CSVN bắt Tạ Phong Tần để mừng 1.000 năm Thăng Long |
Tác Giả: Tạ Phong Tần |
Thứ Hai, 04 Tháng 10 Năm 2010 09:41 |
Tạ Phong Tần là nữ luật sư, nhà báo. Luật sư Tạ Phong Tần Nguồn: Dòng Chúa Cứu Thế VRNs – Sài Gòn – Sáng ngày 30/09/2010, Công an phường 8, quận 3, cùng với công an PA35 thành phố và côn đồ bắt và chiếm đoạt tài sản của luật gia, nhà báo tự do Tạ Phong Tần. Sau 11 tiếng bị bắt đi trong tình trạng vừa ngủ dậy, chưa kịp thay đồ, mang dép, công an phường 8 lại đẩy cô Tần ra đường. Chúng tôi xin gởi đến bạn đọc bài tường trình chi tiết của chính nạn nhân, để anh chị em được rõ. Khoảng 8 giờ sáng ngày 30/9/2010, tôi đang ngủ trong phòng thì nghe đứa cháu gái ở cùng nhà gọi: “Cô ơi, có rất nhiều người đến kiếm cô”. Cháu này sáng nào cũng mở cửa đi làm. Tôi ngồi dậy bước ra khỏi phòng nhìn xuống nhà dưới thấy nhố rất đông người đứng trong nhà. Trong số này có ông Nguyễn Văn Riết là CSKV thì tôi quen mặt từ lâu rồi. Ông Riết đi thẳng lên phòng tôi, tôi cản lại và nói: “Có gì xuống nhà dưới chờ tôi. Tôi mới ngủ dậy, chưa đánh răng rửa mặt không tiếp chuyện các anh được”. Ông Riết nói Công an phường 8 (quận 3) mời tôi đến phường làm việc liền bây giờ. Tôi nói: “Anh đi xuống đi, tôi còn đi vệ sinh” thì ông Riết đi xuống. Nhìn xuống dưới nhà, tôi chỉ mặt từng người đếm và nói “Kéo nhau đến đây 10 người lận à!”. Trong số 10 người này, ngoài ông Riết và một ông mặc đồ Công an phường đeo hàm Đại úy, những người còn lại đều mặc thường phục, nhưng có hai cô nữ là người của PA35 quen mặt (một người tôi gọi là “con mắm”) mà tôi đã kể rõ trong lần họ ép xe, bắt cóc tôi sau khi tôi vừa đi lễ chủ nhật ở nhà thờ Kỳ Đồng ra và đẩy tôi vào CAP8 giữ cả ngày ở đó. Có một người nữ tuổi khoảng hơn 35 lạ mặt nhưng có vẻ thân thiết với “con mắm”, nghe kêu nhau tên là Oanh, mặt hình như thẩm mỹ hơi bị nhiều, lỗ tai bên trái đục hai lỗ đeo bông, và trên dưới. Năm người nam còn lại trẻ tuổi, lực lưỡng nhưng lạ mặt. Tôi vừa bước xuống đến nhà dưới thì cả bọn họ xông tới “Yêu cầu chị đi về phường”. Tôi trả lời: “Tôi không đi đâu cả, tôi chưa đánh răng rửa, không làm việc gì hết, mà bây giờ tôi đi vệ sinh”. “Con mắm” hung hăng xông tới sờ soạng khắp người tôi như bị “biến thái”, rồi chận tôi lại không cho vô nhà vệ sinh mà nó xông vào trong làm gì trong đó không biết, nó đi ra ngoài tôi mới vào được. Tôi vào nhà vệ sinh, đang đi cầu, còn chưa kịp đánh răng rửa mặt thì nghe tiếng “rầm” thật lớn, cửa nhà vệ sinh bung chốt bật ra. Tôi thấy một thanh niên mặc áo sơ mi sọc ra-rô xanh đứng ngay cửa nhà vệ sinh, chính tên này đã đạp cửa cho cửa nhà vệ sinh bung ra. Tôi chưa kịp kéo quần lên thì tên thanh niên này và “con mắm”, hai cô nữ kia xông ào vào kéo tuột tôi ra ngoài. Đồng bọn bên ngoài xúm vô xô đẩy, lôi tuột tôi lên xe 4 bánh của Công an (có đèn 3 màu) đậu sẵn trước cửa.
Khoảng hơn 1 giờ sau, “con mắm” đem cái áo khoác của tôi lại quẳng lên bàn rồi đi. Vậy là từ lúc bọn chúng lôi tôi ra khỏi nhà đến giờ và giật chìa khóa trong tay tôi thì ai ở nhà? Chúng đã làm việc gì mờ ám suốt thời gian đó? Ai khóa cửa nhà lại không? Chìa khóa nhà ai giữ? Chừng 15 phút sau, ông Riết và một ông khoảng hơn 50 tuổi vào phòng. Ông này mặt đen, tướng bự con, nói giọng miền Nam, mặc cái áo thun sọc ngang trắng xanh. Ông ta nói: “Chị ngồi xuống đây tôi làm việc với chị”. Tôi hỏi lại ông ta: “Anh muốn làm việc với tôi thì anh mặc quân phục vô đàng hoàng, nếu không anh cho tôi xem giấy tờ anh họ tên gì, cơ quan nào thì tôi mới làm việc”. Ông ta bèn quát tôi: “Chị không có quyền hỏi giấy tờ tôi. Giấy chứng minh của chị đâu, xuất trình cho tôi xem”. Tôi cũng đứng lên quát lại ông ta: “Tôi cũng không làm việc với anh. Tôi không biết anh là ai. Tôi không cần phải nói chuyện với anh”. Ông Riết thấy vậy mới nói: “Chị bớt nóng, ngồi xuống đi. Anh này là Phó CAP ở đây”. Tôi ngồi xuống và nói: “Tôi không cần biết Phó phường hay cái gì, người không có họ tên, không quân phục tôi không nói chuyện”. Ông ta tiếp tục hỏi tôi “Giấy tờ đâu?”. Tôi lặp lại: “Tôi không nói chuyện với anh. Nghe rõ chưa?”. Ông ta quay sang bảo ông Riết hỏi tôi giấy chứng minh đâu xuất trình ra. Tôi nói: “Anh Riết, anh đã xem giấy chứng minh của tôi rồi hồi tôi mới đến ở trong nhà 84D. Còn hôm nay tôi mới vừa ngủ dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt, đầu chưa chải, quần áo chưa thay, còn mặc đồ ngủ, chân không kịp mang dép, các anh đã lôi tuột tôi đến đây thì giấy tờ ở đâu tôi có mà đưa anh xem? Anh có thấy anh hỏi vô duyên, lố bịch không?”. Ông Riết ngồi cười cười làm thinh không trả lời. Ông áo sọc ngồi kế bên kêu ông Riết ghi biên bản, đọc từng chữ cho ông Riết viết rằng tôi không chịu xuất trình giấy tờ. Tôi cũng mặc kệ ông, không thèm nói gì, trong bụng nghĩ: “Tự viết rồi một hồi tự ký với nhau nhé”. Tôi nói: “Các anh lôi tôi đến đây, nhà mất đồ hay anh ém cái gì đó vào nhà thì các ông phải chịu trách nhiệm”. Ông áo sọc nói đã giao nhà cho tổ dân phố. Tôi bảo rằng: “Tôi không tin cái loại tổ dân phố của các ông”. Ông kia lại đem ra hai tờ giấy viết tay, chữ loằng ngoằng mực xanh, 2 tờ giấy in vi tính, kêu ông Riết làm việc với tôi về việc có đơn tố cáo tôi. Tôi cũng muốn biết “tố cáo” về chuyện gì nên cứ để im cho ông ta nói. Ông ta bảo là hàng xóm tố cáo tôi: in ấn tờ rơi nói xấu Công an Thái Nguyên, Công an Hà Nội; phơi đồ lót phụ nữ ở mặt tiền lầu 2 làm mất mỹ quan, hàng xóm góp ý nhiều lần không sửa mà còn chửi mắng hàng xóm; Lối sống kiêu ngạo, sống chung với một người đàn ông tự xưng là Luật sư trong nhà 84D. Ông Riết hỏi tôi: “Người ta tố cáo chị như vậy chị có ý kiến gì không. Chúng tôi sẽ trục xuất chị không cho ở đó”. Tôi nói: “Ai tố cáo anh cho tôi biết tên gì, ở đâu, bằng không thì đó là các anh dựng chuyện nói láo”. Ông kia vội vàng cản ông Riết không cho nói. Tôi nhìn thẳng vào ông Riết bảo rằng: “Các anh dựng chuyện bẩn thỉu như vậy mà cũng làm được à? Các anh vu cáo tôi chớ không có ai tố cáo tôi hết”. Ông Riết lại nói: “Sao chị không đi chỗ khác ở, ở phường không cho ở mà sao ở đó hoài”. Lại cũng vẫn chuyện này, đến ngày 19/10/2010 là anh Điếu Cày mãn án tù, và sẽ trở về ở trong cái nhà 84D đó, mà trong nhà hiện nay có tôi ở, công an sợ rằng tôi ở chung nhà với anh Điếu Cày sẽ làm cho “công an chỉ biết còn đảng còn mình” mất ăn, mất ngủ chăng? Tôi gằn giọng: “Các anh không có quyền cho hay cấm tôi ở trong nhà đó khi chủ nhà đã đồng ý cho tôi ở, tôi đã trình báo với anh, trách nhiệm của anh là ghi nhận sự trình báo của tôi, còn ghi hay không là việc của các anh, tôi không cần biết. Anh đem Luật cư trú ra chỉ cho tôi xem chỗ nào luật cho phép các anh cấm không cho tôi ở nhà đó, nếu có, tôi chấp hành. Tại sao tôi phải đi chỗ khác ở trong khi tôi đây không mất tiền thuê nhà, tôi đến nhà anh tôi ở nhé”. Ông Riết ngồi làm thinh, xếp giấy tờ lại rồi hỏi: “Chị có đồng ý ký biên bản không”. Tôi trà lời: “Không, các anh làm chuyện bẩn thỉu thì tự ký với nhau đi”. Ông áo sọc hăm he tôi “rồi sẽ ở tù”. Tôi hỏi ông ta: “Bây giờ dựng chuyện chưa đủ hả?”. Ông Riết và ông kia bỏ đi. Đến khoảng hơn 12 giờ trưa, một ông khoảng trên 55 tuổi, người cao, nói giọng Bắc từ tốn vào phòng gặp tôi mời tôi ăn bánh bao. Tôi trả lời không ăn. Ông ta lại đưa tôi một quyển sách, ngoài bìa thấy in chữ Cuộc cách mạng mùa thu Hà Nội gì đó, nói cho tôi mượn đọc. Tôi nói: “Tôi đang ở nhà, các anh lôi tôi đến đây trong tình trạng như thế này để cho tôi mượn sách đọc thôi à?”. Ông ta vội cải chính: “Không, tôi tên Thành, cùng làm chung với anh Riết, thấy chị không làm gì thì trong thời gian chờ đợi ông Riết làm việc”. Người đàn ông này tôi thấy xuất hiện ngay từ đầu trong nhà tôi ban sáng, cùng nhóm 10 người kia, tôi đã đến CAP8 này vài lần gặp cán bộ ở đây nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông này. Tôi đáp: “Tôi không có nhu cầu đọc loại sách này. Tôi muốn đọc cái gì thì tôi lên mạng đọc, tất cả đều có hết, muốn loại nào cũng có”. Ông Thành nói biết tôi là “đồng đội” nên muốn trò chuyện với tôi. Tôi hỏi: “Anh làm chức vụ gì ở đây? Nếu lãnh đạo thì tôi nói theo kiểu lãnh đạo, còn ngang cấp với ông Riết thì tôi nói theo kiểu ngang cấp”. Ông Thành nói: “Tôi chỉ ngang cấp như ông Riết mà thôi”. Tôi mới nói: “Vậy thì tôi nói chuyện với anh theo kiểu ngang cấp, nói nghe chơi chớ không giải quyết được chuyện gì. Hành vi các anh đối với tôi từ sáng đến giờ nó giống như một lũ lưu manh, con đồ, xã hội đen chớ không đúng luật chỗ nào hết”. Ông ta hỏi tôi ở sao không trình báo. Tôi trả lời: “Tôi lặp lại cho anh biết rằng tôi đến ở nhà 84D này từ tháng 6 năm ngoái. Trước khi đến tôi đã cùng với chị chủ nhà làm thủ tục trình báo đàng hoàng. Tôi đã thực hiện nghĩa vụ của tôi, còn nghĩa vụ các anh là ghi nhận, không có quyền cản trở tôi. Công dân VN có quyền cư trú bất cứ nơi đâu trên phạm vi nước VN, trừ khu vực cấm, biên giới, hải đảo”. Ông Thành nói: “Đại ý là trừ những chỗ cấm ra, chỗ nào cũng ở được hết. Chị ở hơn 1 năm nay thì coi địa phương mặc nhiên công nhận. Tôi thấy thời gian qua chị viết rất nhiều bài viết, chị có thấy những bài viết đó chính xác không?”. A, ông ta đã “tự thú” cho tôi biết ông ta không phải CA phường này. Công an phường này tôi đã tiếp xúc với nhiều người, và tôi để ý thấy họ chưa hề có biểu hiện gì là hiểu biết internet cũng như những bài viết trên mạng. Tôi gạt ngang: “Tôi không bàn về các bài viết ở đây”. Ông Thành lại hỏi: “Vậy chị có ý kiến gì về việc hàng xóm tố cáo không?”. Tôi nhìn thẳng vào ông ta nói: “Tôi khẳng định cho anh biết các anh đã làm những chuyện bẩn thỉu, đê tiện để vu cáo tôi chớ không có hàng xóm nào tố cáo tôi hết. Đơn giản là những việc các anh dựng lên ấy không hề xảy ra, và tôi không có khả năng làm những việc đó. Nhưng các anh “gian mà không ngoan”. Tôi đã nhìn thấy cái “gian mà không ngoan” của các anh rồi. Nếu các anh còn là con người, còn có lương tâm, thì đừng bao giờ làm những chuyện đê tiện, bẩn thỉu như vậy. Các anh hành xử côn đồ, hèn hạ, vu cáo bẩn thỉu chỉ làm cho tôi thêm khinh thường, phỉ nhổ vào mặt các anh, thêm căm ghét các anh mà thôi, chớ không thể thay đổi được tôi”. Ông Thành nói: “Chị có thể cho tôi biết ‘gian mà không ngoan’ ở chỗ nào không?”. Tôi nói: “Tôi không nói ở đây, chưa phải lúc”. Ông Thành im lặng. Sở dĩ tôi khẳng định họ “gian mà không ngoan” bởi thời nay ở Sài Gòn bạn dừng xe chờ đèn đỏ ở bất cứ nơi nào cũng có một đội ngũ phát tờ rơi quảng cáo chạy ra ấn hàng đống giấy vào tay bạn, mà nhiều người còn không thèm nhận, ai mà thèm nhặt tờ rơi dưới đất để đọc. Muốn gì người ta lên mạng nói có người nghe, in ấn làm gì cho phí công, phí giấy, phí mực mà không ai ngó đến. Muốn in thì phải có phương tiện in, trong nhà tôi lại không có máy in. Tôi đi ra đường lúc nào cũng “mọc đuôi”, việc này không chỉ một mình tôi biết mà anh em đạo hữu đi chung với cũng đã từng thấy. Tôi mà bỏ tờ rơi chắc là họ ào tới “bắt quả tang” có nhân chứng, vật chứng đầy đủ, quay phim, chụp ảnh đăng báo và “ném vào mặt bọn tư bổn” nào hay lên án Chính phủ Việt nam vi phạm nhân quyền, vậy có phải sướng hơn không, việc gì phải cần đến mấy tờ giấy ‘tố cáo” vớ vẩn kia. Chuyện phơi đồ lót thì còn buồn cười hơn. Tác giả của màn hài kịch bẩn thỉu này vội vàng quá nên không biết rằng nhà 84D làm gì có mặt tiền lầu 2 để cho tôi “phơi đồ lót”. Nó chỉ có mặt tiền tầng trệt, tầng trên phía trước là nhà người khác rồi. Vào sâu bên trong hơn 30m thì nhà mới rộng ra và lên được 2 tầng. Đã không có chỗ phơi thì những chuyện tiếp theo đều là bịa đặt trắng trợn một cách ngu xuẩn. Nói chuyện tôi “sống chung với một người đàn ông trong nhà tự xưng là Luật sư” còn khôi hài hơn. Tôi có cảm giác CA là để chuyên đi rình mò chuyện giường chiếu của người dân, để chen vào nằm giữa cặp tình nhân mà gào thét vớ vẩn. Ai chẳng biết trong “giấy cho mượn nhà” chị Dương Thị Tân đã ghi rõ cho bà Tạ Phong Tần và ông Nguyễn Quốc Đạt mượn nhà để ở. Nguyễn Quốc Đạt nguyên trước đây cùng làm chung với tôi ở VPLS Pháp Quyền, sau khi Pháp Quyền bị đóng cửa thì Đạt đi theo tôi ở nhờ vì Đạt cũng thất nghiệp giống như tôi. Hiện nay, Đạt là Trưởng VPLS La Bàn, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, không cần phải “tự xưng”. Nguyễn Quốc Đạt nhỏ hơn tôi 10 tuổi, Đạt chưa vợ, tôi chưa chồng, nếu sống chung cũng được chớ sao, mắc mớ gì Công an phải chen vào? Giả sử Đạt đã có vợ mà ở chung nhà cũng được luôn, bởi lẽ phòng ai nấy ở, giường ai nấy ngủ. Vợ Đạt không ý kiến gì thì thôi, sao Công an nhảy vào “ghen” dùm? Ông Thành lại hỏi tôi lâu nay có về quê không? Tôi trả lời: “Anh về hỏi ông Tuấn, ông Hải PA35 ấy, mấy ông đó biết rất rõ, tôi đi đâu cũng có đuôi theo tò tò. Anh không cần phải hỏi tôi”. Ông Thành thấy tôi cứ nói đâm ngang, nên ông đứng lên từ giã và nói để ông kêu ông Riết tới làm việc, ông Riết đang bận họp”. Tôi nói: “Vậy tôi nhờ anh nhắn với ông Riết rằng nếu ông Riết bận quá thì đừng có lôi tôi đến đây rồi cứ để tôi trong cái phòng này hoài. Như vậy người ta kêu bằng bất lịch sự, thiếu văn hóa đó, còn nói theo kiểu nôm na bình dân là làm kiểu mất dạy”. Bọn họ biến đi đâu sạch hết, để hai tên “cốt đột” canh chừng tôi không cho tôi ra ngoài. Gần 3 giờ chiều, một thanh niên trẻ mặc thường phục đến xưng tên là Nguyễn Công Danh – CAP25 nói rằng đến gặp tôi để “tống đạt quyết định xử phạt hành chánh”. Tôi hỏi phạt chuyện gì, Danh nói vụ bên phường 25 Bình Thạnh. Tôi nói: “Vụ đó tôi sang nhà bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ để lấy giấy tờ, bà Nghệ không đưa, tôi bỏ đi về thì cả nhà bà Nghệ kéo tôi lại để chửi bới, đánh đập tôi, tôi là người bị hại, tôi chưa kiện bà Nghệ mà phạt tôi cái gì?”. Danh nói: “Em chỉ được lệnh tống đạt thôi, chị có nhận quyết định không, nhận thì em làm biên bản tống đạt?”. Tôi trả lời: “Nhận chớ. Tôi cần phải nhận và tôi sẽ kiện quyết định này cho toàn thể giới đều nhìn thấy Công an Việt Nam là một lũ chuyên dựng chuyện vu cáo người dân lương thiện”. Danh viết biên bản xong, tôi bảo đưa cho tôi xem, thấy quyết định ghi ký ngày 15/7/2010 nhưng phần nội dung thì trụi lủi là “gây rối trật tự công cộng”. Tôi nói: “Quyết định này phải bổ sung thêm gây rối ở đâu, thời điểm nào, ghi như vầy rồi vài bữa nữa nói tôi gây rối tại đây thì sao? Biên bản tống đạt viết thành 2 bản, tôi giữ 1 bản, em giữ 1 bản thì tôi ký”. Thấy Danh ngồi ngần ngừ, tôi nói: “Lẽ ra tôi yêu cầu em về thay sắc phục đàng hoàng tôi mới làm việc, nhưng thôi, em là kẻ thừa hành, em nói năng đàng hoàng tôi không làm khó em. Em đem Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo ra xem, luật quy định tống đạt phải viết 2 biên bản. Nếu em thấy nhiều quá đọc không hết thì mang đến đây tôi chỉ ngay chỗ đó cho em đọc. Em yên chí, lãnh đạo của em bảo em làm điều sai chớ tôi không bao giờ bảo em làm sai”. Danh nói: “Thôi để em về hỏi ý kiến lãnh đạo” rồi “biến mất” luôn. Gần 5 giờ chiều, một cán bộ khác mang hàm Trung úy tên Nghĩa đến nói ý kiến chỉ huy kêu em ra quyết định phạt vì chị vi phạm điểm, khoản, Điều A Bờ Cờ gì đó “không xuất trình giấy tờ tùy thân” (cầm quyển sách đọc một hơi). Tôi nói: “Tự dưng tôi đang ở nhà tôi, mới ngủ dậy, đầu chưa chải, quần áo mặc chưa đủ, chân chưa mang dép thì các người lôi tôi đến đây rồi hỏi “Giấy tờ đâu?” thì tôi làm sao có đưa mấy người xem?”. Tôi đứng dậy giũ bộ đồ lửng đang mặc, giơ chân không lên hỏi: “Thấy chưa? Dép mang không kịp đã bị lôi đi rồi hỏi giấy tờ là sao? Đi ngủ cũng phải giấu giấy tờ trong quần hả?”. Anh ta nói: “Tôi chỉ được lệnh làm vậy thôi, bây giờ tôi viết quyết định phạt chị”. Anh ta viết quyết định xong nói: “Nếu chị nhận thì ghi vào cuốn sổ này là đã nhận, không thì ghi vào là không nhận”. Tôi quát lên: “Tôi không ghi bất cứ cái gì hết. Đưa thì tôi lấy, không đưa thì thôi, làm biên bản tống đạt giao tôi một bản thì tôi ký, không thì thôi”. Anh ta ngồi giảng giải luật này nọ với tôi, tôi nói: “Đừng có giảng luật với tôi, tôi dạy luật cho mấy người chớ không phải mấy người dạy được tôi. Cái chức CSKV này tôi đã từng làm, tôi chỉ cần ỉa một bãi là xong, có gì khó khăn mà lên mặt giảng giải cho tôi”. Ông áo thun sọc xanh trắng hồi sáng nghe trong phòng tôi và anh Nghĩa to tiếng thì chạy sang, lúc này tôi thấy ông ta mặc sắc phục, đeo hàm Trung tá nhưng không đeo bảng tên. Tôi hỏi: “Anh là lãnh đạo ở đây à?”. Ông ta không trả lời câu hỏi của tôi mà hầm hè đòi “Bóp họng tôi” mấy lần. Tôi đứng dậy nói càng lớn hơn: “Tôi cứ nói, tôi nói lớn cho cả cái cơ quan này nghe hết. Các anh hành động bẩn thỉu, đê tiện, hèn hạ. Bóp đi, bóp ngay bây giờ đi. Lấy dây, treo vào cửa sổ kia. Công an các người treo cổ dân trong cơ quan đã nhiều rồi, treo thêm một mạng nữa đâu có sao”. Tôi chỉ vào ông ta: “mặc quân phục mà không đeo bảng tên. Làm chuyện sai trái, đê tiện mới sợ không dám cho ai biết tên. Người ta làm việc ngay thẳng thì có họ có tên đàng hoàng”. Ông ta vội vàng bỏ đi một nước. Trung úy Nghĩa cũng ôm tập giấy tờ đi luôn. Ngồi một mình trong phòng, thấy trời đã sụp tối. Tôi ngồi xếp bằng trên ghế lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh. Đang đọc thì nghe có người đứng ngoài cửa kêu: “Chị ơi chị về đi”. Tôi mặc kệ anh ta, đọc xong chuỗi kinh mới đứng dậy. Tôi hỏi: “Mấy giờ rồi em?”. Trung úy trẻ này nói: “Hơn 7 giờ rồi”. Tôi xuống tầng trệt, thấy một Công an đeo hàm Trung tá, bảng tên Nguyễn Ngọc Thiện (tôi nhớ họ có thể không chính xác). Tôi hỏi: “Anh là chỉ huy ở đây à?”. Ông Thiện nói: “Tôi là cán bộ chớ không phải chỉ huy” (Chuyện lạ à, hơn 7 giờ tối mà cơ quan trực không có chỉ huy). Tôi hỏi: “Chỉ huy của anh đâu? Tôi muốn gặp chỉ huy của anh để hỏi xem các anh bắt tôi đến đây từ sáng đến giờ thì lệnh tạm giữ đâu? Tạm giữ tội gì?”. Ông Thiện nói: “Chúng tôi không bắt chị. Chị thấy ở đây có phòng giam không?”. Tôi nói: “Không bắt thì đây là cái gì? Tự dưng tôi đang ở trong nhà, đầu chưa chải, răng chưa đánh, mặt chưa rửa, dép chưa mang, lôi tôi lên xe chở đến đây thì bây giờ các anh đem tôi đến đây bằng cách nào thì đưa tôi về bằng cách đó”. Ông Thiện nói: “Tôi không phục vụ chị. Chị có làm việc cũng đi bắt người ta vậy”. Tôi nói: “Tôi đâu yêu cầu các anh phục vụ, các anh tự dưng bắt tôi đến thì các anh phải trả tôi về chỗ cũ. Các anh làm như tôi là con chó hay sao mà muốn bắt thì bắt, muốn tống cổ ra thì tống. Tôi nói cho anh biết, tôi có đi bắt ai thì tôi cũng có tờ lệnh Viện kiểm sát phê chuẩn đàng hoàng, tôi mời địa phương, gia đình, hàng xóm đến chứng kiến lập biên bản đàng hoàng, chớ tôi không hành xử kiểu lưu manh côn đồ như các anh. Anh nói lại cho chỉ huy của anh biết là tôi nói như vậy đó. Công an làm việc như lưu manh, côn đồ, xã hội đen. À, anh có đọc báo không? Cách đây khoảng một tháng, tại Công an phường Ô Chợ Dừa Hà Nội, chỗ đàn áp giáo dân Thái Hà đó. Bị đứa nào nó ném mìn vào, chết 2 thằng, bị thương 3 thằng. Anh ở trong ngành anh biết, mìn chớ không phải lựu đạn đâu”. Ông Thiện nói: “Tôi không quan tâm đến chuyện đó”. Tôi nói: “Cần phải quan tâm chớ, theo tôi thì những chuyện như vậy anh phải quan tâm. Ở đời ác lai ác báo, gieo gió thì gặt bão. Tôi ngồi đây tôi chờ chỉ huy của anh”. Ông Thiện nói: “Chị không đi ra tôi kêu tụi nó lôi ra cho xấu hổ bây giờ”. Tôi nói “Các anh làm chuyện sai trái, đê tiện mới xấu hổ, tôi đâu làm sai điều gì mà xấu hổ. Tôi đang chờ các anh lôi ra đây, lôi ra cho nhiều người dân ở đây thấy kiểu lưu manh của anh”. Ông Thiện kêu Công an trẻ và một dân phòng lôi tôi ra: “Hai thằng mày làm cái gì mà sợ bả, lôi bả ra”, nhưng hai người này nắm tay tôi vừa đẩy vừa năn nỉ tôi đi ra. Tôi vừa đi vừa nói lớn: “Công an phường 8 này hành xử với dân kiểu côn đồ, lưu manh. Tự dưng tôi đang ở nhà thì lôi tôi đến đây trong tình trạng như thế này, rồi bây giờ đuổi tôi đi ra, bắt tôi lý do gì tôi hỏi sao không trả lời. Giỏi thì đi đánh Tàu kìa, đi giành lại biên giới, hải đảo kìa, Tàu nó cướp bóc, đánh đập ngư dân Việt Nam đó, ra đó đánh Tàu đi. Chỉ biết hung hăng, ỷ đông hiếp yếu, lấy thịt đè người với dân lành, với phụ nữ tay không tấc sắt như tôi, gặp giặc thì hèn”. Những người dân ở gần đó nghe tôi nói chạy ra hỏi chuyện gì, gặp ai hỏi tôi cũng đứng lại kể cho họ nghe hết từ đầu đến đuôi, chỉ cho họ thấy cái đầu không chải, bộ quần áo ngủ và chân không dép của tôi. Tôi đợi cháu gái đi làm về, hỏi nó thì nó cũng nói là không có ai đưa chìa khóa cho nó. Nó nói hồi sáng sau khi họ bắt cô đi rồi thì họ lên phòng cô lục lọi lấy đi nhiều đồ đạc. Tôi cùng cháu gái về nhà. Hàng xóm của tôi nói: “Nó lấy đồ của chị Tần đi như ăn cướp”, “Ở đây không có ai tố cáo bậy bạ như vậy hết”. Tôi vào nhà, thấy nhà cửa bị lục tung lên tang hoang như bãi rác. Trong phòng riêng của tôi, đèn bàn, băng vệ sinh, áo lót bị xô xuống nền nhà và đổ ngổn ngang. Kiểm tra lại, bước đầu thấy bị mất: Một bộ máy tính để bàn (gồm CPU, màn hình tinh thể lỏng Samsung, bàn phím), ngay cả cái môđun của công ty viễn thông (trị giá 800 ngàn) cũng bị lấy đi. Cuốn sổ tay tôi để trên bàn, 6 phong bì có thư) của mẹ tôi từ quê gởi lên cũng bị lấy mất, 2 điện thoại di động cũng bị lấy mất. Ngoài ra còn bị thêm gì hay không thì tôi không biết vì tôi chưa kiểm tra hết đồ đạc trong nhà. Và tôi cũng không biết trong thời gian tôi vắng nhà thì nhóm người “ăn cướp ban ngày có bảo kê” kia có nhét thêm tài liệu, ma túy hay chất nổ vào trong nhà hay không. Coi như, để lập thành tích dâng đảng chào mừng đại lễ, lực lượng “chỉ biết còn đảng còn mình” bao gồm PA35 CA TPHCM, CAP8 quận 3 và 5 tên côn đồ đã lập thành tích xuất sắc và thành công tốt đẹp khi bắt được bà Tạ Phong Tần đem về nhốt ở phường cả ngày và cướp được một số tài sản kèm theo.
|