Sông ngòi thế giới đang cạn dần |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Hai, 04 Tháng 10 Năm 2010 09:59 |
Sinh hoạt kinh tế ăn lấn (LiveScience.com, AFP) - Theo một cuộc nghiên cứu mới, sông ngòi trên thế giới đang ở trong tình trạng khủng hoảng, có thể đưa tới một hậu quả khốc liệt cho 5 tỉ người đang sinh sống ở lân cận và trông cậy vào chúng để có nước ngọt, cũng như hàng ngàn chủng loại sống dưới nước. Một đoạn sông Mekong bị khô cạn ở biên giới Lào-Thái Lan. (Hình: Blog Malaysia-Asia.my) Nước ngọt được mọi người coi như nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu nhất của thế giới, làm nền tảng cho đời sống con người và sự phát triển kinh tế. Từ hàng ngàn năm nay, con người đã gây một ảnh hưởng ngày càng tăng lên những nguồn nước ngọt. Những con sông, nói riêng, đã hấp dẫn con người và đã bị thay đổi qua việc xây dựng những đập nước, việc tưới cây và các hoạt động nông nghiệp và công chánh khác. Trong thời gian gần đây, sự ô nhiễm các hóa chất, dân số nhân loại đang gia tăng và sự tái phân bố các thực vật, cá và các loại động vật khác trên quy mô toàn cầu, đã có những hậu quả sâu rộng đối với sông ngòi và những loài sống dưới nước. Những kết quả nghiên cứu mới về những đe dọa cho sông ngòi của Trái Ðất phát xuất từ sáng kiến đầu tiên ở tầm mức toàn cầu để xem xét hậu quả của những yếu tố căng kéo này đối với con người và sự đa dạng sinh thái ở ven sông. Toán nghiên cứu cung cấp một số những bản đồ ghi nhận ảnh hưởng của nhiều loại đe dọa đối với phẩm chất của nước và đời sống dưới nước của các hệ thống sông ngòi trên thế giới. “Chúng tôi đã phối hợp các bản đồ của 23 yếu tố căng kéo khác nhau và hợp nhất chúng thành một chỉ số duy nhất,” theo lời ông Peter McIntyre của trường Ðại Học Wisconsin-Madison, một thành viên trong toán nghiên cứu. “Trong quá khứ, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu thường chỉ đối phó với từng vấn nạn. Chúng ta sẽ có một bức tranh chi tiết hơn và nhiều ý nghĩa hơn khi mọi đe dọa được xem xét cùng một lúc.” Trong số các yếu tố gây căng thẳng cho sông ngòi được được toán nghiên cứu phân tích, có: - Sự ô nhiễm - Việc xây dựng các đập nước và hồ chứa nước - Việc sử dụng nước quá lạm - Nước sử dụng cho nông nghiệp nhiều hơn cần thiết - Giảm diện tích các đầm lầy - Sự xâm nhập của các chủng loại mới Ông McIntyre nói các con sông trên khắp thế giới thực sự đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng sông ngòi ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới đang đứng trước những loại căng thẳng tương tự, bất kể sự hiện diện của chúng tại một nước tân tiến hay đang phát triển, với những thứ như việc trồng trọt tối đa, phát triển kỹ nghệ, việc điều chỉnh môi trường sống trên sông và các yếu tố khác. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng 80% dân số thế giới đang đứng trước những mức đe dọa cao về sự khan hiếm nước. Trong số 47 con sông lớn nhất của thế giới, hơn 30 con sông, thu góp tổng cộng khoảng một nửa lượng nước ngọt tràn trên mặt đất, đang bị đe dọa ít nhất ở mức độ “vừa phải.” Trong số đó, tám con sông được xếp vào loại đe dọa cao về sự khan hiếm nước đối với con người. Mười bốn con sông được coi như có đe dọa rất cao về sự đa dạng sinh thái. Ngược lại, các con sông thuộc vùng Scandinavia ở Bắc Âu, Siberia, miền Bắc Canada và những phần không có người ở thuộc vùng nhiệt đới ở châu thổ sông Amazon và miền Bắc nước Úc được coi như có mức đe dọa thấp nhất. Tại những nước giàu, sự đầu tư nặng nề vào những đập nước và hồ chứa nước và sự chuyển hướng dòng chảy từ các vùng đầm lầy đã giúp ích cho khoảng 850 triệu người, giảm bớt sự khan hiếm nước trầm trọng cho họ khoảng 95%. Nhưng các biện pháp này đã không giải quyết nguyên nhân của chính sự căng thẳng về nước và đưa tới những hậu quả tệ hại cho đời sống hoang dã, trong vài trường hợp giảm đáng kể môi trường sống của những loài sống dưới nước, tài liệu nghiên cứu nói. Tại những nước có lợi tức trên trung bình, sự đầu tư đã làm lợi cho 140 triệu người, giảm nguy cơ khan hiếm nước trầm trọng của họ khoảng 23%. Tại những nước đang phát triển, sự đầu tư ít ỏi vào hạ tầng cơ sở có nghĩa 3.4 tỉ người thuộc loại có đe dọa cao nhất. Phần lớn Phi Châu, những vùng rộng lớn ở Trung Á, và những nước kể cả Trung Quốc, Ấn Ðộ, Peru hoặc Bolivia đang gặp khó khăn trong việc thiết lập những dịch vụ căn bản về nước như cung cấp nước uống sạch và tình trạng vệ sinh, cuộc nghiên cứu nói. Hướng về tương lai, cuộc nghiên cứu cũng vạch rõ rằng sự thay đổi khí hậu ở trong số các chiều hướng đang gia tăng sẽ tạo thêm áp lực lên các sông ngòi và các chủng loại mà chúng nuôi sống. (n.n.) |