Thăng Long sau nghìn năm thăng trầm của lịch sử |
Tác Giả: Lê Phước / RFI |
Chúa Nhật, 10 Tháng 10 Năm 2010 21:53 |
Sự kiện Việt Nam tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội một cách linh đình đã thu hút làng báo Pháp. Tuần san Le Monde dành hẳn sáu trang phản ánh sự kiện này với chủ đề: « Hà Nội, giấc mơ thiên niên kỷ ». Bài viết cho biết sau những thăng trầm của lịch sử, Hà Nội bắt đầu phát triển vượt bậc từ 20 năm nay.
Theo tác giả bài báo, chính phủ Việt Nam chọn ngày 01/10 để tổ chức đại lễ bởi đó chính là ngày quân đội Việt Minh tiến vào thành phố qua cầu Paul Doumer (cầu Long Biên ngày nay) sau khi quân viễn chinh Pháp ra đi. Tác giả cũng lược lại lịch sử chống ngoại xâm của Hà Nội từ thời Lý Công Uẩn đến nay với những điểm nhấn như ba lần chiến thắng Nguyên Mông. Rồi năm 1802, vua Gia Long lập đô ở Huế. Sau đó, người Pháp đến. Năm 1885, Trung Quốc ký hiệp ước Thiên Tân công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam. Paul Doumer thành lập phủ Toàn quyền Đông Dương với Hà Nội là thủ phủ. Hà Nội hiện tại đầy nguyến rũ trong sương buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm, với những con đường rợp bóng cây, những ngõ dân cư đông đúc, những công trình kiến trúc và công viên. Hồ Gươm là trung tâm thu hút của khu phố cổ, với hàng chục ngôi chùa, đình, đền. Khu phố cổ luôn là điểm thu hút du khách đến khám phá những « kho báu » bình yên, xa những tiếng ồn ào của xe cộ nơi phố thị. Phần phía nam Hà Nội, người Pháp đã kiến thiết một thành phố hiện đại với những công trình còn hiện hữu như nhà hát Lớn, phủ toàn quyền ( hiện tại là phủ chủ tịch), bưu điện, bệnh viện, ngân hàng, khách sạn, thư viện…Dọc theo các đại lộ được xây dựng thời Pháp, là công viên và các khu biệt thư xinh xắn. Tác giả nhận định Việt Nam đã khéo léo khi biết tiếp nhận và bảo tồn di sản này. Tuy vậy, Hà Nội đã được « việt hóa » theo thời gian. Khu phố cổ 36 phố phường luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Chính sách mở cửa của chính phủ và sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam từ những năm 1990 đã làm cho Hà Nội trở thành một thành phố rực rỡ sắc màu. Cũng liên quan đến Hà Nội, Le Monde có bài ghi lại cảm nhận về người Hà Nội của sử gia Đào Hùng, phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay thuộc Hội Sử học Việt Nam. Theo ông Đào Hùng, diện mạo của thành phố Hà Nội được phác họa chỉ từ cuối thế kỷ 19, người dân tìm về định cư, vì ở đấy các hoạt động giao thương với người Pháp phát triển. Trước thời Pháp thuộc, các công trình xây dựng rất hiếm. Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, biểu tượng của Hà Nội, dù được xây dựng từ thế kỷ 11, nhưng đã được tu bổ nhiều lần. Liên quan đến dân cư, ông Đào Hùng cho biết : Người Hà Nội gốc rất ít, mà chủ yếu là người tỉnh khác nhập cư. Người Hà Thành có những đặc trưng riêng về giọng nói, cách nói, tâm hồn và lối sống. Thế nhưng, với sự mở rộng địa giới thủ đô hiện tại, « tâm hồn này đã biến mất ». Ông Đào Hùng cũng lo lắng về hiện tượng sau : trong khi ở miền Nam, người Sài Gòn, dù không phải là dân thành phố gốc, nhưng họ rất hãnh diện khi được trở thành « dân Sài Gòn », trong khi đó, người Hà Nội thì không như vậy, họ không hãnh diện khi trở thành « người Hà Nội », mà trước hết họ luôn tự hào về tỉnh gốc của mình. Hà Nội thực tế là một thành phố của những công chức, nơi mà các doanh nhân phục vụ cho các công ty quốc doanh. Ở đấy tinh thần kinh doanh và lĩnh vực tư nhân trỗi dậy rất khó khăn. Với chính sách đổi mới từ năm 1986, các nhà đầu tư và khách du lịch ngoại quốc bắt đầu tìm đến Việt Nam. Năm 1994, Hoa Kỳ tháo bỏ cấm vận. Sự kiện này ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế Việt Nam. Sài Gòn và 13 tỉnh lân cận trở thành đầu tàu kinh tế. Theo ông Đào Hùng, từ khi đổi mới, Sài Gòn có nhiều của cải, quy tụ được nhiều văn nghệ sỹ. Trong khi đó, Hà Nội, trung tâm chính trị của cả nước, đã mất đi sự đọc tôn về tri thức và sáng tạo.
|