Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam không chống Trung Quốc

Việt Nam không chống Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 27 Tháng 9 Năm 2010 21:54

HÀ NỘI (TH) - “Việt Nam không hợp tác quốc phòng với Mỹ hay bất cứ nước nào để chống Trung Quốc và Việt Nam cũng không có ý định chống Trung Quốc.”

Nguyễn Chí Vịnh, trung tướng thứ trưởng quốc phòng Việt Nam nói như vậy trong cuộc phỏng vấn của báo Akahata, tờ báo của đảng Cộng Sản Nhật Bản, và được báo Quân Ðội Nhân Dân Hà Nội đăng tải ngày Thứ Hai 27 tháng 9 năm 2010.


Ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ ở gần quần đảo Hoàng Sa ngày 16 tháng 6 năm 2009. (Hình: Chinamil.com)

Ông Vịnh lập lại một điều từng được ông trả lời ở một số lần tiếp xúc với báo chí trước đây khi được hỏi về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, một câu hỏi thường được nêu lên vì có sự tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông giữa hai nước.

Không những ông nói rằng “Việt Nam không có lợi ích gì khi chống Trung Quốc.” Mà còn ca ngợi rằng “Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp” khi trả lời báo Akahata.

Người ta thấy Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Việt Nam cho Nguyễn Chí Vịnh lập đi lập lại ở nhiều dịp khác nhau về lập trường của Việt Nam đối với Trung Quốc cho thấy nhu cầu của Hà Nội phải đối phó với các nghi ngờ của Bắc Kinh.

Những tháng gần đây, một số báo điện tử chính thức của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phổ biến một số bài viết từ cảnh cáo đến đe dọa chế độ Hà Nội trước các động thái mà họ có cảm tưởng Hà Nội muốn xích lại gần hơn với Hoa Thịnh Ðốn để chống tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc.

Trong khi Bắc Kinh bắn tiếng đe dọa thì Hà Nội vẫn đưa ra các lời lẽ giải thích mềm mỏng, biện minh bằng chính sách quân sự 3 không: Không liên minh quân sự với nước nào, không dựa vào nước này chống nước khác, không để nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguyễn Chí Vịnh đả kích một số bài viết bình luận trên mạng thông tin toàn cầu rằng “Việc nói Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ để chống Trung Quốc gây phương hại đến quan hệ Việt-Trung, gây phương hại đến hòa bình, ổn định khu vực và gây phương hại đến lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ðó là ý kiến không đúng đắn và thiếu thiện chí.”

Khi được báo Nhật Akahata hỏi về giải quyết tranh chấp biển Ðông, ông Vịnh nói “Quan điểm của Việt Nam là những vấn đề gì có liên quan đến tranh chấp lợi ích giữa hai nước thì hai nước giải quyết với nhau, không lôi kéo nước khác vào giải quyết.

Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến lợi ích của ba nước, bốn nước thì các nước đó phải ngồi cùng với nhau. Không thể có việc hai nước bàn bạc với nhau việc chung của ba, bốn nước. Chúng tôi không quan niệm đây là song phương hay đa phương mà là các nước có lợi ích cần phải ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các nước cũng phải tôn trọng ý kiến của nhau, không được áp đặt ý kiến chủ quan. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề biển Ðông tuy không quốc tế hóa nhưng phải công khai, minh bạch và lắng nghe ý kiến của cộng đồng quốc tế.”

Trong đó, người ta hiểu ngầm ông, hay chế độ Hà Nội, phân biệt các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông ra làm hai. Một phần là tranh chấp riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với vùng biển và quần đảo Hoàng Sa. Phần kia là sự tranh chấp vùng biển và quần đảo Trường Sa, ngoài Việt Nam và Trung Quốc, còn có sự tranh chấp của Mã Lai, Phi Luật Tân, Ðài Loan, Brunei.

Từ tháng 5 năm 2009 khi phản đối Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký thêm lục địa mở rộng, Trung Quốc đã tuyên bố gần hết biển Ðông (mà họ gọi là biển Nam Trung Quốc) thuộc chủ quyền của họ. Trong đó nằm gọn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc đã cưỡng chiếm năm 1974 từ tay VNCH. Mãi đến các năm từ 1988 đến 1995, Bắc Kinh mới đem chiến hạm đến chiếm một số đảo ở Trường Sa từ tay Việt Nam và Phi Luật Tân.

Lời tuyên bố chủ quyền chiếm gần hết biển Ðông của Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ bác bỏ vì đụng đến quyền hải hành tự do qua khu vực căn cứ theo các công ước quốc tế. Những lời tuyên bố và một vài hành động liên quan đến khu vực của hải quân Hoa Kỳ được Bắc Kinh diễn dịch như các hành động chống Trung Quốc. Nước chịu nhiều áp lực nhất của Trung Quốc, thấy rõ là Việt Nam, dù các lời tuyên bố anh em “16 chữ vàng” và “4 tốt” vẫn được lãnh tụ hai nước lập đi lập lại.

Ngay sau lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton ở Hà Nội hồi tháng 7 năm 2010, Trung Quốc tổ chức ngay một cuộc tập trận qui mô trên biển Ðông để thách thức. Nhưng ông Vịnh, trong cuộc phỏng vấn của Akahata vẫn nói “...Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác quốc phòng toàn diện với Trung Quốc, phù hợp với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Với chủ trương như vậy, chúng tôi vui mừng thấy rằng trong những năm vừa qua quan hệ quốc phòng Việt-Trung phát triển tốt đẹp, càng ngày càng phong phú và đa dạng.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn ở các cấp, tổ chức giao lưu sĩ quan trẻ, trao đổi đào tạo học viên, tuần tra chung trên biển, các đoàn tàu Trung Quốc thăm Việt Nam, các đoàn tàu Việt Nam thăm Trung Quốc.”

Hồi tháng 8, ông Nguyễn Chí Vịnh đã đến Bắc Kinh, gặp cả Bộ Trưởng Quốc Phòng Lương Quang Liệt, và Thứ Trưởng Quốc Phòng Mã Hiểu Thiên. Giới quan sát quốc tế cho rằng ông Vịnh đến đó để cố mời ông Liệt tới Hà Nội dự cuộc họp cấp Bộ Trưởng Quốc Phòng Mở Rộng (ADMM+8) vào ngày 12 tháng 10 năm 2010. Hồi tháng 3 trước đó, ông Vịnh đã đến Bắc Kinh gặp cả hai ông đó và đã đưa lời mời nhưng không được hứa hẹn gì.

Trung Quốc gần đây, vào dịp tổng thống Mỹ họp với lãnh đạo 10 nước ASEAN ở New York, vẫn còn cao giọng tuyên bố lập lại chủ trương của Bắc Kinh là chỉ giải quyết tranh chấp biển Ðông qua các cuộc thương thuyết song phương.