Home Tin Tức Thời Sự Chinh chiến và thuyền nhân Sonoma.

Chinh chiến và thuyền nhân Sonoma. PDF Print E-mail
Tác Giả: Giao Chỉ, San Jose.   
Chúa Nhật, 26 Tháng 9 Năm 2010 13:16

 Lời tri ân muộn màng 35 năm và lời chào đón cũng có 35 năm chậm trễ.

   

  
                                                                      
Chuyến đi 35 năm xưa.

Ngày 30 tháng 4-1975 Saigon thất thủ. Thương thuyền và tàu chiến của Hoa kỳ vào sát biển Vũng Tàu để cứu người di tản. Thuyền bỏ chạy tóe ra biển Ðông như lá tre.

Ngày 1 tháng 5 hải quân Việt Nam họp đoàn từ Côn Sơn bắt đầu chuyến hải hành vĩnh biệt. Ngày 5 tháng 5-1975 gần như không còn thuyền di tản. Biển Ðông im sóng. Gió đổi chiều trong nội địa, gió đổi chiều giữa trùng khơi. Hạm đội 7 lui ra hải phận quốc tế. Thuyền di tản không còn nữa. Ðến lượt con thuyền vượt biên đầu tiên rời khỏi bến Vũng Tàu ngày 10 tháng 5-75 chở 72 thuyền nhân. Trên con thuyền tìm tự do rất sớm có gia đình thiếu tá Hà Tôn Ðông, chủ tịch hội đồng tỉnh Bình Tuy. Người thanh niên gốc hàng hải thương thuyền, sinh quán Nghệ An, ra Bắc làm việc và đã lập gia đình tại Hà Nội. Năm 1954 di cư, mới đem vợ con Nam tiến. Sanh cô con gái tại Huế đặt tên Kim Chi. Cô gái thứ ba đã có lúc sống tại Hàm Tân và đi học chương trình Pháp tại Saigon. Ngày 10 tháng 5-1975 trên chuyến thuyền vượt biên rất sớm, Kim Chi trở thành cô gái thuyền nhân 17 tuổi.

   

35 năm sau, Kim Chi hiện là chủ nhân nhà hàng GOJI tại Santa Rosa, đồng thời là một học giả về y học đông phương, chuyên khoa German Biological Medicine. Nhân danh chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại quân Sonoma Kim Chi đứng ra đọc diễn văn trong ngày khánh thành triển lãm về người chiến binh trong chiến tranh Việt Nam tại thị xã Petaluma.

Trong suốt hai tháng mở ra cuộc triển lãm đầu tiên về đề tài này tại quận hạt miền Bắc vịnh Cựu Kim Sơn, ban tổ chức đã ghi dấu 4 lần đặc biệt. Khai mạc ngày thứ năm,16 tháng 9-2010. Diễn hành ngày thứ bẩy 25/9/2010. Tiếp đến ngày truyền thống Việt 24/10/2010 và sau cùng là ngày bế mạc 28-10-2010.

Trong ngày khai mạc cô gái thuyền nhân năm xưa đã được CBS phỏng vấn đưa lên phần tin tức, qua đến ngày diễn hành, Kim Chi lại có dịp nhân danh Sonoma Vietnamese Association, cám ơn các cựu chiến binh Hoa Kỳ. Mặc khác các cựu chiến binh Mỹ và thành phố Petaluma lại ngỏ lời chào đón cộng đồng Việt Nam tại địa phương.

Lời tri ân muộn màng 35 năm và lời chào đón cũng có 35 năm chậm trễ.

  

Sonoma là chỗ nào:

Nói đến California là phải nói đến hai miền Nam Bắc.Tại miền Bắc có vùng đất danh tiếng gọi là vịnh Cựu Kim sơn. Ðây là khu đất có 9 quận hạt bao quanh thành phố San Francisco ngó ra Thái Bình Dương. Quận Santa Clara nằm ở phía Nam vịnh và quận Sonoma nằm ở phía Bắc vịnh. Thành phố San Francisco nằm chính giữa. Quận Santa Clara với San Jose nổi danh vì điện tử trên thế giới đã được nhiều người biết đến. Nhưng đa số anh em chúng ta không biết nhiều về quận Sonoma với thị trấn chính là Santa Rosa. Nếu Santa Clara có 15 thành phố thì Sonoma cũng có đến 19 thị xã nhỏ và rất nhỏ. Trong đó có Petaluma với 60 ngàn dân nằm bên cạnh xa lộ 101 trên đường đi lên Santa Rosa. Người Việt tại Santa Clara có trên 120 ngàn dân thì người Việt tại Sonoma chưa tới 2,000 người. Nhưng tại đây hiện có một hội đoàn đại diện duy nhất của người Việt quy tụ chừng 20 đoàn viên hăng hái tích cực. Hội này có tên là Sonoma Vietnamese Association và do cô gái cựu thuyền nhân làm chủ tịch.

Thuyền nhân may mắn

Khi chuyến tàu vượt biên 72 người ra khơi ngày 10/5/1975 cô bé vẫn còn nhớ những kỷ niệm hãi hùng trên con tàu vô định. Tàu ra khơi chạy được vài ngày thì cháy máy. trôi gịat trên biển Ðông và sau cùng gặp dàn khoan ESSO. Một sự tình cờ hãn hữu, vị thiếu tá thân phụ của cô gặp người Mỹ quen biết tại Việt Nam và ông đã xin phép cho tàu của dàn khoan kéo thuyền vượt biên về hải phận Singapore. Ðây là đợt thuyền nhân đầu tiên tại trại tỵ nạn Tân gia Ba. Từ đó thuyền nhân được bốc vào Mỹ. Gia đình cô về tạm trú tại Fort Chaffee tiểu bang Arkansas. Gặp dịp may, trường Adams State College tại Alamosa, Colorado dành 50 học bổng cho học sinh tỵ nạn. Kim Chi với khả năng sinh ngữ Pháp đã được chọn và cô từ biệt gia đình để trở thành sinh viên của một đại học miền núi tiểu bang Colorado. Còn lại gia đình về định cư tại Philadelphia. Sau 2 năm tại Colorado, Kim Chi về học tiếp tại Georgetown trên DC và tốt nghiệp văn bằng cử nhân về ngữ học với 4 sinh ngữ Việt, Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Với khả năng sinh ngữ và ước vọng làm việc xã hội, Kim Chi gia nhập tổ chức ICM và đồng thời cũng học tiếp chương trình cao học về giáo dục song ngữ tại đại học San Francisco. Trong suốt thời gian làm việc cho ICM (International Committee for Migration), cô đã có cơ hội phối hợp các nhân viên tình nguyện, tổ chức đón các chuyến bay của di dân và tỵ nạn đến từ mọi nơi với nhịp độ 14,000 người một tháng. Những tỵ nạn Việt Nam đến phi trường SF đầu thập niên 80 tay cầm bao plastic trắng có chữ ICM mầu xanh lá cây, có thể được coi là nằm trong phạm vi trách nhiệm của cô cựu thuyền nhân 75. Tuy nhiên tham vọng học thêm để hoạt động xã hội đã đưa Kim Chi vào con đường mới. Cô quyết định ở lại San Francisco để ghi tên học thêm về Ðông y. Tại sao? Kim Chi sẵn sàng có câu trả lời dài bằng cả một bài diễn văn tốt nghiệp.

Hiện nay cô có văn phòng chuyên khoa về đông y. Cô là cố vấn và đồng thời là người đi diễn thuyết về các vấn đề phối hợp giữa Ðông và Tây y. Phần Ðông y của Kim Chi thường đi theo khuynh hướng của y khoa Ðức quốc, nơi cô đã đến tu nghiệp nhiều lần và rất hâm mộ. Vì mối tơ duyên với y khoa Ðức, cô đã học và xử dụng được một phần ngôn ngữ của họ. Xuất thân là một sinh viên tốt nghiệp BS rồi MS về ngữ học và giáo dục nhưng Kim Chi lại luôn luôn nói đến khoa học Ðông phương với huyệt đạo, kinh mạch, âm dương, ngũ hành và phong thủy. Nhiệt thành trong công việc xã hội, với khả năng đa ngôn ngữ và chuyên viên về châm cứu, kinh mạch, cô trở thành vị chủ tịch cộng đồng Việt Nam nhỏ bé tại Sonoma và bắt đầu lên đường hội nhập.

Triễn lãm Viet Vet tại Petaluma.

Một cơ hội hữu hãn vừa đến tay. Viện Bảo Tàng nhỏ bé của thị xã tỉnh lẻ Petaluma muốn mở ra các chương trình độc đáo hấp dẫn du khách và đánh thức cả thành phố.

Lần trước họ đã dành ra mấy tháng triển lãm về danh ca Elvis Plesley rất thành công. Lần này ban tổ chức dự trù dành hai tháng triển lãm về người chiến sĩ trong chiến tranh Việt Nam. Người ta nghĩ đến cộng đồng Việt Nam. Các cựu chiến binh Mỹ tại địa phương sẵn sàng thông báo các chiến binh từ khắp tiểu bang về triển lãm. Nhưng tại Sonoma dân Việt chẳng có bao nhiêu, lấy gì để bày hàng. Nếu không có hàng bày ra thì các ông VietVet Hoa Kỳ sẵn sàng đem hình ảnh của Việt cộng ra triển lãm. Một thành viên của hội cộng đồng Việt Nam Sonoma đã tìm ra Viện Bảo Tàng Việt tại San Jose. Ðây là viện bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa. Lập tức một phái đoàn từ Petaluma cùng với ông giám đốc bảo tàng Hoa kỳ về thăm khu công viên Kelley Park. Một thỏa hiệp tức thời được hoàn tất. Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose chấp nhận cho mượn tất cả mọi tác phẩm để người Việt quận Sonoma đóng góp vào cuộc triển lãm trong hai tháng. Thiện chí của hội đoàn Việt Nam, một tổ chức gần như duy nhất của người Việt tại miền đất Cali bên kia cầu Golden Gate rất đáng được yễm trợ vô điều kiện. Ngày 16 tháng 9-2010 khai mạc phòng triển lãm đã có hãng truyền hình Hoa kỳ CBS và các đài Radio đến quay phim, phỏng vấn.

  

Tin tức đưa lên khắp miền Tây nước Mỹ. Từ quận hạt nhỏ bé Sonoma người ta đã nhớ đến cựu chiến sĩ Hoa kỳ ra sao. Họ cũng chợt nhìn thấy một cộng đồng Việt Nam nhỏ bé luôn luôn có mặt. Cũng là lần đầu tiên lá cờ quốc gia của miền Nam Việt Nam treo lên tại Petaluma Museum .

Một lần nữa, xin nhớ rằng ở đây không có cả rừng người đông đảo với tràn ngập cờ Vàng rực rỡ. Chỉ có hơn 150 quan khách và trong đó cũng chỉ có hơn 15 người Mỹ gốc Việt.

Một buổi lễ đơn giản, số quan khách giới hạn, trong một viện bảo tàng rất cổ kính nhưng nhỏ bé, hình ảnh của chiến tranh Việt Nam 35 năm trước được ghi lại.

Cùng ngồi trên chiếc ghế bố nhà binh, cô gái đại diện cộng đồng Việt Nam lên tiếng cảm ơn người cựu chiến binh Hoa Kỳ. Ðáp lại, anh chiến binh Mỹ ngày xưa gầy ốm nay đã trở thành vị cao niên to lớn cất tiếng chào mừng cộng đồng Việt qua hình ảnh một cô gái cựu thuyền nhân. Hình ảnh chiếu lên TV Mỹ, đưa vào phòng khách của mọi nhà miền Bắc vịnh Cựu kim Sơn. 35 năm sau, việc hội nhập thật sự mới bắt đầu.

Cuộc diễn hành đơn giản.

Lúc 12 giờ trưa ngày thứ bẩy 25 tháng 9 năm 2010 từ cây xăng Shell góc đường Lake ville thị xã Petaluma, đoàn xe mô tô của cựu chiến binh Mỹ khởi sự. Sẽ đi qua Visitor Center rồi đến Walnut Park. Tại công viên này có ghi dấu danh tích 15 thanh niên Petaluma đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam. Những lá cờ sẽ rủ xuống, những nén nhang được đốt lên bởi Kim Chi, cô gái thuyền nhân 17 tuổi năm xưa và ngày nay là đại diện cộng đồng Việt Nam. Sau lễ dâng hương. Ðoàn diễn hành nhỏ bé của một thị trấn rất nhỏ bé sẽ tiến về viện bảo tàng Petaluma. Nơi đây trưng bày cuộc triển lãm hai tháng với chủ đề người lính trên chiến trường Việt Nam. Tại đây là phần chính của ý nghĩa buổi họp mặt mang danh hiệu rất đặc biệt “Welcome home, Welcome here”.

Lời chào mừng chiến binh trở về dành cho người lính Mỹ. Chào mừng bà con đã đến đây dành cho người Việt Nam. Cuộc diễn hành và hội họp mang tính chất tỉnh lẻ nên chúng tôi sẽ không dùng những tĩnh từ lớn lao như hoành tráng, đông đảo, huy hoàng hay thành công rực rỡ. Ban tổ chức cho biết dự trù số người tham dự sẽ đếm trên đầu ngón tay từ lúc bắt đầu và vào khoảng tối đa là hơn 100 người khi đến lúc cao điểm.

Ý nghĩa của con đường hội nhập.

Câu chuyện người Việt tại Sonoma là hình ảnh tiêu biểu của các cộng đồng tỵ nạn trên khắp nước Mỹ, không phải chỉ riêng Petaluma của miền Bắc Cali. Chúng ta đang có hàng ngàn Petaluma khắp nước Mỹ. Khu Little Saigon danh tiếng của người Việt tại Orange County có giá tri đặc thù của người Việt tại hải ngoại nhưng thực sự vẫn chỉ là một ghetto nhỏ bé trong lòng Hiệp chủng Quốc.

Các chính khách Hoa Kỳ đến với Little Sagon vì lý do gì thì chúng ta đã biết. Nhưng người dân Mỹ không tìm đến Little Saigon, như các du khách đến Chinatown. Vì vậy dù muộn màng nhưng con đường hội nhập phải nằm trong tay những cộng đồng Việt Nam thật nhỏ bé như Petaluma. Những người dân Việt lẻ loi tại Sonoma khi ngồi lại gần nhau, cần được Bolsa hay San Jose yểm trợ để vươn lên trong lòng cộng đồng rộng lớn của đại xã hội Hoa kỳ. Phải giữ mãi nguồn gốc thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa.

Cuộc chiến để sinh tồn vẫn còn tiếp tục 35 năm sau. Kể từ chuyến đi ngày 10/5/1975 của cô gái Kim Chi, từ giã sinh quán xứ Huế, Hàm Tân , Saigon, và Vũng Tàu. Hội đoàn nhỏ bé của Sonoma Vietnamese Association lại sẵn sàng lên đường. Vũ khí ngày nay San Jose trang bị cho Petaluma là những bức tranh, lá cờ và các di sản biểu tượng nhỏ bé như bằng lái quân xa của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Mục tiêu trước mặt là chinh phục lòng người. Bằng di sản lịch sử, bằng tình thân hữu, bằng lời chào mừng rất muộn màng, bằng những nén nhang đốt cho người tử sĩ, cộng đồng nhỏ bé Somona sẽ bước tiên phong trên con đường hội nhập. Ðó là con đường sẽ đem đến niềm hạnh phúc dân sinh cho người Việt tại Hoa Kỳ và dân quyền cho người Việt tại quê nhà.

 

  Giao chỉ, San Jose.
  This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it