Home Tin Tức Thời Sự Obama : nhiều thành viên thân cận đồng loạt ra đi

Obama : nhiều thành viên thân cận đồng loạt ra đi PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 23 Tháng 9 Năm 2010 11:39

Đây thật sự là một tình trạng hỗn loạn.

Với hàng tựa "Các bộ não rời khỏi Nhà trắng", báo Libération hôm nay chú ý đến sự ra đi của một số nhân vật chủ chốt trong bộ phận tham mưu kinh tế của tổng thống Mỹ. 6 tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, " đây thật sự là một tình trạng hỗn loạn", Libération nhận xét.


Nhiều thành viên ban cố vấn tổng thống chuẩn bị rời Nhà Trắng (©Reuters)

Larry Summer, nhân vật sáng chói, người đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế chính sách kinh tế của Barack Obama, tuyên bố sẽ rời khỏi Nhà Trắng cuối năm nay để trở lại trường đại học Havard.

 Ông Larry Summer là người kế nhiệm ông Peter Orszag, giám đốc cơ quan quản lý ngân sách của tổng thống và tiếp theo đó là chức vụ phụ trách nhóm các nhà tư vấn kinh tế của tống thống do bà Christina Romer đảm nhiệm.

Cùng với ông Larry Summer, chánh văn phòng của tổng thống Mỹ, Rahm Emanuel, cũng chuẩn bị ra đi, có thế ngay vào đầu tháng 10, để ứng cử vào chức thị trưởng Chicago. Một người phụ trách khác của ngành ngân hàng Herbert Allison, cũng mới đưa đơn từ nhiệm ngày hôm qua.

Vào thời điểm mà tổng thống Barack Obama hứa hẹn tập trung nỗ lực vào việc chấn hưng kinh tế, tờ New York Times đánh giá việc ra đi này như là một « cuộc tháo chạy » khỏi Nhà Trắng, còn các phương tiện truyền thông khác thì nói đến không gian quyền lực tại Washington bị bỏ trống.

Một trong các sai lầm chiến thuật mà dư luận Mỹ rất trách cứ êkíp của Obama là đã đưa ra các dự đoán quá lạc quan về việc đẩy lùi nạn thất nghiệp và mức độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Vào tháng giêng năm 2009, khi mà dự án chấn hưng kinh tế đang còn đang trong giai đoạn tranh luận, êkíp của tổng thống đã đưa ra mục tiêu giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8%.

Các chuyên gia của tổng thống khẳng định, nếu không có chương trình này, thất nghiệp sẽ còn có thể lên đến 9%, trong khi đó, với chương trình 787 tỷ đô la, thất nghiệp đã leo đến tận 9,6%. Mặc dù, Nhà Trắng giải thích rằng nếu không có chương trình chấn hưng này, thì không thể cứu được hay tạo ra được 2 triệu việc làm cho người Mỹ, nhưng giải thích đó không thật thỏa đáng.

Trước bước ngoặt quan trọng này, quyết định nhân sự của tổng thống Obama là hết sức quan trọng. Hiện nay, có nhiều trông đợi khác nhau về vấn đề này. Một nhà hoạt động công đoàn và đồng sáng lập Progressive Change Campaign thì cho rằng người kế nhiệm ông Larry Summer phải là "nhà đấu tranh vì quyền lợi của những người lao động bình thường, chứ không phải của các ông trùm tư bản phố Wall Street".

Ngược lại, cựu cố vấn của tổng thống Bill Clinton, hiện nay là một chuyên gia của Brookings (một trong các think-tank lâu đời nhất của nước Mỹ), cho rằng Obama phải lợi dụng cơ hội này để xiết lại chi phí. Và như vậy, tổng thống cần phải chọn được một ứng cử viên là "người bênh vực" chính sách thuế ôn hòa, có khả năng đối thoại được với đảng Cộng hòa, nhất là khi họ nắm được quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ.

Dù sao chăng nữa, Libération nhận định, Obama không có quyền phạm sai lầm. Người kế nhiệm ông Summer phải tạo ra được một thực tế kinh tế thuận lợi cho việc ứng cử lần nữa của tổng thống Mỹ năm 2012.