Home Tin Tức Thời Sự Tết Trung Thu - cơ hội kinh doanh

Tết Trung Thu - cơ hội kinh doanh PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Hiếu, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 22 Tháng 9 Năm 2010 11:48

Tết Trung Thu là dịp để người lớn thưởng thức bánh trung thu, uống trà, ngắm trăng, còn các em thì rước đèn lồng, ca hát, tụ tập, quây quần, vui chơi.


Lựa chọn lồng đèn Trung Thu cho trẻ em / AFP photo

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các thương gia làm giàu, nhờ sản xuất và bày bán bánh trung thu khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, vùng sơn cước.

Không khí Trung Thu
Tại Việt Nam thời gian gần đây, đâu đâu cũng thấy bày bán bánh trung thu, gồm bánh nướng và bánh dẻo. Đa số bánh được bán với giá trên dưới một đô la, nhưng cũng có những bánh rất đặc biệt, chứa vi cá, bào ngư, hải sâm là những món sơn hào hải vị đắt giá, nên người ta phải bỏ ra hàng trăm đô la mới mua được.

Vì được gọi là Tết Thiếu Nhi cho nên từ mấy hôm nay báo chí trong nước cũng như các chương trình phát thanh, truyền hình đều dành nhiều tiết mục, bài vở, tài liệu, phim ảnh để nói về lễ hội truyền thống đang được cả nước theo dõi, đón mừng.

Nội dung chính được quảng bá qua cơ quan truyền thông đều nói rằng, năm nay nhờ được sự quan tâm của nhà nước và xã hội, các em nhỏ thiệt thòi, đơn côi khắp mọi miền đất nước đều được hưởng cái Tết Nhi Đồng đầm ấm, tràn đầy tình yêu thương.

Bà Khoa, một phụ nữ có con cháu đầy đàn kể về không khí Trung Thu năm nay tại Saigon:

“Hồi xưa Trung Thu không nhộn nhịp như vậy đâu, bây giờ có nhiều tổ chức từ thiện để lo tổ chức Trung Thu. Các hội đoàn, doanh nghiệp hùn với nhau để đến thăm những em nhỏ bị căn bệnh thế kỷ, phải ở riêng, người ta cũng tới cho 5, 6 trăm phần quà, có bánh, có tiền. Các chương trình từ thiện ở Việt Nam có rất nhiều, hướng đến trẻ nghèo, vùng sâu, vùng xa.”

Cô Bạch, một công nhân ở Cần Thơ đang cùng với gia đình chuẩn bị ăn Tết Trung Thu cho biết thêm về các chương trình “Đêm Hội Trăng Rằm”, “Vầng Trăng Yêu Thương” dành cho thiếu nhi:

“Tết Trung Thu cũng vui, có tổ chức các Hội trăng rằm cho các cháu thiếu nhi, giúp đỡ cho các cháu bị cơ nhỡ, trẻ mồ côi, khuyết tật, mỗi đứa nhận được một phần quà là một hộp bánh. Các nhà tài trợ đãi tiệc ăn uống, tạo niềm vui cho thiếu nhi. Có tổ chức ca nhạc, giúp vui trong một ngày Trung Thu cho trẻ khuyết tật, làng cô nhi, với sự quan tâm của các nhà tài trợ”.

Theo báo chí trong và ngoài nước thì trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phục hồi và có chiều hướng vươn lên mạnh mẽ, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm nay các loại bánh Trung Thu được xem là bán chạy hơn trước. Nói là Tết Nhi Đồng, nhưng đây cũng là cơ hội để người lớn dùng để làm quà biếu có giá trị nhằm xây dựng, mở rộng các mối quan hệ trong kinh doanh, thương trường và nơi phần sở.

Theo hãng tin AFP, bánh Trung Thu truyền thống nay được dùng để “bôi trơn bánh xe thương mại”, còn tờ Dân Trí thì cho là bánh này dành cho những ai “muốn khoe khoang”.

Bánh giá bạc triệu

 Một tiệm bán bánh Trung Thu ở Hà Nội hôm 17/9/2010. AFP photo

 Ngoài thị trường, có những chiếc bánh giá trung bình từ một đô la, tức là gần 20 ngàn đồng, cho đến hơn một trăm đô la tức trên 2 triệu đồng một cái. Theo tờ Dân Trí thì số tiền bạc triệu đó tính ra gần gấp 3 lần lương tối thiểu của một công chức hạng thấp.

Bà Khoa nói tiếp về giá cả các loại bánh Trung Thu hiện giờ:

“Người ta thích bánh ngoại, nên dĩ nhiên là mắc rồi, những bánh rất ngon, có vi cá thì giá phải cao rồi, mấy trăm ngàn đồng một cái, bốn cái nhập lại thì giá cả triệu bạc.”

Tuy nhiên, giới lao động cũng không thể bỏ qua cơ hội khi tìm mua những thứ bánh vừa túi tiền:

“Mình đừng ăn những loại bánh cao cấp đó, bây giờ bánh Trung Thu bán sớm lắm, đầu tháng 7 có bán rồi, qua  tháng 8, bắt đầu hạ giá, mua một, tặng một. Còn mình thì chỉ ăn bánh thường thôi, làm bằng đậu xanh, chocolate, dừa.”

Không bao giờ dám mơ và tin là có chiếc bánh Trung Thu giá tới bạc triệu, Cô Bạch nói lên sự ngạc nhiên đó, cô cũng tả cảnh Trung Thu đạm bạc:

“Đâu có giá đó đâu, nếu tính giá các bánh cao cấp thì cũng chỉ khoảng một trăm ngàn một cái, nghĩa là một hộp chưa tới 50 đồng (đô la) mà. Ở Việt Nam mình, Tết Trung Thu, người lớn với trẻ em quây quần, đốt lồng đèn, có trà nóng, quây quần, cha mẹ, anh chị em, sum họp, mừng rằm tháng 8, chứ bánh không đến nổi mắc quá vậy đâu, chưa tới một trăm đô, một hộp.”

Theo cô thì ngày nay không có có chuyện dùng bánh Trung Thu như một hình thức đút lót, hối lộ nữa:

“Nghe nói ở Việt Nam mình, tham nhũng bị thanh trừng nhiều lắm rồi, không có chuyện dùng bánh Trung Thu mà đút lót cho các sếp đâu. Nhiều khi mình tương thảo với sếp thì mua một hộp bánh hơi đắt tiền một chút, biếu xén vậy thôi.” 

Trong khi đó thì dư luận vẫn thường cho là việc tặng, biếu quà là một cử chỉ thân thiện, một nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, thể hiện sự tương kính, giao hảo.

Theo tổ chức Minh Bạch Thế Giới thì tặng quà không thể gọi là hối lộ, tham nhũng được, nhưng còn tùy thuộc vào giá trị của quà tặng đó, vậy người biếu có sẵn lòng hay không? Có bị bắt buộc phải biếu xén hay dâng nạp không? Và người nhận món quà ấy có điều gì đáp trả hay không ? Nếu có sự trao đổi, qua lại như thế, nạn tham nhũng nẩy sinh. Trong xã hội Việt Nam, chuyện biếu xén hầu như xảy ra như cơm bữa, bất cứ thời gian, không gian nào, ở mọi tầng lớp xã hội.

Đối người dân lao động VN thì bánh đắt như vàng, nhưng những thứ ấy vẫn bán chạy vì người mua thì không dám dùng, mà người dùng thì không bao giờ phải bỏ tiền mua cả.