Hướng về tương lai với “Niềm Mơ Ước của Mẹ” |
Tác Giả: Tường An, thông tín viên RFA |
Thứ Tư, 22 Tháng 9 Năm 2010 11:58 |
Tượng đài ở Pháp.
Hôm 12/9, đã diễn ra lễ khánh thành Tượng đài thuyền nhân “Niềm Mơ Ước của Mẹ” tại bùng binh Sài Gòn tọa lạc tại ngã tư đại lộ André Malraux và đại lộ Genêts, TP. Bussy Saint Georges, Tỉnh Marne la Vallée, cách Paris 30km.
Mặc dù buổi lễ diễn ra tốt đẹp, nhưng do những hoàn cảnh khá tế nhị của cộng đồng người Việt tại Pháp nên cũng đã có nhiều tranh cãi trước và sau ngày khánh thành Tượng đài này. Từ Pháp quốc, thông tín viên Tường An của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do gửi về bài tường trình sau đây. Tưởng niệm thuyền nhân Ông Hugues Rondeau, thị trưởng thành phố Busy Saint George đã đồng ý. Và kể từ ngày đó, những cuộc vận động, kêu gọi đóng góp được thực hiện và kết quả là ngày 12 tháng 9 năm 2010, tượng đài kỷ niệm thuyền nhân với cái tên “Niềm Mơ Ước của Mẹ” đã được ra mắt trước đông đảo người tham dự. “Tượng có cái tên là “Niềm Mơ Ước của Mẹ” (La rêve de la Mère), mình muốn nói lên niềm mơ ước của người Mẹ đối với 1 đứa nhỏ./ Ô. Vũ Đình Lâm Ông Trinh Nghĩa, chủ tịch hội Bussy Sài Gòn, cho biết 4 thông điệp mà ông muốn nhắn gửi qua việc thành lập tượng đài như sau: Thông điệp thứ nhất tưởng niệm thuyền nhân, thứ nhì là tri ân người Pháp, thứ ba là cho những thế hệ sau này đừng có quên sự hy sinh của bậc Cha Mẹ đã ra đi và thứ tư là chứng tỏ tình hội nhập của người Việt Nam đã đóng góp vô 1 thành phố với 1 bức tượng mỹ thuật rất đẹp. Điêu khắc gia Vũ Đình Lâm, tác giả của bức tượng “Niềm mơ ước của Mẹ” cho biết ông đã cưu mang ý tưởng này trên 10 năm, ý nguyện của ông là muốn gửi gấm trong tác phẩm của mình niềm thương yêu, ước mơ của cha mẹ mong cho con mình được tiến lên, được bay xa trong tương lai đồng thời cũng gửi lại cho nước Pháp một món quà như lòng biết ơn sâu xa của một đất nước đã cưu mang mình, ông Vũ Đình Lâm giải thích thêm: Tượng có cái tên là “Niềm Mơ Ước của Mẹ” (La rêve de la Mère), mình muốn nói lên niềm mơ ước của người Mẹ đối với 1 đứa nhỏ. Bởi vì người Mẹ bế đứa con muốn cho nó bay cao, bay xa và bay tới chân trời rộng lớn cho đứa con đó – trong cái ý tưởng như vậy! Gói ghém tất cả những ý tưởng về tương lai cho thế hệ sau này. Vì đây là 1 đất nước hội nhập, mình sống trên nước Pháp mình phải hội nhập, mình làm một cái gì đó cho nước Pháp. Tôi muốn làm cái bức tượng này để cám ơn nước Pháp nữa! Chất liệu dùng đúc tượng bằng đồng nâu, màu nâu tượng trưng cho người Việt Nam. Ngoài ra, bức tượng còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng: con thuyền được cách điệu nằm trong hình ảnh người Mẹ. Thân thể người mẹ là hình ảnh một cánh buồm, qua vạt áo tung bay trước gió, toàn thân người mẹ trong một tư thế lướt tới, hai tay nâng đứa con lên cao hướng về phía trước, như hướng về tương lai.
Khuôn mặt người mẹ được cách điệu không cho thấy các chi tiết, đó là một gương mặt không thấy có mắt, mũi, chỉ là một hình thể trái soan, mục đích để cho mọi người có thể hình dung ra hình ảnh của chính người mẹ mình trong đó. Tuy nhiên, một số tham dự viên nhận xét cho rằng bức tượng không mang một đường nét nào của người phụ nữ Việt Nam, không phải là chiếc áo dài và cũng không phải là chiếc áo tứ thân? Nhất là dáng dấp của một người mẹ Việt Nam bồng đứa bé. Động tác đưa đứa bé lên cao và ra xa khác với động tác ôm đứa bé vào lòng mẹ âu yếm như các bà mẹ Việt Nam vẫn thường làm. Và tượng thuyền nhân mà không thấy chiếc thuyền, cũng không thấy thuyền nhân ở đâu cả. Trả lời những thắc mắc này, Điêu khắc gia Vũ Đình Lâm giải thích: Tại vì thuyền nhân là trong lịch sử, đó là cái mémoire (trí nhớ) mà tôi nhìn theo góc độ khác, tôi vượt lên trên, tôi không quên lịch sử nhưng mình phải đi lên trên, mình nhìn thấy hướng tương lai. Cái biểu trưng là 1 người Mẹ một hình ảnh, một cái tượng hay 1 bức tranh mà cứ vẽ cái thảm cảnh thì mình nhìn thấy không có lạc quan. Tôi nhìn ở góc độ đi lên, chính vì vậy mà tôi gói ghém tất cả những cái lịch sử ở bên trong. Khi bà Mẹ bồng con bay, bỗng tôi nhìn thấy hướng tương lai. Một số hạn chế Điểm gây ra nhiều tranh cãi trước và cũng như sau buổi lễ khánh thành, đó là việc ban tổ chức đã không trương cờ Việt Nam cộng Hòa. Gần như là một thông lệ, trong hầu hết tất cả những buổi lễ chính thức của người Việt ở hải ngoại đều có sự hiện diện của lá cờ vàng ba sọc đỏ, nhất là trong dịp kỷ niệm những gì có liên quan đến thuyền nhân. Ông Trinh Nghĩa giải thích sự tế nhị của vấn đề như sau: Chúng tôi rất là yêu thương lá cờ mà chúng tôi đã được sinh ra, sống và lớn lên. Cái vấn đề là chính quyền Pháp không muốn có những khó khăn về bang giao đối với Việt Nam. Trước đây trong năm ngoái, thị trưởng cũng đã đăng một bài về sự tích của lá cờ này từ thời vua Bảo Đại. Thành phố không chống đối gì về lá cờ nhưng vì vấn đề bang giao với Việt Nam và họ yêu cầu chúng tôi đừng có trưng lên là vì sẽ làm phiền họ. Họ không có thể dứng chào cờ trước 1 lá cờ mà Liên Hiệp Quốc không công nhận. người Pháp cũng như Thị trưởng Hugues Rondeau và bà Dân biểu Chantal Brunel của Seine et Marne đã đóng góp công và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong vấn đề này. Thành ra chúng tôi nghĩ là không thể làm phiền họ. Chính vì lý do đó trong buổi lễ khánh thành officiel (chính thức) chúng tôi tránh cái vụ đó để đừng làm phiền chính quyền Pháp. Nhưng mà sau đó, khi mà ông thị trưởng và bà Brunel đã đi vào phòng trong để dùng ly trà thân mật thì ở ngoài chúng tôi và cộng đồng Việt Nam cũng đã trưng cờ lên và chụp hình đầy đủ. Nước Pháp là nơi có rất nhiều người Việt Nam đến trước năm 1975, nhiều sinh viên du học cũng như nhiều người có liên hệ với nhà cầm quyền đương đại. Tòa đại sứ Việt Nam luôn luôn đặt khá nhiều áp lực lên các sinh hoạt của người Việt tị nạn tại đây. Theo ông Trinh Nghĩa, có sự khác nhau giữa cộng đồng người Việt tại Pháp nói riêng cũng như tại các nước khác tại Âu Châu nói chung và cộng đồng người Việt tại Mỹ, Úc, ông nói:
Bên Âu Châu chúng tôi có một cái lăng kính, một lối nhìn khác bên Mỹ hoặc là bên Úc. Bên Mỹ người ta chấp nhận dễ dàng hơn những người thuyền nhân Việt Nam Cộng Hòa, có thể trương Quốc kỳ một cách dễ dàng là tại vì người Mỹ cảm thấy họ có trách nhiệm trên chiến cuộc. Còn bên Âu châu, người Pháp hay người Đức, người Bỉ hay người Thụy Sĩ họ không có 1 quan niệm như vậy. Họ chỉ nhìn về phía nhân đạo thôi. Họ không muốn gây xáo trộn hay xích mích gì với các cường quốc khác. Khi chúng tôi tổ chức, họ rất hoan nghênh. Từ trên phủ Tổng thống trở xuống đến ông Thị trưởng, chúng tôi không gặp một khó khăn gì cả. Cái sự khó khăn duy nhất mà chúng tôi gặp là sự khó khăn từ tòa đại sứ Việt Nam là lo sợ chúng tôi bạo động và gây ảnh hưởng. Chúng tôi đã cam kết rằng chúng tôi làm cái này với mục đích tưởng niệm thuyền nhân, và để những thế hệ sau này đừng có quên sự hy sinh của các bậc Cha Mẹ.Vậy thôi, thành ra là buổi lễ của chúng tôi đã thành công và tượng đài của chúng tôi được đặt ra mà không gặp một sự chống đối nào cả. Cũng nên nhớ lại, cách đây hơn 2 năm, ông Trần Văn Tòng, anh của chiến sĩ Trần Văn Bá cùng một Ủy Ban vận động thành lập một bia tưởng niệm Trần Văn Bá tại quận 13, Paris. Công việc đã hoàn thành đến giai đoạn cuối cùng: bia tưởng niệm đã xong, địa điểm đặt bia cũng đã có, nhưng vào giờ cuối việc dựng bia tưởng niệm Trần Văn Bá bị hủy bỏ với lý do “Tượng Trần Văn Bá có thể gây ra mất trật tự, xáo trộn an ninh công cộng”*. Do vậy, việc xây dựng tượng đài kỷ niệm thuyền nhân tại Bussy Saint George có thể coi như là một thành công, tuy phải có những nhượng bộ nhất định nhưng ban tổ chức coi như đó là việc “lùi một bước để tiến lên hai bước”* * Trích lời của anh Nguyễn Ngọc Bách, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên. Thành viên ban tổ chức Tượng Đài kỷ niệm thuyền nhân “Niềm Mơ Ước của Mẹ”.
|