Home Tin Tức Thời Sự Ngày Thế giới các dòng sông năm 2010

Ngày Thế giới các dòng sông năm 2010 PDF Print E-mail
Tác Giả: Gia Minh, biên tập viên RFA   
Thứ Hai, 27 Tháng 9 Năm 2010 11:29

Hôm 26 tháng 9 là Ngày Thế giới các dòng sông năm 2010. Sự kiện này diễn ra nhằm dịp lãnh đạo các quốc gia trên thế giới

vừa kết thúc hội nghị Thượng đỉnh MDG của Liên Hiệp Quốc.

Một người đàn ông cùng đứa con trai đang nhặt vật liệu tái chế trên một dòng sông ở Manila hôm 25 tháng 9, 2010.
 AFP PHOTO/NOEL CELIS

Hội nghị MDG nhằm đề ra những kế hoạch cụ thể hơn giúp đạt được những mục tiêu trong thời gian sắp tới, cụ thể vào thời điểm năm 2015.

Một trong những mục tiêu được nhắm đến là bảo đảm nguồn nước sạch, hợp vệ sinh cho người nghèo tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, vào khi mà hiện có chừng 1 tỷ người trên địa cầu vẫn chưa có nước sạch để dùng.

Nguồn nước mặt cho con người chủ yếu lấy từ các dòng sông; tuy nhiên rất nhiều nguồn sông, suối đó bị chính con người làm cho ô nhiễm.

Ngày Thế giới các Dòng sông mỗi năm nhắc nhở con người về tình trạng đáng báo động đó, và kêu gọi mọi người ý thức trong việc giữ sạch những dòng sông như là nguồn mạch sự sống trên trái đất. Tại Việt Nam lâu nay, việc tham gia của các tổ chức dân sự trong hoạt động bảo vệ nguồn nước, nhất là nước của các dòng sông ra sao?

Nhân Ngày Thế giới các dòng sông năm nay, chuyên mục Khoa học-Môi trường tiếp tục đề cập một số thông tin liên quan nguồn nước tại Việt Nam, và trình bày đóng góp của một nhóm dân sự mang tên ‘Mạng lưới Cộng tác Vì Nước của Việt Nam’ cho công tác trong lĩnh vực này.

Chưa được xem trọng
Dường như nhiều sự kiện quan trọng khác đang thu hút sự chú ý của các cấp chính quyền và nhiều người dân tại Việt Nam hơn là việc tổ chức Ngày Thế giới các dòng sông năm nay.

Bà Đỗ Hồng Phấn, chuyên gia thuộc Mạng lưới Cộng tác vì Nước của Việt Nam, cho rằng nếu có tổ chức mà không đúng thực chất thì chẳng đạt được kết qủa mong đợi:

Sự hưởng ứng chỉ bằng một buổi mít-tinh, chẳng có ý nghiã gì, chỉ gọi là tuyên truyền thế thôi. Đây phải là công việc hằng ngày, sự phát triển của các ngành. Các ngành sử dụng nước nhiều như nông nghiệp, thuỷ điện… và mỗi ngành đều có lợi ích riêng, quyền lực riêng; mà việc phối hợp với nhau khi được khi không…

Truyền thông tại Việt Nam trong tuần rồi tiếp tục có những tin cho hay cảnh sát môi trường lại bắt được những doanh nghiệp sản xuất thải nước chưa hề qua xử lý trực tiếp ra các dòng sông. Như trên tờ Tiền Phong hôm thứ năm vừa rồi có bài tựa đề ‘Đầu độc Sông Đuống’; trong đó tác giả cho biết từ cuối tháng 8 vừa qua, cảnh sát môi trường Hà Nội bắt qủa tang một công ty nhuộm vải xả nước nhuộm chứa hoá chất màu đen, đặc quánh theo đường ống đi thẳng vào sông Đuống.

Đối với độc giả tại Việt Nam, những tin như thế dường như trở nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhất là sau khi xảy ra những vụ lớn như vụ Vedan bức tử Sông Thị Vải chảy qua ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Tung Kwang ở Hải Dương, Hào Dương tại Bình Dương, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi…

Những dòng sông tại Việt Nam phải hứng chịu tất cả những chất thải độc hại như thế từ suốt nhiều năm nay. Trong khi đó công tác ngăn chặn, làm sạch, phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm diễn ra khá chậm chạp.

Bà Đỗ Hồng Phấn đánh giá về công tác bảo vệ các lưu vực sông trên khắp ba miền đất nước:

Cách đây vài năm, vấn đề lưu vực sông thuộc Bộ Nông nghiệp, vấn đề tài nguyên nước thuộc Bộ Môi Trường. Sau khi chúng tôi tham gia ý kiến để ‘tài nguyên nước’ và ‘lưu vực sông’ qui về một mối, vấn đề đó đã được giải quyết. Chính phủ Việt Nam đã có những qui định về việc tổ chức các lưu vực sông. Tuy nhiên, công tác tiến hành chưa có gì đáng kể. Có nhiều tổ chức lưu vực sông hoạt động nhưng vẫn rời rạc, mỗi tổ chức hoạt động một mặt. Một tổ chức lưu vực sông ‘toàn diện, tổng hợp’ vẫn chưa có.

Việt Nam là quốc gia bắt đầu phát triển nên không thể tránh khỏi tình trạng khai thác các sông ngòi- Sông Mêkông cũng như các sông trong nước. Tuy nhiên mong muốn hiện nay: trong khi khai thác như thế cần quan tâm đến các lợi ích khác như bảo vệ môi trường, nếu dân phải di cư cần đền bù cho tử tế, rồi phát triển nông nghiệp, thuỷ sản… Tất cả những bài học đó, quốc tế đều đã trải qua. Chính phủ Việt Nam cũng hiểu điều đó nhưng cũng có thể do thiếu tiền, hoặc hấp tấp, vội vàng đáp ứng áp lực của phát triển…Vụ việc Vedan là một bài học khá hay.

Tôi nghĩ môi trường được cải thiện để đỡ xấu đi là may rồi; chứ để sông bẩn thành sông sạch như Châu Âu e ra khó.

Tránh vết xe đổ

 Trẻ em Bangladesh nhặt rác tại một bãi rác trên bờ sông Buriganga ở Dhaka ngày 22 tháng 9, 2010. / AFP PHOTO / uz Zaman Munir

Tiến sĩ Nghiêm Đức Long, một chuyên gia về nước hiện giảng dạy tại Đại học Wollongong, Australia cũng đưa ra một số cảnh báo cần lưu ý trong phát triển nhằm bảo vệ nguồn nước:

Cần phải cân đối giữa khả năng tài chính và khả năng khoa học kỹ thuật trong phát triển để ngăn chặn ô nhiễm. Định hướng là qui hoạch trước, sau đó mới tính đến chuyện xử lý.

Cần phải chặn ngay từ đầu nguồn phát sinh ra ô nhiễm. Việt Nam và Trung Quốc đi con đường gần như nhau. Những điều mà Trung Quốc đang gặp, Việt Nam trong tương lai gần cũng sẽ phải trả giá như thế. Do đó Việt Nam phải rút ra bài học từ Trung Quốc.

Trước đây Trung Quốc không coi trọng vấn đề môi trường, nay họ phải đi ngược lại vấn đề và đã đẩy mạnh luật bảo vệ môi trường, cũng như qui trình bảo vệ môi trường. Việt Nam phải nghĩ đến biện pháp cân bằng vừa thu hút đầu tư, vừa không để hiện tượng hủy hoại môi trường xảy ra. Lý do vì khoản tiền để phục hồi môi trường sẽ cao hơn khoản tiền kiếm được; như thế tính ra lỗ. 

Bà Đỗ Hồng Phấn cũng cho biết những công tác mà tổ chức xã hội của bà thực hiện lâu nay tại Việt Nam:

Gần chục năm qua, chúng tôi nghiên cứu, phân tích những khó khăn và tồn tại trong vấn đề nước ở Việt Nam. Trước đây Việt Nam chuyên khai thác: làm đập, làm công trình cung cấp nước; thế nhưng công việc bảo vệ tài nguyên, môi trường ít làm khiến cho sông ngòi bị suy thoái.

Chúng tôi tiếp nhận được những kiến thức của quốc tế về ‘quản lý tổng hợp tài nguyên nước’. Từ đó chúng tôi góp ý kiến về chính sách cho chính phủ: có những ý kiến chính phủ nghe ngay, có những ý kiến năm bảy năm sau mới nghe. Nhóm chúng tôi đi hơi sớm so với các nhóm khác và kiên trì. Chúng tôi gắn được vấn đề quản lý lưu vực sông và tài nguyên nước.

Nhiều con sông trên thế giới không chỉ nằm trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia, mà có những con sông lớn đi qua điạ phận nhiều nước khác nhau. Nước và sản phẩm của dòng sông đó không chỉ dành cho cư dân một quốc gia mà nhiều người sống dọc chúng phải nhờ vào đó để sinh sống. Vấn đề chia sẻ nguồn nước, khai thác những nguồn tài nguyên từ những dòng chảy chung đó lâu nay cũng làm nảy sinh các tranh chấp giữa những nước khác nhau. Và nếu không khéo giải quyết có thể dẫn đến tranh chấp.

Ngày Thế giới các Dòng Sông được thiết lập hồi năm 2005; mỗi năm ngày này được tổ chức vào chủ nhật cuối của tháng chín. Đây là sinh hoạt quốc tế nhằm nêu cao giá trị của những dòng sông, với mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng đó của những dòng chảy trên trái đất.

Mọi người cần tham gia tích cực trong công tác bảo đảm sự trong lành cho các dòng sông thông qua nhiều hoạt động khác nhau để giữ gìn, dọn sạch, phục hồi, khơi nguồn dòng chảy…

Có thể ví những dòng sông như những mạch máu chạy khắp châu thân để nuôi sống nó. Máu huyết lưu thông tốt là dấu chỉ của một thân thể khoẻ mạnh, mạch máu tắc nghẽn là biểu hiện của bệnh tật có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong.