Tranh chấp tiền tệ Washington-Bắc Kinh |
Tác Giả: Hà Tường Cát (tổng hợp) |
Thứ Sáu, 01 Tháng 10 Năm 2010 08:34 |
Hoa Kỳ ra luật chống Trung Quốc dìm giá tiền WASHINGTON D.C. - Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, Timothy Geithner, hôm 30 tháng 9 nói rằng: “Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không đi tới cuộc chiến tranh mậu dịch,” và Washington cùng Bắc Kinh “không để xảy ra cuộc chiến tiền tệ.” (Hình: Nelson Ching/Bloomberg via Getty Images) Dư luận phần nhiều không nghĩ như vậy. Giới quan sát cho rằng hai nước khó có thể dàn xếp những bất đồng quan điểm về chính sách tiền tệ của Trung Quốc để tránh cuộc đụng độ gây thiệt hại cho cả đôi bên. Bộ Trưởng Geithner phát biểu mang tính “hòa hoãn” chỉ một ngày sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cho phép áp dụng quan thuế đền bù chống lại việc Trung Quốc hạ giá đồng tiền của họ. Bộ Trưởng Geithner cho rằng một thành phần đáng kể trong giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ, rằng sửa đổi hối suất là nhu cầu rất quan trọng cho chính nền kinh tế của họ. Ông không hoàn toàn đứng về phía dự luật của Hạ Viện, sẽ còn phải thông qua Thượng Viện, mà tin là hãy còn có phương cách để đạt tiến bộ, viện dẫn dữ kiện đồng nhân dân tệ đã lên giá với một nhịp độ khá hơn kể từ ngày 2 tháng 9. Tranh chấp tỷ giá hối đoái giữa đồng Mỹ kim và đồng Nhân Dân Tệ kéo dài nhiều năm, từ thời chính quyền Tổng Thống Bush đến Tổng Thống Obama mà không đi đến thỏa hiệp có hiệu quả. Có lý luận nói rằng có cách để tạo thêm nửa triệu việc làm cho dân Mỹ trong vòng hai năm mà không thâm hụt một xu của ngân sách, và rằng có thể làm sống lại những cơ xưởng hoen rỉ bỏ phế ở vùng Ðông Bắc, cân bằng mậu dịch, ổn định hệ thống kinh tế quốc tế. Ðó là, chỉ cần Trung Quốc ngưng dìm giá đồng tiền của họ bằng cách giữ giá trị thấp cho đồng nhân dân dân tệ nhằm tăng xuất khẩu và tiếp sức cho mức độ tăng trưởng kinh tế khủng khiếp của nước họ. Phản ứng tức bực với chính sách hối đoái của Trung Quốc đã thể hiện sôi nổi trong những cuộc điều trần ở Quốc Hội tuần trước và Bộ Trưởng Ngân Khố Geithner đã lên án quốc gia này vi phạm định chuẩn quốc tế. Tổng Thống Obama dự định sẽ đem vấn đề này cùng với những phàn nàn về sự thi hành đường lối mậu dịch và bảo vệ tác quyền trí tuệ ra trước hội nghị Thượng Ðỉnh G-20 họp tại Nam Hàn tháng 11. Việc Trung Quốc cố tình hạ giá trị đồng nhân dân tệ trong một thập niên vừa qua là không có gì phải nghi ngờ. Họ đã can thiệp vào thi trường bằng cách dùng đồng nhân dân tệ để mua vào mỗi ngày khoảng $1 tỷ. Nhiều chuyên gia tiền tệ cho rằng Trung Quốc có lẽ sẽ lợi hơn nếu như họ để cho giá trị của đồng nhân dân tệ tăng lên. Như vậy sẽ khiến cho giới tiêu thụ nước họ có tài lực mua vào nhiều hơn, làm giảm nhẹ rủi ro lạm phát và bấp bênh tài sản, hạ thấp một cách đáng kể tình trạng bất bình đẳng xã hội nguồn gốc của những bất ổn. Vậy thì điều gì đã khiến họ không theo đường lối ấy? Những nhà xuất khẩu tập trung trong vùng duyên hải phía Nam, nắm giữ thế lực to lớn với Bắc Kinh và hưởng lợi với chính sách hạ giá trị đồng tiền, theo nhận định của Minxin Pei, giáo sư khoa học chính trị trường McKenna College ở Claremont, California. Cũng như vậy đối với các đại công ty quốc doanh hoạt động quá công suất và cần có khả năng bán sản phẩm ra nước ngoài với giá rẻ. Ngược lại, giới nhập khẩu Trung Quốc và Ngân Hàng Trung Ương không hài lòng với tình trạng đồng nhân dân tệ kém giá. Nhưng cả hai giới này tương đối yếu về ảnh hưởng chính trị. Tại Hoa Kỳ cũng có một số người không muốn đồng nhân dân tệ lên giá. Ðó là những công ty đa quốc gia, giới tài chính Wall Street. Nhiều tổ hợp Hoa Kỳ sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc, hoặc bán hàng hóa tại Hoa Kỳ, hưởng lợi với đồng nhân dân tệ có giá trị thấp. Các cơ quan tài chính dễ dàng thương lượng hợp đồng hơn với đồng dollar mạnh và giúp cho đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng hậu quả của đồng dollar mạnh là làm tăng áp lực cạnh tranh cho nông sản và sản phẩm công kỹ nghệ nội địa, do đó đe dọa tới sự tạo thêm công việc làm. Vì vậy, không có gì lạ khi những chính trị gia miền Trung Tây và các nghiệp đoàn là những giới chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất. Tình trạng thất nghiệp cao khiến tòa Bạch Ốc và hầu hết các nhà lập pháp đảng Dân Chủ cũng như một số lớn đảng Cộng Hòa đứng về phía chỉ trích. Cuối thập kỷ 1960, gia tăng chi tiêu cho chiến tranh Việt Nam và các chương trình xã hội đã đẩy mức lạm phát lên cao và Hoa Kỳ lần đầu tiên thâm hụt mậu dịch kể từ sau Thế Chiến II. Các nhà sản xuất bất bình và năm 1971 Tổng Thống Richard Nixon giải đáp bằng cách bỏ kim bản vị, kết quả đồng dollar mất giá khoảng 20%. Từ 1981 đến 1985 đồng dollar lên giá trở lại do Ngân Hàng Trung Ương (Fed) cho tăng lãi suất để chống lạm phát và chính quyền Tổng Thống Reagan vay nợ để tài trợ ngân sách thiếu hụt. Trước nguy cơ Quốc Hội có thể đưa ra những biện pháp bảo vệ mậu dịch, tháng 9 năm 1985, bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ đã gặp các giới chức tài chính Ðức và Nhật ở Manhattan, New York, và cùng đồng ý đi tới chỗ hạ giá trị đồng dollar. Ðiều ấy có thể xảy đến bây giờ hay không? Người ta cho rằng một sự nhanh chóng hạ giá đồng dollar khó có thể xảy ra trong tương lai gần, Không một quốc gia nào, dù là đồng minh, muốn thấy đồng tiền của mình đột ngột tăng giá trị (có nghĩa là xuất khẩu khó hơn) trong tình hình kinh tế toàn cầu đang hồi phục một cách khó khăn như bây giờ. Trong hệ thống phức tạp của hệ thống tiền tệ quốc tế hiên nay với sự tạo lập khu vực đồng Euro cùng sự phát triển của Brazil, Ấn Ðô, Nga, mọi chuyển biến đều có tác động và hậu quả rộng lớn. Mặc dầu Trung Quốc từ 2005 đến 2008 đã để cho đồng nhân dân tệ lên giá hơn 20% so với đồng dollar, cuộc khủng hoảng tài chính khiến giới đầu tư quy về đồng dollar đã khiến mọi chuyện quay trở lại chỗ cũ. Tháng 6 vừa qua Bắc Kinh hứa hẹn cho áp dụng một hối suất uyển chuyển hơn nhưng từ đó đến nay đồng nhân dân tệ chỉ lên giá khoảng 1%. Cuối cùng, theo ý kiến của giáo sư khoa học chính trị Jeffry A, Frieden, Ðại Học Harvard, thì tỷ giá hối đoái phản ánh những tác động rộng lớn hơn của nền kinh tế vĩ mô. Ðể cho đồng dollar trở lại đồng bộ trong hệ thống tiền tệ quốc tế, người dân Mỹ cần tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn trong khi tiêu dùng và vay nợ ít đi. Phía Trung Quốc, Ðức, Nhật Bản cần phải nhận thức được là dựa quá nhiều vào xuất khẩu sẽ không có lợi về lâu về dài. Giáo Sư Frieden nói: “Có thể hiểu rằng Trung Quốc sẽ kết luận được là chính vì lợi ích của họ mà nên để đồng tiền lên giá. Nhưng điều ấy không do từ đe dọa và cũng không từ ý muốn hợp tác tốt đẹp.”
|