Hà Nội tưng bừng lễ hội, miền Trung tang thương |
Tác Giả: Mặc Lâm, phóng viên RFA |
Thứ Tư, 06 Tháng 10 Năm 2010 12:35 |
Lễ hội Ngàn năm Thăng Long vẫn diễn ra trong khi miền Trung mưa trắng trời và ít nhất 30 người đã chết, hàng ngàn người không nhà cửa đang chờ cứu giúp, nhà nước đã phản ứng ra sao trước vấn đề này?
Tiêu tiền tỷ vào lễ hội Pháo hoa, diễu hành, văn nghệ hoành tráng cùng vô số thú vui khác đang kéo Hà Nội vào không khí hội hè chừng như không thể nào dứt. Người dân là thế, phía chính quyền cũng không khác, sau nhiều ngày tháng chuẩn bị cho sự kiện lớn lao này hầu như nhân viên trong các công sở tại Hà Nội đang nghĩ dưỡng sức chờ xem ngày bế mạc, được biết sẽ hoành tráng và tốn kém nhất từ trước tới nay. Tốn kém bao nhiêu cũng không thành vấn đề vì nhiều dự án nằm trong kế hoạch xã hội hóa. Doanh nghiệp đóng góp vào rất nhiều công trình kể cả công trình văn hóa như cuộn phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" như mọi người đã biết. Riêng nhà nước, số tiền bỏ ra chính thức chưa được công bố nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá thì con số không dưới 4 tỷ đô la. Bỏ ra 4 tỷ đô la để làm kỷ niệm một dịp ngàn năm mới có một lần không phải là chuyện lớn đối với các viên chức cao cấp chính phủ, thế nhưng đâu đó vẫn có tiếng thở dài khi đời sống người dân ngay tại thủ đô vẫn giật gấu vá vai, mỗi buổi chợ chỉ được phép mua bó rau, con tép không quá 20 ngàn đồng thì niềm vui Ngàn năm Thăng Long xem ra khó lòng trọn vẹn. Mặc dù dư luận trước khi đại lễ khai mạc đã có lắm điều chê trách, từ chuyện làm sai ngày dời đô đến hai tháng, lại trùng với lễ Quốc khánh của Trung Quốc cho đến những công trình được xem là đầu voi đuôi chuột....tới chuyện xây dựng cổng chào Ngàn năm Thăng Long, nhưng cuối cùng thì tất cả đều được thông qua. Sai lầm nào cũng được sửa chữa để đại lễ được khai mạc đúng theo dự định. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của ban tổ chức Ngàn năm Thăng Long không thể sửa chữa được là nhà nước đã tổ chức đại lễ trong mùa bão lũ mà không có bất cứ kế hoạch nào che đỡ khi chương trình đại lễ xảy ra trùng với mưa lũ phá hoại. Trong khi vấn đề mưa gió tại Hà Nội trong ngày đại lễ được nhà nước quan tâm hết mức. Có cơ quan đã đề nghị thẳng thừng nếu cần sẽ bỏ ra 1 tỷ đô la để bắn mây chống mưa thì cũng nên làm. Chung quy do nỗi sợ hãi thất bại vì mưa gió đã làm cho cả guồng máy nhà nước trở nên bối rối, không ai có thể đoan chắc Hà Nội có mưa hay không từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10, thời gian 10 ngày tổ chức đại lễ. Có một điều Trung tâm Khí tượng Thủy văn nhà nước biết chắc, là từ tháng 5 tới tháng 12 hằng năm, Việt Nam chưa có năm nào không có bão lũ. Bão lũ tập trung nhiều tại miền Trung nên miền Bắc chỉ lo mưa gió ảnh hưởng. Có lẽ do tâm lý coi quá trọng thủ đô đã dẫn tới sự việc dở khóc dở cười khi mấy ngày vừa qua mưa lũ đã tàn phá nhiều tỉnh miền Trung trong khi Hà Nội vẫn vô tư vui mừng ăn theo đại lễ. Mưa lũ tàn phá miền Trung Một nhóm cứu hộ trên tàu đang tiếp cận một căn nhà bị ngập ở tỉnh Quảng Bình vào ngày 05 Tháng 10 năm 2010. AFP photo Tổng hợp các báo đưa tin về mưa lũ tính đến ngày 5 tháng 10 cho biết có ít nhất là 30 người chết và hàng trăm ngôi làng đang bị đe dọa nghiêm trọng vì mưa lũ tiếp tục tàn phá. Theo báo SGTT thì người dân sống trong khu vực thủy điện Hố Hô đã sống trong lo sợ vì mực nước dâng cao có thể vỡ đập bất cứ lúc nào. Gần 400 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu tại xã Hương Hóa, tiếp giáp với huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đã phải sơ tán khẩn cấp. Tại Quảng Bình đã có 11 người chết vì mưa lũ. Tại Nghệ An, mưa lớn xuất hiện từ ngày 29 tháng 9 đến nay vẫn chưa chấm dứt. Tại huyện Yên Thành, có 3 người bị chết do sét đánh và lũ cuốn. Đã có hai học sinh tại huyện Đô Lương và Diễn Châu bị nước cuốn trôi trên đường đến trường hiện chưa tìm thấy xác. Hiện mực nước sông Lam đang lên rất nhanh do nước từ thượng nguồn đổ về. Một số xã nằm ở hạ lưu sông Lam cũng đang đối mặt với nguy cơ nước lũ tấn công. Người đã chết, mùa màng đã bị tàn phá, nhà cửa đã bị nước cuốn trôi và hàng ngàn người dân đang lầm than dưới cơn lạnh lẽo của mưa gió mà không nơi trú thân. Đói khát đang hoành hành cả một dãy miền trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên Huế ... Cơ quan hữu trách vô cảm Trong khi Thủ tướng công du hội nghị ASEM, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng là người chịu trách nhiệm chính chủ trì đại lễ lý ra đã lên tiếng từ khi cơn lũ xuất hiện vào ngày đầu tiên. Biểu diễn các nhạc cụ truyền thống trong buổi lễ khai mạc "1000 năm Thăng Long" hôm 01 tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội. AFP photo Tuy nhiên, trên phương tiện truyền thông chính thức chưa thấy một viên chức nhà nước nào phát ngôn về niềm đau của lụt lội, thay vào đó người dân trong vùng lũ chỉ nghe truyền thông nhà nước thay nhau đưa tin về lễ hội Ngàn năm Thăng Long. Càng nghe xưng tụng những hào nhoáng bề ngoài vết thương của nạn nhân lũ lụt chừng như rát buốt thêm nhiều lần và mưa lũ không lạnh bằng nỗi lạnh lùng vô cảm từ những cơ quan trách nhiệm. GSTSKH Nguyễn Minh Thuyết, đương kim đại biểu quốc hội chia sẻ ý kiến của ông trước vấn đề này: Trước nhất, tôi xin cảm ơn anh Mặc Lâm và đồng bào ở nước ngoài đã quan tâm đến tình hình lũ lụt ở miền trung và những nỗi khổ của đồng bào mình ở miền Trung hiện nay. Thế còn về phía trong nước thì hiện nay tôi đang ở Lạng Sơn và theo dõi qua báo chí thì chúng tôi cũng biết là các vị lãnh đạo cũng đã trực tiếp chỉ đạo công việc này. Đúng như ông nói, báo chí cũng nên công bố những lời chia buồn thăm hỏi chính thức của các vị lãnh đạo của đất nước như thế thì đúng là tác động đến đồng bào nó sẽ tốt hơn. Người dân miền Nam nhìn về phương Bắc không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại câu "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". Miền Trung vốn nghèo từ bao đời nay và vẫn kiên trì chờ đợi trời hành hằng năm. Sức chịu đựng của người miền Trung hình như đã quen với đầu sóng ngọn gió. Chịu đựng thiên tai dù sao cũng dễ hơn chịu đựng sự vô cảm của đồng bào mình, mặc dù sự vô cảm ấy chỉ biểu hiện trên một vài cách hành xử vô ý từ phía nhà nước. Có lẽ Ngàn năm Thăng Long sẽ trọn vẹn hơn khi nhà nước thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thông đại chúng, chỉ một vài phút thôi, chia sẻ nỗi đau thương của miền Trung ruột thịt, còn hơn cứ tiếp tục làm ngơ để cuộc vui ngàn năm không bị ảnh hưởng. Ngàn năm Thăng Long suy cho cùng là vinh danh nền văn hóa Việt, vinh danh nền văn hóa ngàn năm mà thiếu vắng sự chia sẻ hoạn nạn từ đồng bào ruột thịt của chính nền văn hóa ấy thì có phũ phàng lắm hay không?
|