Home Tin Tức Thời Sự Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba

Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 08 Tháng 10 Năm 2010 07:30

Giải Nobel Hòa bình năm 2010 được trao cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đang ngồi tù, Lưu Hiểu Ba.


Ông Lưu Hiểu Ba giúp soạn thảo Hiến chương 08 kêu gọi dân chủ cho Trung Quốc

Trước đó, các phỏng đoán nêu ra rằng ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc cùng một số nhà hoạt động nhân quyền Nga và Afghanistan được cho là ứng viên sáng giá nhất.

Ngoài ông Lưu, người ta kỳ vọng các nhân vật như bà Sima Samar, nhà hoạt động quyền phụ nữ của Afghanistan và nhà hoạt động nhân quyền Nga, bà Svetlana Gannushkina có nhiều khả năng được giải.

Người phụ nữ được giải Nobel Hòa bình gần đây nhất là bà Wangari Maathai của Kenya vào năm 2004.

Hãng thông tấn Na Uy, nước có Ủy ban trao giải Nobel Nhân quyền cũng nêu rằng cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl có nhiều cơ hội nhận giải nhờ vai trò thống nhất hai nước Đức hồi 20 năm trước.

Cuối tháng Chín, Trung Quốc cảnh cáo ủy ban giải thưởng Nobel Hòa bình đừng trao giải cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba.

Bộ Ngoại giao nói việc trao giải cho ông sẽ đi ngược lại nguyên tắc của giải Nobel.

Ông Lưu đang thụ án tù vì kêu gọi dân chủ và đòi hỏi nhân quyền ở Trung Quốc.

Người phát ngôn ở Bắc Kinh nói với các phóng viên rằng ông Lưu Hiểu Ba ở tù vì ông vi phạm luật, và rằng trao giải Nobel Hòa bình sẽ gửi ra thông điệp sai trái.

Bà nói nó sẽ đi ngược lại mục tiêu của người sáng lập giải là thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc.

Ông Lưu đang chịu án 11 năm tù vì soạn thảo Hiến chương 08 kêu gọi dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc.

Trong hơn hai thập niên, ông Lưu Hiểu Ba đã là người phát ngôn mạnh mẽ cho nhân quyền tại Trung Quốc. / Ủy ban Nobel
Hơn 100 học giả, luật sư và nhà vận động người Trung Quốc đã kêu gọi Ủy ban vinh danh ông trong năm nay. Cựu tổng thống Czech Vaclav Havel cũng ủng hộ.

Loan báo được chủ tịch Ủy ban Nobel tại Oslo, Thorbjørn Jagland, thông báo buổi sáng hôm nay, giờ Âu châu:

"Trong hơn hai thập niên, ông Lưu Hiểu Ba đã là người phát ngôn mạnh mẽ cho nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã tham gia các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Ông là tác giả hàng đầu của Hiến chương 08, công bố vào dịp kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc."

"Một năm sau, ông Lưu bị án tù 11 năm cộng thêm hai năm mất quyền chính trị vì chống lại quyền lực nhà nước. Ông Liu luôn nói rằng các mức án này vi phạm hiến pháp và nhân quyền căn bản của Trung Quốc. Qua bản án hà khắc dành cho ông, ông Lưu đã là biểu tượng tiêu biểu nhất cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền ở Trung Quốc."

Bình luận

Phóng viên BBC tại Bắc Kinh, Martin Patience cho hay "giới dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc sẽ coi quyết định này là cú tấn công của Phương Tây vào Trung Quốc".

Anh cũng cho hay chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo Ủy ban Hòa bình Na Uy rằng "Lưu Hiểu Ba không phải là một ứng viên xứng đáng."

"Chính quyền Trung Quốc gọi ông Lưu là một tên tội phạm."

Bình luận viên Trần Thời Vinh của BBC Tiếng Trung tại London thì nói:

"Ông bị tù và bị tước hết quyền công dân chỉ vì cùng soạn ra Hiến chương 08 về dân chủ hóa và nhân quyền tại Trung Quốc."

"Nhiều người Trung Quốc trong trái tim sẽ đón chào giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba vì dù mức sống lên cao nhưng các quyền như nhân quyền, quyền tự do chính trị bị bó hẹp."

"Người Trung Quốc cũng từ lâu nay đã hỏi vì sao chưa bao giờ một công dân nước Trung Quốc được giải Nobel, nay thì lần đầu tiên có công dân Trung Quốc được giải, dù không phải trong các lĩnh vực như khoa học nhưng vẫn là Nobel."

Các báo Phương Tây hôm nay trích lời vợ ông Lưu nói chồng bà "sẽ không sớm biết tin về giải Nobel cho ông vì ông không được dùng điện thoại trong tù".

Trong một cuộc phỏng vấn khác trước lúc trao giải với giả thiết Lưu Hiểu Ba là người được Nobel, Phelim Kline từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch giải thích tầm quan trọng

"Việc Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa bình vô cùng quan trọng vì hai lý do. Trước hết, ông là người đấu tranh không mệt mỏi để có thay đổi dân chủ bằng phương thức hòa bình."

"Lý do thứ hai, ông đã chịu trừng phạt vì niềm tin của mình. Ông bị nhiều năm tù, bị quản thúc, cải tạo. Chính phủ Trung Quốc cũng mở chiến dịch chống lại việc đề cử giải cho ông. Họ thậm chí đe dọa chính phủ Na Uy và Ủy ban Nobel."