Ngày mai, tại một nhà thờ nhỏ ở Providence, tiểu bang Rhode Island, một thuyền nhân Việt Nam năm xưa sẽ hội ngộ cùng ân nhân từng cứu mình, 29 năm về trước. Cuộc hội ngộ, như cơ hội để người chịu ơn nói lời tri ân. Cuộc hội ngộ, cũng là thời điểm đặt dấu chấm hết cho nỗi ray rứt, để những thuyền nhân này khép lại một quá khứ, thanh thản. Kể từ khi đặt chân đến mảnh đất tự do Hoa Kỳ vào Tháng Chín, 1981, bà Nguyễn Diệu Liên Hương đã luôn khắc ghi trong lòng rằng, sẽ có ngày bà tìm cách trả ơn người thuyền trưởng đã cứu chiếc tàu vượt biên, trên đó có bà cùng hai đứa con nhỏ của mình.
| Chiếc phong bì màu vàng, với chiếc business card thuyền trưởng Charles Romano trao cho bà Liên Hương, cùng tờ giấy mà bà ghi chép những chuyện xảy ra trong thời gian 3 ngày lưu trú trên chiếc tàu của ông Romano. (Hình: Bà Nguyễn Diệu Liên Hương) |
Bà Liên Hương xem tấm “business card” duy nhất mà ông thuyền trưởng người Mỹ, tên là Charles Romano Jr., trao cho bà trước lúc chia tay như một báu vật. Bà cất nó vào một chiếc phong bì, gói cẩn thận cùng vài bộ quần áo mà mình và hai đứa con mặc lúc đi vượt biên, như một kỷ vật. Cuộc sống của một di dân buổi đầu quay vòng với việc hòa nhập, ổn định, kiếm sống, đã khiến người thuyền nhân tạm gác chuyện tìm kiếm, liên lạc với vị ân nhân của mình. Thời gian trôi qua, khi đã khá thành công trong vai trò của một nha sĩ, các con đều đã khôn lớn, trưởng thành, nha sĩ Liên Hương muốn tìm đến tạ ơn người đã mang lại cuộc sống ổn định vững chãi cho gia đình mình, thì đó lại là lúc bà “không thể nào tìm ra chiếc phong bì ngày trước.” Người thuyền nhân năm xưa cứ cảm thấy ray rứt, “Mỗi năm, cứ đến dịp Lễ Tạ Ơn, lòng tôi lại xốn xang một món nợ cứu mạng chưa trả được. Tôi cứ tìm hoài chiếc phong bì có đựng tấm business card mà ông thuyền trưởng đã cho, nhưng tìm hoài vẫn không thấy.” Bà cho rằng, có lẽ trong một lần dọn nhà, con trai bà đã bán đi chiếc tủ cùng tất cả mọi thứ trong đó, có luôn cả tấm business card của viên thuyền trưởng. Bà Liên Hương không nhớ tên vị ân nhân, không nhớ cả con tàu mang tên gì. Chỉ nhớ một điều: “Ông thuyền trưởng sống ở tiểu bang Rdohe Island.” Chiếc phong bì ngả màu vàng Không người nào trên chiếc thuyền đi cùng bà Liên Hương năm đó còn giữ chút gì dấu tích của viên thuyền trưởng năm xưa. | Bà Nguyễn Diệu Liên Hương (thứ 2, từ trái) cùng chồng và gia đình con cháu. Ðây là tấm hình mà bà Liên Hương sẽ mang tặng thuyền trưởng Charles Romano, cùng dòng chữ “Những nụ cười sẽ không hiện hữu nếu không có tấm lòng của thuyền trưởng Romano.” Người đứng thứ nhì, bên phải, là ông Trần Huỳnh Châu, phu quân nha sĩ Liên Hương. (Hình: Bà Nguyễn Diệu Liên Hương cung cấp) |
Gần 30 năm, mọi chuyện dường như đã trôi vào quên lãng thì một điều bất ngờ xảy đến vào một ngày cuối Tháng Tám vừa qua. “Tối đó, tôi đang ngồi xem thợ lát lại cái sàn nhà bằng gỗ. Lúc đó, thấy người thợ bị vướng mấy cuốn sách, tôi đến phụ đẩy sách vào,” bà kể. “Khi đẩy mấy cuốn sách cho sát vào trong thì bỗng nhiên một chiếc phong bì màu vàng lòi ra.” Ðưa tay kéo chiếc phong bì ra, người thuyền nhân năm nào thấy “tim mình như thót lại” khi nhìn thấy dòng chữ “Tài liệu vượt biên.” “Tôi mừng quá chừng luôn, phát khóc luôn. Tôi vừa cười, vừa khóc, vừa la lên cho cả nhà hay khi tìm ra tấm business card của vị ân nhân.” Giọng bà Liên Hương vẫn còn xúc động khi kể lại cho phóng viên Người Việt nghe vào ngày hôm sau. Với địa chỉ có trên tấm business card, bà viết ngay một lá thư gửi tới thuyền trưởng Charles Romano nhắc lại câu chuyện cứu người năm xưa. “Tôi cứ cầu mong ông ta vẫn còn sống để mình còn có dịp đền ơn. Tính ra ông cũng khoảng 70 tuổi rồi.” Bốn ngày sau, một lần nữa, nỗi xúc động của bà lại được đẩy lên tột cùng khi nhận được email của vợ thuyền trưởng Romano - bà Debra Romano. Trong thư, bà Debra Romano cho biết, bà viết email thay chồng vì “ông không có địa chỉ email riêng,” và “ông chỉ có thể chơi 'mah jong' trên máy vi tính mà thôi.” “Tôi và các con tôi đã nghe rất nhiều lần câu chuyện cứu quý vị,” bà Romano viết. Trong email, bà Romano nói chồng mình “xúc động và rất vui” khi biết gia đình người thuyền nhân Việt Nam năm nào, nay đã ổn định. Hiện tại, thuyền trưởng Romano, 70 tuổi, đã về hưu sau nhiều năm gắn bó cuộc đời mình cùng sự nghiệp trên biển cả. Có điều, vợ thuyền trưởng Romano viết: “Mỗi ngày chồng tôi đều suy nghĩ về quãng đời mà ông bị đẩy vào cuộc chiến. Tôi đã cố gắng nói với chồng tôi rằng ông ấy đã cứu được vô số người, như bà và gia đình bà chẳng hạn. Hôm nay, lá thư của bà giúp tôi minh chứng cho chồng tôi thấy rằng, cuộc sống vốn rất công bằng, trời cao luôn có mắt, và ông có cả những đền bù xứng đáng.” Chưa dừng lại ở đó, sau ngày bà Liên Hương nhận được email từ bà Romano, thuyền trưởng Romano đã trực tiếp gọi điện thoại hàn huyên. Bà Liên Hương kể lại: “Nghe giọng ông ấy mà tôi muốn khóc luôn. Tôi hỏi, ‘Ông còn nhớ tôi không?’ Ông bảo rằng ông vẫn còn nhớ. Ông nói ông còn giữ cả bảng danh sách 52 người trên chiếc ghe đi cùng tôi khi đó nữa.” Những ngày này, 29 năm trước... Cách đây 29 năm, tối ngày 9 Tháng Năm, 1981, một chiếc ghe nhỏ rời Mỹ Tho, mang theo trên đó 52 người tìm đường ra biển với khát vọng sẽ cập bến tự do. Thế nhưng, bến tự do chưa kịp hiện hình, chiếc ghe nhỏ đã bắt đầu trục trặc ở ngày thứ 3 của hành trình. Ghe lúc chạy lúc không. Chân vịt bị hư. Ghe bị tràn nước. Xăng cạn. Nước ngọt không có. Mọi người trên ghe càng hoang mang hơn khi nhiều tàu lớn lướt ngang đã bỏ qua tín hiệu cầu cứu của họ. Trong cơn tuyệt vọng, ánh sáng của ngọn đèn giàn khoan trên biển đã làm bừng lên hy vọng cho 52 con người khốn khổ. Ðáp lại tín hiệu cầu cứu, chiếc tàu hộ tống giàn khoan của Mỹ mang tên MV. Rainbow cho phép chiếc ghe được áp sát. Bà Liên Hương cùng một người đàn ông trên ghe xin phép được lên tàu gặp thuyền trưởng. Viên thuyền trưởng đó chính là ông Charles Romano Jr. Thuyền trưởng Romano hứa cung cấp xăng dầu, la bàn, thức ăn, nước uống và chỉ đường cho chiếc ghe tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, khi biết tình trạng chiếc ghe không thể đi tiếp, viên thuyền trưởng đồng ý cho tất cả 52 người lên tàu MV. Rainbow. Họ được đối xử tử tế trên chiếc tàu MV. Rainbow ba ngày. Do là tàu hộ tống giàn khoan, MV. Rainbow phải ở yên vị trí đó. Ðến trưa ngày thứ ba, tàu Osa Jaguar của Ðức cập sát tàu MV. Rainbow để đưa những thuyền nhân Việt Nam đi tiếp hành trình. Có điều, “đó là một ngày bão lớn,” hai chiếc tàu MV. Rainbow và Osa Jaguar không thể đậu sát vào nhau bởi những cơn va đập mạnh sẽ gây nguy hiểm. Ðể chuyển người qua tàu Osa Jauar, các thủy thủ đoàn của MV. Rainbow phải đặt từng nhóm vài người ngồi vào một chiếc lưới, có hai thủy thủ đứng hai bên và dùng cần cẩu đưa sang trong nỗi khiếp hãi và tiếng khóc của phần đông phụ nữ và trẻ con. Cuối cùng, 52 người ra đi từ Mỹ Tho đã được đưa tới đảo Kuku vào ngày 16 Tháng Năm, 1982. “Ðiều gì sẽ xảy ra, nếu chúng tôi tự đi tiếp hành trình của mình, khi cơn bão ập đến?” Bà Liên Hương tự hỏi - một câu hỏi, cũng là câu nói tự nhủ lòng. Có một điều mà bà nhớ mãi, đó là lý do vì sao thuyền trưởng Romano đã đồng ý cứu chiếc ghe trong khi bao nhiêu con tàu khác đều bỏ mặc. “Thuyền trưởng Romano từng đi lính ở Việt Nam và đã nợ ơn cứu tử của một người lính Việt Nam vô danh. Cho nên việc cứu những người vượt biên Việt Nam này khiến ông cảm thấy lòng thanh thản.” Bà Liên Hương nhớ lại điều ông Romano từng kể. Như những câu chuyện thần thoại với một kết thúc có hậu, trưa ngày Chủ Nhật, 3 Tháng Mười này, bà Nguyễn Diệu Liên Hương, từ Quận Cam, California, và ông Nguyễn Hữu Ðể, ở Massachusetts, người đã cùng bà Hương xin lên tàu gặp viên thuyền trưởng năm xưa, sẽ hội ngộ cùng ân nhân của mình, cựu thuyền trưởng Charles Romano, ngay tại Rdohe Island. |