy hoạch nên cứ điểm nào thuận tiện là tiến hành tận thu, dẫn đến dọc bờ sông, rất nhiều điểm bị “băm nát” thành từng hố sâu như vừa bị thả bom. Ông Nguyễn Văn Xuân - một người dân sống dọc bờ sông Hương - đoạn qua xã Thuỷ Bằng - nhẩm tính: “Mỗi ngày có từ 30-40 chiếc đò khai thác cát sạn bằng thủ công và phương tiện thô sơ, sức chứa khoảng 10m3/đò. Mỗi đò làm 3 chuyến một ngày, vị chi một ngày đêm có đến 1.200m3 cát bị lấy đi. Đó là chưa kể 4 tàu cuốc lấy sỏi và 5 - 6 chiếc tàu lớn hút cát. Mỗi tàu bình bình 100-120m3/ngày. Vị chi trung bình mỗi ngày đêm, sông Hương bị rút ruột bởi tất cả các loại phương tiện khoảng hơn 2.000m3 cát và sỏi”.

 Hậu quả của con số trên là nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở trầm trọng, tuyến quốc lộ 49 ven sông Hương bị sạt tà luy âm ăn sâu sát chân đường. Đoạn từ cầu Tuần đến thôn Trung Thượng của xã Thuỷ Bằng đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, có nơi xói sâu vào bờ từ 5-7m. Hàng trăm nhà cửa của người dân hai xã Thuỷ Bằng (thị xã Hương Thuỷ) và Thuỷ Biều (thành phố Huế), Hương Thọ (huyện Hương Trà) cùng nhiều di tích lịch sử ven sông đã sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở. “Nhiều năm qua, đã có không biết bao nhiêu nhà cửa, đất đai bị sông Hương “nuốt” chửng.

 
 Bờ sông Hương - đoạn qua xã Thuỷ Bằng - bị sạt lở nghiêm trọng do nạn khai
thác cát sạn. Ảnh: H.V.M
 
 Chính quyền đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của để xây kè giữ sông, nhưng ngay cả đoạn kè đi qua thôn Dương Phẩm của xã Thuỷ Bằng - nơi có 3 ngôi nhà bị sông nuốt năm 2006, mới xây từ năm 2007 - đến nay cũng không chịu nổi đã bị xói lở ở phần móng” - ông Nguyễn Văn Xuân nói. “Mà nạn khai thác cát sạn tràn lan trên sông Hương bao nhiêu năm nay không chỉ làm khổ hàng trăm, hàng ngàn hộ dân sống hai bên bờ, mà còn làm khổ lây cả những người sống bằng nghề đánh bắt dưới nước. Mấy năm nay, dân sống bằng nghề đánh bắt ở khúc sông này là bạn tôi bỏ nghề nhiều lắm, vì nước sông ô nhiễm cộng với tiếng ồn nên cá tôm đi hết” - ông Xuân tiếp.

 Ông Xuân làm tôi nhớ đến lời bác Trai chủ đò đã chở tôi và Tâm đi “ngắm bình minh” ngày trước. Bác nói đại ý, mai mốt, cảnh những người dân vạn chài tung lưới trên khúc sông này chắc chỉ còn có trong lễ hội “Huyền thoại sông Hương” mỗi dịp festival Huế thôi, chứ bữa ni cá tôm mô nữa mà quăng lưới, giăng câu...

 Trong những ngày tôi và Tâm bị “cuốn” vào câu chuyện này, tình cờ chúng tôi gặp TS Hồ Ngọc Phú - nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án sông Hương tại Huế. Dù đã về hưu và đang sống tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng sự quan tâm của ông đối với con sông này thậm chí còn nhiều hơn cả lúc còn tại vị. Ông nói: “Khai thác cát sạn là chuyện mà hằng ngày ai cũng thấy. Còn có những nguy cơ khác đã và đang tàn phá sông Hương từ nhiều năm nay mà chúng ta chưa thấy, hoặc cố tình không nhìn thấy như nước sông ô nhiễm, dòng chảy và hệ sinh - thực vật biến đổi do thuỷ điện đầu nguồn; là cảnh quan đôi bờ biến dạng do hàng chục cơ quan nhà nước, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nhà dân... thay nhau xây kè lấn chiếm bờ sông...”.