Home Tin Tức Thời Sự Ðường nứt San Andreas có thể gây động đất 8.1

Ðường nứt San Andreas có thể gây động đất 8.1 PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Bảy, 09 Tháng 10 Năm 2010 14:41

Động đất lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

LOS ANGELES (LA Times) - Ðường nứt San Andreas chạy dọc bờ biển từ miền Nam lên miền Bắc California, vốn là thủ phạm hay tòng phạm trong nhiều trận động đất lớn ở đây, nay có vẻ rộng ra hơn và có thể gây động đất cực lớn.


Trận động đất San Francisco năm 1989 là do đường nứt San Andreas gây ra. (Hình: Adam Teitelbaum/AFP/Getty Images)

Kết quả cuộc nghiên cứu mới nhất cho thấy một đoạn của đường nứt này đang đến thời kỳ có thể tạo ra động đất lớn và một số nhà khoa học nói rằng đường nứt này có thể gây ra động đất với 8.1 độ Richter trong khoảng cách 340 miles (544 km) chạy từ quận Monterey cho đến khu vực Salton Sea, một hồ nước rộng khoảng 970 km vuông ở quận Riverside trong vùng Nam California.

Liệu một trận động đất có cường độ lớn như vậy sẽ xảy ra trong thời đại của chúng ta hay không, hiện là một đề tài được tranh cãi gay gắt giữa các khoa học gia. Ðó là vì các chuyên gia trước đây tin rằng một đoạn lớn ở phía Nam của đường nứt San Andreas, đi ngang qua vùng Carrizo Plain, nằm cách Los Angeles 100 miles (160 km) về phía Tây Bắc, sẽ ở yên trong ít nhất một thế kỷ nữa.

Nhưng giả thuyết lạc quan này có vẻ bị bác bỏ bởi một báo cáo đưa ra gần đây trong tạp chí Geology, theo đó nói rằng ngay cả khu vực đó của San Andreas cũng đã đến hạn có động đất lớn.

Nay, theo tiến sĩ địa chất học Lucy Jones, một chuyên gia về địa chấn làm việc cho cơ quan thăm dò địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey USGS), hoàn toàn có khả năng là toàn thể khu vực dài 340 miles ở phía Nam đường nứt San Andreas này có thể chuyển động bất cứ lúc nào.

Ðiều này có thể đưa đến một cuộc động đất ở mức 8.1 Richter, theo lời ông Thomas Jordan, giám đốc Trung Tâm Ðịa Chấn Nam California (Southern California Earthquake Center), một ước tính mà Tiến Sĩ Jones cũng đồng ý.

“Cả đoạn đó đều có dư sức ép để xảy ra điều này,” theo lời Tiến Sĩ Jones. “Ðiều quan trọng nhất của bản báo cáo là nếu có động đất lớn, điều này có thể sự nứt rạn lớn lao - bà Jones dùng từ ngữ “wall-to-wall rupture.”

Các bức tường (wall) bà Jones nói đến ở đây là các vùng ranh giới của khu vực phía Nam đường nứt San Andreas Fault, vốn kéo dài từ Saltson Sea đến thị trấn Parkfield ở quận Monterey.

Các khoa học gia coi khu phía Nam của đường nứt San Andreas là một phần liên tục vì có đặc tính giống nhau - nghĩa là ít khi rung chuyển nhưng nếu xảy ra có thể gây tàn phá nặng nề.

Trong hơn một thế kỷ qua chưa từng có các trận động đất lớn ở khu phía Nam đường nứt San Andreas, điều này có nghĩa là các sức ép không được giải tỏa nên có thể bung ra bất cứ khi nào.

“Ðiều làm tôi lo ngại là chúng ta sẽ gặp phải một loạt các trận động đất lớn dọc theo đường nứt San Andreas,” ông Jordan nói. Trận động đất lớn sau cùng xảy ra ở vùng Nam California là vào năm 1857, khi một trận động đất có cường độ vào khoảng 7.9 Richter làm nứt một đoạn dài 200 miles (khoảng 320 km) ở giữa Monterey và San Bernardino. Lần đó chưa được gọi là “wall-to-wall” vì ngừng ở gần đèo Cajon, gần khu vực xa lộ I-15 ngày nay, một phần có lẽ vì có vụ động đất vài thập niên trước đó vào năm 1812, nên tạo ra tác dụng như một cái “thắng” giúp cho động đất năm 1857 không tiến xa hơn về phía Nam.

Nhưng với khu vực quận San Bernardion của đường San Andreas nay có sức ép dồn nén của hai thế kỷ, có thể sẽ không còn có cái thắng nào nữa.

Ðường nứt San Andreas từ lâu nay vẫn được coi là một trong những đường nứt nguy hiểm nhất ở vùng Nam California vì chiều dài của nó. Ðường nứt này không chỉ có khả năng tạo các trận động đất lớn mà có có sức chấn động đi rất xa, ảnh hưởng đến nhiều khu vực.

Năm 2008, các nhà địa chấn học đưa ra một giả thuyết sẽ có một cuộc động đất lớn từ đường San Andreas, với cường độ 7.8 Richter, khởi sự từ Salton Sea và tiến về phía hướng Tây Bắc dọc theo đường nứt, nhắm vào hai quận San Bernardino và Los Angeles.