Kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới thứ 30, vẫn còn 925 triệu người đói |
Tác Giả: VOA |
Thứ Năm, 14 Tháng 10 Năm 2010 14:05 |
Liên Hiệp Quốc cho biết con số người sống trong tình cảnh đói kém trên thế giới đã giảm xuống gần 1 triệu người trong năm ngoái, tuy nhiên vẫn nằm ở mức 925 triệu người. Nhân Ngày Lương thực Thế giới, Thông Tín Viên Selah Hennessy tại London đánh giá những tiến bộ trong các nỗ lực chống đói, và nêu lên câu hỏi là liệu cộng đồng quốc tế cần thực hiện những bước nào trong tương lai, để có thể xóa sạch nạn đói. Phụ nữ Niger đang chờ nhận thực phẩm dành cho trẻ em của chương trình do Liên hiệp quốc hỗ trợ giúp trẻ khỏi suy dinh dưỡng /Hình: AFP Năm 2010 là cột mốc có ý nghĩa trong công cuộc chống lại nạn đói trên thế giới: năm nay đánh dấu 30 năm kể từ Ngày Lương thực Thế giới đầu tiên, và 65 năm từ khi tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, FAO được thành lập. Bà Caroline Hurtford làm việc cho Chương trình Lương thực Thế giới, WFP, của Liên Hiệp Quốc. Bà nói trong 30 năm kể từ Ngày Lương thực Thế giới đầu tiên, đã đạt được một số tiến bộ thực sự. Theo Chỉ số Đói nghèo Toàn cầu (GHI) năm 2010, tỉ lệ người đói kém trên thế giới đã giảm xuống 1/4, tính từ năm 1990. Tuy nhiên bà Hurtford nói trong những năm gần đây đã có một số trở ngại quan trọng: “Trong những năm 1990, số những người đói có giảm đôi chút. Tuy nhiên con số này lại tăng trở lại trong cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2007-2008. Thế rồi giá lương thực và giá xăng dầu tăng vọt đã làm chệch hướng mọi sự, và chúng ta mới phát hiện ra rằng càng ngày càng có nhiều người không có khả năng để mua lương thực. Thêm vào đó hiện tượng biến đổi khí hậu đã gây nhiều khó khăn trong vấn đề trồng trọt.” Chống nạn đói là một trong 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ mà các quốc gia trên thế giới đã đề xướng cách đây 10 năm. Giờ đây, hạn chót để thực hiện các mục tiêu ấy là 2015 đang đến gần. Nhiều người e ngại là sẽ không đạt được các mục tiêu ấy. Nhiều nước và vùng lãnh thổ đã đạt được tiến bộ. Vùng Nam Á đã đạt được nhiều tiến triển nhất. Và nhiều quốc gia thuộc tiểu vùng Sahara ở châu Phi cũng đã đạt được nhiều tiến bộ, kể cả Ghana, Ethiopia và Angola. Tuy nhiên những tiến triển ấy không được đồng bộ trên toàn cầu. Tình trạng xuống cấp trầm trọng nhất xảy ra tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo, vốn bị xâu xé vì các cuộc tranh chấp và bất ổn chính trị. Bà Hurtford nói những tai họa về môi trường như nạn hạn hán, và các cuộc tranh chấp là 2 rào cản chủ yếu trong các nỗ lực chống đói: “Rõ ràng tranh chấp là một vấn đề lớn, khi nói tới trồng trọt rau quả và các cây lương thực khác. Người dân không thể chăm sóc ruộng vườn nếu luôn luôn bị những lực lượng vũ trang phiến loạn xua đuổi. Họ quá sợ hãi, không dám sống ở nhà để mà chăm sóc gia súc. Vì thế các cuộc tranh chấp thực sự là một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất.” Trong những quốc gia đầy dẫy tranh chấp như Cộng hòa Dân chủ Congo, mức độ cứu trợ khẩn cấp rất cao. Ví dụ tại Somalia, con số này chiếm 64% những khoản cứu trợ mà nước này nhận được. Ông Edgardo Valenzuela làm việc cho tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc. Ông nói nếu muốn xóa đói, cần phải áp dụng một chiến thuật mới. Ông cho rằng cứu trợ khẩn cấp cho các nước rất quan trọng, nhưng đầu tư vào nông nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu: “Các cứu trợ ngắn hạn là không đủ, bởi vì tại các quốc gia khủng hoảng triền miên hay khủng hoảng kéo dài, thì cần phát triển một hệ thống để giúp người dân trồng lương thực, bởi vì nếu không, họ sẽ không bao giờ có khả năng xóa bỏ nạn đói một cách bền vững.” Bà Aileen Kwa là một nhà phân tách của South Center, một trung tâm có trụ sở đặt tại Thụy Điển, chuyên nghiên cứu và cố vấn chính sách cho các nước đang phát triển. Bà nói một phương thức hai đầu để chống nạn đói là trợ giúp khẩn cấp và phát triển bền vững vẫn chưa đủ. Bà cho rằng điều cần làm là cải cách kinh tế toàn diện. Bà nói nhiều quốc gia châu Phi đang gặp khó khăn vì đã bãi bỏ những trợ cấp và giảm thuế quan. Bà nói những chính sách kinh tế ấy đã được Ngân hàng Thế giới, WB, và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, IMF, đề nghị, và chúng đã tỏ ra không hiệu quả. “Bằng cách bãi bỏ hay giảm thuế quan đánh trên các sản phẩm nông nghiệp, đã giúp nông sản của châu Âu và của cả Hoa Kỳ tràn vào các nước này, và bóp nghẹt các nhà sản xuất nhỏ. Nhiều nước đã phát triển vẫn tiếp tục cấp trợ cấp nông nghiệp trong nước, cho nên những sản phẩm của họ rẻ và có khả năng cạnh tranh với nông dân bản xứ ở châu Phi, và ngay cả ở một số khu vực của châu Á.” Bà Kwa nói để chấm dứt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, các chính phủ phải có ý chí chính trị, quyết tâm hành động để mậu dịch quốc tế được công bằng hơn. Theo Liên Hiệp Quốc, 2/3 thành phần suy dinh dưỡng trên thế giới sống tại 7 quốc gia: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia. Tỉ lệ số người suy dinh dưỡng cao nhất là tại Tiểu vùng Sahara bên châu Phi, 30% dân số của lục địa này.
|