Home Tin Tức Thời Sự Cứ dính đến biển đảo, Bắc Kinh hành xử lẫn lộn

Cứ dính đến biển đảo, Bắc Kinh hành xử lẫn lộn PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 23 Tháng 9 Năm 2010 09:49

HONGKONG (TH) - Cùng là các tranh chấp chủ quyền biển đảo, một bên là Trung Quốc với Nhật Bản, một bên là Trung Quốc với Việt Nam,

Bắc Kinh đã hành động hoàn toàn trái ngược nhau.

Ngư dân Việt bị Hải Quân Trung Quốc cướp của và giết chết trên vịnh Bắc Việt hồi đầu năm 2005. Thi thể được ướp đá trong một cái thuyền thúng để mang về cho gia đình. (Hình: Internet)

Một bài phân tích của tuần báo Anh ngữ South China Morning Post (SCMP) ở Hongkong cho người ta thấy sự thật như thế.

Khi bị Nhật bắt giữ thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá bị cáo buộc đâm thẳng và tàu tuần của Nhật ở khu vực đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư Ðảo) đang tranh chấp, Bắc Kinh đòi Tokyo phải thả ngay lập tức và vô điều kiện. Một tuần lễ, đại sứ Nhật ở Bắc Kinh đã bị triệu tới Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tới 5 lần để đòi thả người.

Trường hợp của thuyền trưởng bị Nhật bắt giam chỉ là trường hợp duy nhất mà Bắc Kinh làm ầm ỹ, trong số mấy trăm ngư dân Trung Quốc bị các nước khác trong khu vực giam giữ trong khoảng 18 tháng qua. Cũng nên nói thêm, một số những tàu đánh cá khác đã bị tàu tuần Nhật đâm chìm, cá đánh được thì bị tịch thu.

Khi ký giả Greg Torode của SCMP đặt câu hỏi với một sinh viên Trung Quốc mà ông quen, người này trả lời rằng: “Tôi không thể tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao. Sẽ có sự tức giận cao độ với chính phủ Nhật mà tôi không tin có người Nhật nào lại an toàn trên đất Trung Quốc.”


Ngư dân bị thương nặng khi tàu đánh cá của họ bị một chiếc “tàu lạ” đâm chìm rạng sáng ngày 16 tháng 7 năm 2009 trong lúc hầu hết mọi người đang ngủ ở gần quần đảo Hoàng Sa. (Hình: VNExpress)
 
Hôm Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010, Ôn Gia Bảo, thủ tướng Bắc Kinh, lập lại lời đòi hỏi Nhật phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho người thuyền trưởng, lại còn coi đó là hành động “bất hợp pháp.” Nhật thì từ trước đến nay vẫn tuyên bố cái tầu đánh cá Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ Nhật, cố tình đâm vào tàu tuần của Nhật và sẽ phải ra tòa theo luật lệ Nhật.

Nhưng ở phía Nam, nơi có sự tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam, Trung Quốc chơi bạo chứ không phải chỉ đòi áp lực thả người bằng các áp lực chính trị.

Hàng trăm ngư dân Việt Nam đã bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm hay bắt giữ ở các vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa. Cả Việt Nam và Trung Quốc để tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này cũng như quần đảo Trường Sa còn đang có sự tranh chấp với một số nước khác trong khu vực.

Việt Nam đang có lực lượng trấn giữ tại nhiều đảo nhất trong quần đảo Trường Sa, nhưng quần đảo Hoàng Sa thì đã bị Trung Quốc cướp từ tháng 1, 1974. Một chiến hạm của VNCH đã chìm trong trận hải chiến bảo vệ quần đảo này, hạm trưởng tuẫn tiết theo tàu.

Hà Nội đã phản đối nhiều lần về những vụ bắt giữ này nhưng không có mấy tác dụng. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền đã bị Hà Nội ngăn chặn.

Theo SCMP, cách hành xử của Bắc Kinh là áp đặt theo công thức “làm theo lời tao nói, chứ đừng làm như tao,” tức cái trò kẻ mạnh hiếp yếu. Không một nước nào dường như muốn kềm chế Trung Quốc nhưng chắc chắn họ cũng không muốn để Trung Quốc trở thành siêu cường duy nhất ở khu vực.

Cân bằng quyền lực ở khu vực là cái nhiều nước đang muốn thúc đẩy. Người ta nghe thấy lời tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương lên tiếng báo động về tai họa mà các người ngư phủ Việt Nam phải chịu đựng.

Tàu đánh cá mang số QNg 96516 TS của ông Dương Thành Phú bị một chiếc “tàu lạ” đâm chìm rạng sáng ngày 9 tháng 3 năm 2010 trong lúc hầu hết mọi người đang ngủ. (Hình: Tiền Phong)

Hậu quả? Trước thái độ không muốn đứng ngoài, Hoa Kỳ đã được mời đóng một vai trò trong cuộc họp của ASEAN mở rộng vào tháng 10 tới đây. Thay vì chỉ có thêm Nhật, Hàn và Trung Quốc, lại còn có sự tham dự cả Hoa Kỳ và Nga.

  Người ta chờ xem những gì sẽ xảy ra ở Hà Nội vào tháng tới, nhưng bây giờ, ngày Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh vẫn còn cảnh cáo là Hoa Kỳ không nên can dự vào chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông.

Trong khi đó thì Bắc Kinh vẫn tiếp tục áp lực chính trị mạnh mẽ lên Tokyo để đòi phải thả thuyền trưởng của họ. Nếu không được thả, Ôn Gia Bảo dọa rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa. Rất nhiều công ty Nhật đầu tư sản xuất ở Trung Quốc cũng đang đợi xem kết cục của việc bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc.

Nhiều ngư dân Việt Nam bị đâm chìm tàu chết trên biển, có người còn bị bắn chết và đem xác về đảo Hải Nam, hàng trăm ngư dân Việt bị bắt trong những năm qua, không thấy Hà Nội cứng rắn đòi hỏi.