Chất bí hiểm giữ thịt tươi chục ngày |
Tác Giả: Theo Tin tuc 24 hrs. |
Thứ Năm, 14 Tháng 10 Năm 2010 10:43 |
(Tin tuc 24h) - Nhận được thông tin một số tiểu thương bán thịt ở địa bàn Hà Nội đã dùng thứ bột trắng (chất sunfua dioxit - SO2) tẩm ướp thịt để được tươi lâu, gây nguy hại với người tiêu dùng. Chúng tôi đã "mục sở thị" để tìm hiểu sự việc. Thực địa lò mổ Tờ mờ sáng, chúng tôi tìm đến lò mổ ở Thịnh Liệt. Tại đây, các lái buôn đến đánh hàng nườm nượp. Thịt ra lò tươi, đỏ roi rói, không ai phải nghĩ đến chất lượng. Tuy nhiên, với chủ đích đi tìm chất tẩm ướp thịt được tươi lâu, PV đã cố lái câu chuyện của mình với cánh lái buôn. Qua những câu chuyện "lượm" được, chúng tôi biết được bí quyết tẩm ướp để giữ thịt tươi lâu được người buôn bán thịt gọi là chất "tẩy đường". Lân la bên ngoài lò mổ, tôi bắt chuyện được với một phụ nữ có tên Tuyết chuyên lấy hàng về bán ở chợ Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội). Sau dăm ba câu chuyện làm quà, tôi buông lời: "Em thấy bảo thịt lợn bây giờ thường được ngâm hoá chất cho tươi lâu đấy". Ngay lập tức chị Tuyết phản ứng: "Nói thế là quy chụp. Tẩm hoá chất chỉ có thể có ở các cửa hàng bán lẻ chứ lò mổ thì tuyệt đối không có. Nói lò mổ mất vệ sinh nghe còn có lý. Thịt vừa ra lò bán hết ngay, làm gì còn tồn đến hôm sau mà ngâm với tẩm". Tôi ậm ừ: "Em cũng nghe nói vậy thôi". Chị Tuyết bảo: "Đúng là, "không có lửa làm sao có khói", dân trong nghề vẫn rỉ tai nhau về những mánh làm ăn. Xách bò tẩy trắng bằng hoá chất là có thực. Tẩm thịt tươi lâu cũng tương tự thôi. Người ta dùng hoá chất là để kéo dài thời gian bảo quản. Họ dùng thứ bột trắng, nghe nói đó là sunfua dioxit để ướp bề mặt thịt làm mất mùi ôi và hạn chế mất màu”. Với kinh nghiệm 10 năm làm lái buôn, chị Tuyết quả quyết: "Dùng hoá chất để giữ thịt tươi hơn chứ không biến thịt ôi thành tươi được". Theo bật mí của anh Tuấn - dân lái buôn thịt từ Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) chuyên cung cấp thịt lợn cho các chợ phía nam Hà Nội: “Tại những lò mổ, thịt được xuất vào nội thành, lượng thịt mổ ra bao nhiêu là xuất hết bấy nhiêu, nên công đoạn bảo quản khá đơn giản. Còn tại các chợ, người bán đã sử dụng hoá chất để bảo quản là thịt ế. Thịt lợn bày bán tại nhiều khu chợ. (Ảnh minh họa) "Với thứ hoá chất này, thịt có thể giữ tươi cả tuần mà không hề có mùi". Anh Tuấn không ngần ngại tự "phơi lưng" cánh dân buôn thịt gia súc, gia cầm. Anh bảo rằng: "Họ dùng thứ bột trắng, tôi không biết chất gì, quấy vào chậu nước, sau đó nhúng thịt vào. Thịt ế được tắm hoá chất có màu đỏ hồng như thịt mới. Thịt để cả tuần cũng không bốc mùi". Thịt tươi nhờ... hoá chất Chị Dương Thị Hoan, có thâm niên bán thịt lợn ở khu vực đại học Kinh tế quốc dân nói: “Trung bình tôi đem tạ rưỡi /ngày (tức 150kg) lợn móc hàm vào nội thành bán. Rao ở những quán ăn cố định thường là 80kg, còn lại bán lẻ. Không bán hết là chuyện bình thường. Thịt ế, người ta gọi là thịt ôi, trước khi đem bán khoảng 60 phút, tôi pha một thìa - tuỳ theo lượng thịt ế nhiều hay ít mà pha nhiều hơn - "đường" nhúng thịt vào đó, ngâm khoảng 5 - 7 phút rồi vớt ra, rửa sạch bằng nước lã, thế là hết mùi, lại giống thịt mới mổ ngay mà.” Chị Hoan còn cho biết: “Tôi bán thịt lợn ở đây, người ta đem “đường” (một thứ để ướp thịt) đến tận nơi. Lúc đầu, tôi không tin, họ còn phải thử, sau thấy có "tác dụng" thì mua...”. Chị Hoan cho số điện thoại của người giao hàng đó nhưng chúng tôi gọi nhiều lần đều trong tình trạng không liên lạc được. Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ Tiến sỹ Tăng Hồng Loan, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Sunfua dioxit (SO2) là thể khí. Dạng khác của SO2 là bột hòa với nước sau đó nhúng thịt vào, gồm có Na2SO3; NaHSO3 (tẩy đường), KHSO3. SO2 là chất được dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm với mục đích kéo dài thời gian bảo quản và chống vi khuẩn xâm nhập. Trước khi thực phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng thì SO2 được tách khỏi thực phẩm. SO2 chỉ làm thực phẩm là thịt ôi mất mùi ôi đi chứ không biến thịt ôi thành tươi được. Người nào mua phải thực phẩm có nhiều SO2, ăn vào nhiều sẽ gây loét nội tạng như thành ruột, các cơ quan tiêu hoá khác. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là mờ mắt. 17h ngày 10/10, tôi có mặt tại chợ Thành Công, bên cạnh những phản thịt tươi mới là những phản thịt có vẻ ôi, thịt chuyển màu sẫm. Theo như lời của chị chủ hàng thì thịt lợn có màu đỏ hồng, dẻo, se mặt là thịt lợn mới mổ (thịt chiều) còn thịt có màu ngà ngà, khô là thịt từ sáng. Người bán thịt bật mí: "Thịt mới nhìn là biết ngay. Thịt mới xẻ ra ra tươi hồng, còn thịt cũ khi thái có màu thâm và chảy nước". Tại chợ Thành Công, chúng tôi đã nghe nhiều bà nội trợ phàn nàn, đã nhiều lần mua thịt nhìn bề ngoài tươi ngon nhưng khi về nhà thái miếng thì chảy nước. Người bảo thịt lợn công nghiệp nên không chắc thịt, người lại nói do để lâu, ngâm tẩm chất bảo quản nên giữ bề mặt thịt... tươi. Để tránh mất màu do bảo quản bằng tủ đá, nhiều chủ hàng dùng một lượng rất nhỏ loại "bột trắng" pha với nước phết lên mặt ngoài của tảng thịt rồi để nơi thoáng mát, đảm bảo giữ màu, không ôi, không bốc mùi. Không chỉ thịt gia súc, gia cầm, hàng tươi sống như tôm, cá, mực cũng được các chủ hàng ngâm tẩm chất chống thối qua đêm. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, để tuồn hàng ế, nhiều chủ hàng còn gom thịt cung cấp cho các cửa hàng chuyên làm bánh chưng, giò (đặc biệt là chế biến món giò xào). Bởi vì khi chế biến món giò xào, các gia vị hạt tiêu, mộc nhĩ... sẽ làm giảm mùi ôi của thịt.
|