Đọc sai 'Bình Ngô đại cáo' trong đêm Đại lễ |
Tác Giả: Khuất Hậu | ||
Thứ Sáu, 15 Tháng 10 Năm 2010 04:53 | ||
"Thăng Long - Hà Nội - thành phố rồng bay" sẽ là một chương trình nghệ thuật toàn bích trong buổi bế mạc Đại lễ chào mừng nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, nếu chẳng có những sai sót không đáng xảy ra. Người xem thật tiếc và có phần phản cảm khi trên nền sân khấu hoành tráng với những tiết mục hay, công phu lại phải nghe người nghệ sĩ đọc sai lời những đoạn văn trong bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu và bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. 1-"Thăng" biến thành "thanh"
Bài Bạch Đằng giang phú có đoạn: "Giặc tan muôn thuở thăng bình - Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao" (Nguyên văn chữ Hán: "Hồ trần bất cảm động hề, thiên cổ thăng bình - Tín chi: bất tại quan hà chi hiểm hề, duy tại ý đức chi mạc kinh"). Đoạn này đã bị đọc sai thành: "Giặc tan muôn thuở thanh bình - Bởi đâu đất hiếm cốt mình đức cao". Trong nguyên văn chữ Hán là "thăng bình", chứ không phải "thanh bình", là "hiểm" (dấu hỏi), chứ không phải "hiếm" (dấu sắc). Trước hết THĂNG BÌNH và THANH BÌNH khác nhau ở chỗ: THĂNG BÌNH là vừa thái bình, vừa phát triển thịnh vượng, còn THANH BÌNH không bao hàm sự phát triển. 2-"Hiểm" bỗng hóa "hiếm" Tuy nhiên, sai sót này là đáng tiếc nhưng cũng chưa phải là nghiêm trọng. Điều đáng nói là "đất HIỂM" (dấu hỏi) bị đọc thành "đất HIẾM" (dấu sắc). Sai một từ mà làm hỏng cả ý tứ sâu xa của tiền nhân. Người trình độ bình thường nhất cũng thấy hai chữ "đất HIẾM" (dấu sắc) đi với "đức cao" là không hợp nghĩa, là vô nghĩa, ngô nghê. Phải là "đất HIỂM" (dấu hỏi) đi với "đức cao" mới nói lên được mối quan hệ giữa "địa linh" và "nhân kiệt", mới làm nổi bật lên được vai trò, sức mạnh của "nhân kiệt" đối với "địa linh", vai trò, sức mạnh của đức cao, đức lành dân tộc. Ta thắng giặc không chỉ bởi "đất hiểm" mà quan trọng hơn là bởi dân tộc ta có "đức cao", "đức lành". Tư tưởng yêu nước mang đậm chất nhân văn này là tư tưởng xuyên suốt Bạch Đằng giang phú cũng như một số tác phẩm khác. Ở bài thơ Bạch Đằng giang (Sông Bạch Đằng), Nguyễn Sưởng (thời Trần) viết: "Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết - Nửa do sông núi, nửa do người" (bản dịch). Trong bài Xương Giang phú, Lí Tử Tấn (1378 - 1457) cũng khẳng định: "Có đức công mới lớn - Có người đất mới linh - Giữ nước không cốt ở hiểm yếu - Giữ dân không cốt ở hùng binh" (bản dịch). Đọc "đất HIỂM" (dấu hỏi) thành "đất HIẾM" (dấu sắc), sai một từ mà làm sai lạc cả ý tứ sâu xa của tiền nhân. Không nên coi đó là điều nhỏ nhặt. Tục ngữ có câu "sai một li đi một dặm". 3-"Núi sông" hay "nước non"? Bài Bình Ngô Đại cáo cũng bị đọc không chính xác. Câu "Núi sông bờ cõi đã chia" (nguyên văn chữ Hán: "Sơn xuyên chi cương vực kí thù") bị đọc thành "Nước non bờ cõi đã chia". Đó là chưa kể, người đọc đã lấy bản dịch cũ: "Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương". Câu này phải là "Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế (hoặc làm đế) một phương " (nguyên văn chữ Hán: "Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương"). Cần lưu ý là ở bài Nam quốc sơn hà, tác giả đã thể hiện một ý thức dân tộc sâu sắc và mạnh mẽ qua từ "đế" (Nam đế cư). Ở Bình Ngô Đại cáo, Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy ý thức dân tộc, niềm tự hào dân tộc sâu sắc và mạnh mẽ đó: "các đế nhất phương". Nhiều bản dich trước đây dịch là "làm chủ" hoặc "hùng cứ" thì nay đều đã bỏ mà giữ nguyên chữ "đế" để giữ nguyên giá trị to lớn của tác phẩm. "Hùng cứ" và "làm đế" là rất khác nhau cả về tính hợp pháp và quyền lực làm chủ. Bạch Đằng giang phú và Bình Ngô Đại cáo đều là những áng văn bất hủ, được giảng trong nhà trường. Nếu không nói ra những sai sót đó thì khi chương trình này đến với bạn bè quốc tế, những người tìm hiểu về Việt Nam, hiểu biết về Việt Nam, sẽ nghĩ gì ? Những sai sót lẽ ra không đáng có ở một chương trình hoành tráng và được xem là khá toàn bích. Đêm 10 tháng 10 năm 2010 * Khuất Hậu |