Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông |
Tác Giả: Đức Tâm / RFI |
Thứ Tư, 22 Tháng 9 Năm 2010 10:38 |
Vào ngày 24 tháng chín tới đây, Hoa Kỳ và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), sẽ họp thượng đỉnh tại New York theo lời mời của tổng thống Barack Obama. Hội nghị sẽ ra một thông cáo chung. Hôm nay, hãng tin AP cho biết đã được đọc bản dự thảo thông cáo này, trong đó có đoạn Mỹ và ASEAN kêu gọi giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp tại vùng Biển Đông và các bên tranh chấp không nên dùng vũ lực để kiểm soát các tuyến giao thông hàng hải qua khu vực này. Tại Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF - hồi cuối tháng bẩy vừa qua tại Hà Nội, ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhấn mạnh là Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề tự do giao thông trên Biển Đông và coi đây là một lợi ích quốc gia của Mỹ. Đồng thời, bà Clinton cũng cho biết là Mỹ sẵn sàng tạo thuận lợi, thúc đẩy các bên tiến hành giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ đàm phán đa phương. Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ trước phát biểu của Mỹ và cho rằng Washington đã can thiệp vào các vấn đề trong khu vực. Hơn nữa, Bắc Kinh nhắc lại chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán song phương và phản đối mọi ý định quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông. Theo giới quan sát, thực ra, lập trường của Mỹ không có gì thay đổi từ trước đến nay. Tại vùng Biển Đông, có hai loại tranh chấp. Trước tiên là các tranh chấp về chủ quyền đối với các hải đảo như tranh chấp về Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc và về Trường Sa giữa Trung Quốc với Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ khẳng định không đứng về bên nào và kêu gọi các bên thương lượng. Loại tranh chấp thứ hai là về vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc đưa ra yêu sách được gọi là 9 đường đứt đoạn, hay « đường lưỡi bò », theo đó khoảng 80% diện tích của Biển Đông thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, xâm lấn sang cả lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, các tuyến hàng hải quốc tế sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc. Đây chính là điều mà Hoa Kỳ không thể chấp nhận được, vì cho tới nay, các tàu quân sự, do thám và nghiên cứu của Mỹ vẫn qua lại, hoạt động trong khu vực này.
|