Home Tin Tức Thời Sự Mỹ sẵn sàng giúp xây dựng bộ luật ứng xử tại biển Đông

Mỹ sẵn sàng giúp xây dựng bộ luật ứng xử tại biển Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm RFI   
Thứ Hai, 04 Tháng 10 Năm 2010 07:00

Mỹ không muốn có chiến tranh ở biển Đông.


Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas trên diễn đàn Hội nhà báo quốc tế tại Philippines (FOCAP) ngày 4/10/2010.
Ảnh : REUTERS/Romeo Ranoco

Hôm nay (4/10), trong cuộc gặp các phóng viên ngoại quốc tại Philippines, đại sứ Hoa Kỳ, Harry Thomas đã nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp xây dựng một bộ luật ứng xử mang tính ràng buộc, nhằm giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ tại Biển Đông giữa các thành viên Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN và Trung Quốc.

Đại sứ Mỹ nói rằng Washington có lợi ích rõ ràng qua việc bảo đảm là những căng thẳng liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình, thông qua đối thoại.

Đại sứ Thomas nhấn mạnh, « chúng tôi không muốn thấy có xung đột, chúng tôi không mong muốn nhìn thấy chiến tranh và chúng tôi không đứng về bên nào trong vấn đề này».

Theo ông, 10 nước ASEAN nên cùng với Trung Quốc đàm phán về một bộ luật ứng xử để bảo đảm quyền tự do lưu thông trên các tuyến hàng hải quan trọng, tránh xẩy ra những sự cố gây gián đoạn thông thương. Đại sứ Mỹ giải thích, Washington sẽ chờ đợi ASEAN và Trung Quốc chấp thuận đàm phán và khi ASEAN đề ra những mục tiêu của mình, nếu họ yêu cầu Mỹ trợ giúp trên những vấn đề cụ thể, Hoa Kỳ sẽ vui lòng hỗ trợ.

Đại sứ Mỹ nói, bộ luật ứng xử tại Biển Đông đương nhiên phải mang tính ràng buộc và việc thông qua một bộ luật như vậy sẽ bảo đảm cho sự ổn định, tự do lưu thông và thương mại quốc tế trong khu vực.

Được hỏi về quan hệ với Trung Quốc, đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines khẳng định là Washington không mong muốn lao vào một cuộc xung đột với Trung Quốc. Ông nói, « Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi nghĩ nên có hòa bình. Thế nhưng, chúng tôi nghĩ rằng bộ luật ứng xử của ASEAN là một mục tiêu có thể đạt được trong quan hệ với Trung Quốc ».

Cho đến nay, ASEAN đang cố gắng thúc đẩy Trung Quốc chấp nhận một bộ luật ứng xử trong khu vực, có tính chất ràng buộc, tạo cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề tại Biển Đông. Bộ luật này sẽ thay thế cho Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông – DOC, được ký kết hồi tháng 11 năm 2002.

Trong khi đó, Trung Quốc không chấp nhận giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ đa phương, tức là với ASEAN mà chỉ muốn đàm phán song phương với từng nước liên quan.

Tại Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF, hồi tháng bẩy vừa qua, tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố với lãnh đạo các nước Đông Nam Á rằng việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông mang tính « sống còn » đối với sự ổn định của khu vực. Trung Quốc đã tỏ thái độ giận dữ và cảnh báo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào công việc trong khu vực và phản đối mọi ý định quốc tế hóa tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Trong cuộc gặp các phóng viên ngoại quốc, ở Manila, ngày hôm qua, đại sứ Mỹ Thomas nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục dấn thân tại châu Á, coi châu Á là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.