Hà Nội kêu gọi Mỹ giảm bớt rào cản thương mại với hàng nhập từ Việt Nam |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Bảy, 02 Tháng 10 Năm 2010 20:12 |
Theo nguồn tin báo chí Việt Nam, trong khuôn khổ cuộc họp kéo dài trong hai ngày 29/9/2010 và 01/10 vừa qua tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới WTO ở Genève (Thụy Sĩ) nhằm rà soát chính sách thương mại của Mỹ, phía Việt Nam đã kêu gọi Hoa Kỳ xem xét lại vấn đề điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá, để không tác hại đến các thành viên trong WTO, trong đó có Việt Nam. Khai thác tôm tại vùng Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng - Việt Nam Đối với phía Việt Nam, quan hệ thương mại song phương Mỹ-Việt đã tiến vượt bực trong 15 năm qua, với thương mại hai chiều đạt mức 15 tỷ đô la vào năm ngoái. Sau khi hai bên ký Hiệp định thương mại song phương vào năm 2001, Mỹ dần dần trở thành thị trường lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam, và đến năm 2009, đã vươn lên thành nhà đầu tư ngoại quốc hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian hai năm gần đây, để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, chính quyền Hoa Kỳ đã đề ra nhiều biện pháp kiểm tra ngặt nghèo nhắm vào hàng nhập từ các nước chưa được Mỹ công nhận là đã có kinh tế thị trường. Các cuộc điều tra này thường có hậu quả là hàng nhập từ các nước đó bị đánh thêm thuế chống trợ giá hoặc chống bán phá giá. Việt Nam nằm trong số các nước bị điều tra, và đã phải chịu thuế trên một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng như : cá da trơn, tôm đông lạnh hay túi nhựa. Các biện pháp kiểm tra, do Hoa Kỳ đặt ra là những rào cản thương mại, đã gây thiệt hại không ít cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một trong những thí dụ điển hình của tình trạng này là mới đây, Cơ quan Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đã bắt buộc một số công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải trả các khoản thuế chống bán phá giá cho lượng cá da trơn xuất vào Mỹ trong năm 2008-2009. Các nhà sản xuất Việt Nam đã cực lực phản đối quyết định mang tính chất hồi tố này. Theo Thông tấn xã Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải đối phó với nhiều vụ kiện chống bán phá giá và tự vệ của nước ngoài, trong đó Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu là hai thị trường có số vụ kiện nhiều nhất.
|