Home Tin Tức Thời Sự Quan hệ Trung Quốc - ASEAN : “già néo đứt dây”

Quan hệ Trung Quốc - ASEAN : “già néo đứt dây” PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa /RFI   
Thứ Hai, 11 Tháng 10 Năm 2010 09:01

Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore là một trong những chính khách có uy tín tại Đông Nam Á. Ông vừa khuyến cáo Bắc Kinh không nên thúc ép các nước nhỏ trong ASEAN

 một cách quá đáng, vì điều đó sẽ gây hại cho Trung Quốc. Phân tích về diễn biến gần đây trong mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN liên quan đến Biển Đông, ông đã đưa ra lời khuyên nói trên trong bài “Cuộc đấu (Mỹ - Trung) giành ưu thế (tại châu Á Thái Bình Dương)” - Battle For Preeminence - đăng trên Tạp chí Mỹ Forbes Magazine số đề ngày 11/10/2010.

Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội ngày 23/07/10, Ngoại trưởng Mỹ đã làm rõ lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông  /Nguồn : asean2010.org

Vì bận rộn với các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã nhường Đông Á và khu vực Thái Bình Dương lại cho diễn viên lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc.

Bây giờ vào lúc Hoa Kỳ đang thu dọn cuộc chiến Irak và lập kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2011, Tổng thống Obama đã quyết định tái lập quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Tại sao điều này quan trọng ? Bởi vì trọng tâm của kinh tế và địa chính trị thế giới đang chuyển từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương. Quan hệ thương mại, đầu tư và kinh tế hai bên Thái Bình Dương sẽ làm cho khu vực này trở thành quan trọng và năng động nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. Nhưng trở thành cường quốc ưu việt ở đây sẽ đòi hỏi sự tập trung ý chí và phương tiện.

Tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã đệ trình một đề xuất chung trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để đòi chủ quyền trên khu vực thềm lục địa mở rộng bao hàm một dải đảo nhỏ ở phía Nam Biển Đông. Việt Nam cũng đồng thời đệ trình một đề xuất riêng (cho khu vực ở phía Đông Bắc Biển Đông).

Trung Quốc đã phản bác hai bản đệ trình kể trên. Trong một công hàm gởi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh khẳng định rằng họ "có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước liên quan cũng như vùng đáy biển và lòng đất bên dưới."

Đính kèm theo công hàm là một bản đồ cũ với các đường gián đoạn theo hình chữ U bao quanh tất cả khoảng 200 hòn đảo lớn và nhỏ, mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ. Cho đến giờ, Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu cá nhân của Malaysia, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Brunei.