Các tài liệu hé lộ cuộc khủng hoảng con nuôi Việt – Mỹ |
Tác Giả: Nguyễn Trung / VOA |
Thứ Sáu, 24 Tháng 9 Năm 2010 10:08 |
Thưa quý vị, hồi năm 2008, Washington và Hà Nội đã ngưng gia hạn một thỏa thuận cho nhận con nuôi sau khi phía Hoa Kỳ phát hiện các ‘sai phạm’ mà Việt Nam cho là ‘không xác đáng’. Viện Báo chí Điều tra Schuster thuộc Đại học Brandeis của Hoa Kỳ mới đây đã công bố một cuộc điều tra về cuộc khủng hoảng con nuôi Việt – Mỹ, hé lộ những căng thẳng phía hậu trường. Mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này. Cuộc Điều tra của Viện Báo chí Điều tra Schuster Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội Thông tin từ hàng trăm trang tài liệu có được từ yêu tiếp cận thông tin theo Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act) cho thấy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ‘đã khám phá ra một sự tham nhũng có hệ thống trên toàn Việt Nam trong vấn đề cho nhận con nuôi’. Bà E.J. Graff, Phó Giám đốc đồng thời là nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Báo chí Điều tra Schuster, cho VOA Việt Ngữ biết, qua các thông tin bà thu nhận được, nhiều người từ cơ quan quản lý vấn đề giao nhận con nuôi, các trung tâm trẻ mồ côi, bệnh viện, giới chức chính phủ Việt Nam đã ‘hưởng lợi’ từ các vụ giao nhận con nuôi ‘không minh bạch’ cho các công dân Mỹ vốn không mảy may nghi ngờ về các tiêu cực. Bà nói: ‘Tôi thật sự bất ngờ khi Đại sứ quán Mỹ (ở Hà Nội) tin rằng phần lớn các em nhỏ trong các vụ nhận con nuôi ở Việt Nam có liên quan tới việc lừa đảo, thậm chí là bị ép buộc hay cả bị bắt cóc. Họ không nói rõ là bao nhiêu em bị bắt cóc, nhưng có lẽ chỉ có vài em. Họ nói rõ trong các tài liệu, mà tôi xin trích: ‘Một bệnh viện thực chất đã bắt cóc các trẻ sơ sinh bằng cách không cho các em xuất viện chừng nào cha mẹ các em chưa trả khoản tiền viện phí lớn. Khi viện phí không được trả, bệnh viện tuyên bố các em nhỏ đã bị bỏ mặc, và các em bị đưa đi nhận làm con nuôi mà không được sự đồng thuận của cha mẹ các em’. Theo bà Graff, các tài liệu cho thấy, ngay sau khi hai bên ký hiệp định cho nhận con nuôi hồi năm 2005, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội đã thấy ‘một sự gia tăng đáng ngờ các vụ trẻ nhỏ bị bỏ rơi tại các trại trẻ mồ côi có ký hợp đồng với các cơ quan môi giới con nuôi quốc tế’. Nhà nghiên cứu này nói rằng báo cáo của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết đã ‘phát hiện ra các ngôi nhà được coi là an toàn nơi các phụ nữ được cung cấp chỗ ăn ở, chi phí y tế và tiền bạc để ‘bắt đầu một cuộc sống mới’ và ‘các phụ nữ phải ký vào cam kết từ bỏ con mình và thường bị tách khỏi con ngay sau khi sinh’. E.J. Graff Bà Graff cho VOA Việt Ngữ biết rằng Viện Báo chí Điều tra Schuster đã nghiên cứu hàng trăm trang tài liệu có được từ yêu cầu tiếp cận thông tin theo Đạo luật Tự do Thông tin. Báo cáo viết: ‘Thật bi kịch, trong một số trường hợp, các phụ nữ này được cho biết rằng con họ sẽ được cho làm con nuôi trong nước và sẽ trở về nhà khi các em 11 tuổi’. Các tài liệu cũng cho thấy các giới chức Việt Nam đã ‘ngăn cản đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tới điều tra về nguồn gốc của các trẻ mồ côi tại 17 trong số 63 tỉnh của Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2007 tới năm 2008’. Theo bà Graff, nhiều giới chức Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối Hoa Kỳ tiến hành các điều tra hình sự tại Việt Nam, tới mức mà các nhà điều tra đôi khi ‘lo ngại cho sự an toàn của họ’. Một điều tra viên thậm chí còn không được cấp visa vào Việt Nam. Nhà nghiên cứu này nói: ‘Các tài liệu cho thấy, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và sau đó là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã liên lạc và trao đổi với các giới chức Việt Nam thuộc các cấp khác nhau về vấn đề lừa đảo trong việc cho nhận con nuôi, trong một số trường hợp có thể cấu thành tội hình sự cũng như cả chuyện tham nhũng của giới chức mà họ phát hiện được. Họ đã yêu cầu ông Vũ Đức Long Cục trưởng Cục con nuôi quốc tế (Bộ Tư Pháp) điều tra một số vụ việc họ đã điều tra ra, nhưng theo các tài liệu, Cục con nuôi quốc tế lại che giấu điều mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho là các sai phạm về mặt thủ tục. Nói một cách khác, Cục con nuôi quốc tế không điều tra về các vấn đề lừa đảo và phạm tội, và nói Cục này chưa bao giờ ghi nhận các vấn đề như vậy trong các trường hợp cho nhận con nuôi quốc tế’. Theo bà Phó Giám đốc Viện Báo chí Điều tra Schuster, hồi cuối năm 2007, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tận dụng chuyến công du của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Maura Harty tới Việt Nam để trao đổi với các giới chức cấp cao của Việt Nam về cuộc khủng hoảng con nuôi. Các tài liệu cho hay, bà Harty đã ‘mạnh mẽ trình bày về việc Đại sứ quán Mỹ đã phát hiện ra các vụ mua bán trẻ em’, và nhấn mạnh rằng đây là điều Hoa Kỳ ‘không thể dung thứ’. Giới chức Hoa Kỳ cũng ‘thúc ép Việt Nam thông qua và triển khai Công ước La Haye về nhận con nuôi liên quốc gia’, một hiệp ước quốc tế quan trọng nhằm quản lý vấn đề con nuôi. Bà Graff cho hay, các giới chức Hoa Kỳ cũng liên tục hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam soạn thảo và thi hành luật về con nuôi. Tuy nhiên, theo quan điểm của Đại sứ quán Hoa Kỳ, ‘các giới chức Việt Nam không những không theo đuổi vấn đề này, mà còn giúp đỡ, thay vì trừng phạt những kẻ mua bán trẻ em’. Nhà nghiên cứu này nói với VOA Việt Ngữ: ‘Tôi tin rằng các giới chức Hoa Kỳ thường xuyên đưa ra các bằng chứng về các sai phạm trong các vụ giao nhận con nuôi. Phía Hoa Kỳ rốt cuộc tuyên bố họ không thể gia hạn biên bản ghi nhớ song phương, theo đó các công dân Mỹ có thể nhận các trẻ em Việt Nam làm con nuôi, nếu các vấn đề họ nêu ra không được giải quyết. Chính phủ Việt Nam sau đó cũng tuyên bố không gia hạn bản ghi nhớ này’. Bà Graff cho rằng các giới chức Hoa Kỳ ‘không có đủ các công cụ cần thiết để ngăn chặn những kẻ đánh cắp trẻ em, trong khi vẫn tiếp tục cho phép tiến hành các vụ cho nhận con nuôi hợp pháp’. Rốt cuộc, Đại sứ Michael Michalak gửi về Washington một kết luận, xin trích: ‘Các giới chức (Việt Nam) rõ ràng đã rất bối rối về các thông tin từ các cuộc điều tra của bộ phận lãnh sự, nhưng thay vì giải quyết các vấn đề cơ bản trong đó có tình trạng tham nhũng và buôn bán trẻ em, họ lại ngăn cản các giới chức lãnh sự làm nhiệm vụ… Điều này đã buộc chúng ta vào một tình thế không thể biện hộ được. Chúng ta không thể tiếp tục Hiệp định hiện thời trong các điều kiện như vậy’. Theo Viện Báo chí Điều tra Schuster, trong khoảng thời gian từ 2006 tới 2009, các công dân Hoa Kỳ đã nhận nuôi tổng cộng hơn 2.200 em nhỏ từ Việt Nam.
|