Tham vọng trên biển của Trung Quốc tiếp tục làm Hoa Kỳ lo ngại |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Ba, 12 Tháng 10 Năm 2010 07:53 |
Tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển châu Á-Thái Bình Dương là một mối đe dọa cho tình hình ổn định khu vực. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố công khai nói trên của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào hôm nay 12/10/2010 tại Hà Nội rõ ràng là đã ám chỉ đến các hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền trên biển vốn đang ngày càng làm cho các láng giềng, trong đó có Việt Nam, lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (trái) và đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt, Hà Nội, ngày 11/10/2010 / Ảnh: Reuters Trong diễn văn trước Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), ông Robert Gates xác định : "Bất đồng giữa các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và quyền sử dụng vùng biển một cách thích hợp đang có dấu hiệu trở thành một thách thức to lớn cho tình hình ổn định và thịnh vượng của khu vực. " Theo giới phân tích, tuyên bố của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hàm ý nhắc đến các sự cố xẩy ra trong thời gian gần đây trong vùng biển phía tây Thái Bình Dương mà tất cả đều bắt nguồn từ việc Trung Quốc dùng biện pháp mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền đơn phương của họ. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng Trung-Nhật xẩy ra vào thượng tuần tháng 9 khi một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản tại vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, do Nhật quản lý, nhưng bị Trung Quốc tranh chấp. Bên cạnh đó là các vụ Trung Quốc bắt giữ tàu thuyền đánh cá Việt Nam hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974 lúc đó do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Từ vài năm gần đây, xẩy ra thường xuyên các vụ xách nhiễu ngư dân Việt Nam. Sự cố gần đây nhất là vụ bắt giữ một chiếc tàu đánh cá Việt Nam cùng với 9 ngư dân thuộc tỉnh Quảng Ngãi, và cho biết chỉ thả ra nếu phía Việt Nam nộp tiền phạt. Chính quyền Việt Nam đã phải lên tiếng phản đối, đòi Bắc Kinh trả tự do vô điều kiện cho các ngư dân. Đối với phía Mỹ, các biện pháp mạnh để giải quyết tranh chấp là điều cần phải tránh và các nước nên đàm phán hòa bình với nhau. Trong tuyên bố của mình, sau khi nhắc lại là Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp, « như tại vùng Biển Đông », bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã kêu gọi các đồng nhiệm châu Á-Thái Bình Dương phải tránh dùng đến "vũ lực hoặc biện pháp cưỡng chế" để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Giới quan sát xem đây là một lời cảnh báo nhắm vào Trung Quốc, cho dù bộ trưởng Mỹ đã thận trọng không nêu đích danh nước nào, nhất là khi trước đó, ông Robert Gates đã nhắc đến Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với 6 nước Đông Nam Á. Cũng trong chiều hướng kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lập lại quan điểm ủng hộ một phương thức tiếp cận quốc tế để giải quyết hồ sơ tranh chấp lãnh thổ. Giải pháp đa phương mà Hoa Kỳ chủ trương đã được ASEAN hậu thuẫn, nhưng đụng chạm trực tiếp đến Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh vẫn chỉ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia có tranh chấp với họ. Phương thức tiếp cận đa phương đã từng được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề xuất tại Hà Nội, vào tháng 7 vừa qua nhân Diễn đàn An ninh Khu vực ARF. Hôm nay, ông Gates đã nhắc lại chính sách của Mỹ, hoan nghênh nỗ lực của ASEAN trong việc nhất trí về một "quy tắc ứng xử" cho Biển Đông, và tái khẳng định là Hoa Kỳ "sẵn sàng giúp đỡ tạo điều kiện cho các sáng kiến như vậy." Nhìn chung, nội dung các lời lẽ của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào hôm nay không có gì mới so với quan điểm được Ngoai trưởng Clinton loan báo tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung đang trên đà được cải thiện trở lại và có dư luận lo ngại rằng Washington có thể tìm cách hòa hoãn hơn với Bắc Kinh vì lợi ích quốc gia, tuyên bố của ông Gates được cho là có tác dụng trấn an đối với các nước đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. |