Phản ứng về chuyến thăm Anh của Đức Bênêđictô XVI |
Tác Giả: Vũ Văn An | ||
Thứ Tư, 22 Tháng 9 Năm 2010 08:59 | ||
Cả chính phủ Anh lẫn Tòa Thánh đều hài lòng với thành quả của chuyến đi. Sức bật Bênêđíctô Đúng như tiên đoán của Đức TGM Nichols, cuộc viếng Đại Anh 4 ngày của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã bác bỏ mọi tiên đoán gở và mọi phèng la tiêu cực trước đó. Theo ký giả Edward Pentin của hãng tin Zenit, 500,000 người Tô Cách Lan và Anh cũng như rất nhiều người khác đã lắng nghe các sứ điệp của ngài trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên liên mạng.
Cả chính phủ Anh lẫn Tòa Thánh đều hài lòng với thành quả của chuyến đi. Cha Lombardi, phát ngôn viên Vatican, cho rằng đây quả là “chuyến viếng thăm tuyệt diệu”, một thành công lớn về tâm linh. Con số những người hoan hô vượt xa những người chống đối. Có người cho rằng vào ngày Thứ Bẩy, đường phố Luân Đôn chứa tới 200,000 người ủng hộ Đức Giáo Hoàng, trong khi chỉ có khoảng 5,000 người biểu tình phản đối. Tuy nhiên Tòa Thánh không phán đoán sự thành công bằng con số. Cha Lombardi nhấn mạnh: theo Đức Thánh Cha, sự thành công hệ ở sự kiện: có rất nhiều người chịu chăm chú lắng nghe điều ngài muốn nói. Theo nhận định của Pentin, báo giới Đại Anh nhất loạt cho rằng chuyến viếng thăm này đã thành công không ngờ đối với Giáo Hội Công Giáo, mặc dầu nhiều người trong số họ trước đó cực lực chống đối chuyến viếng thăm này. Tờ Daily Mail cho rằng chuyến viếng thăm đã “chiến thắng” vì “cho đến đêm hôm qua, những người phản đối xem ra đã thất bại, những người khích bác danh tiếng nhất gần như đã im hơi và những cuộc biểu tình thưa thớt và im tiếng hẳn”. Một yếu tố quan trọng đem lại sự thành công cho chuyến viếng thăm là cơ hội để người dân Đại Anh tận mắt nhìn ra con người thực của Đức Bênêđíctô XVI, không như những bức biếm họa do các phương tiện truyền thông vẽ vời. Họ bị chinh phục bởi nét khiêm nhường chân thành, bởi nét ngây thơ trong trắng như trẻ em của ngài. Nhưng trên hết, họ có ấn tượng mạnh về lòng can đảm và quyết tâm nói lên ý nghĩ của mình. Nhà bình luận Stephen Glover cho rằng: “Chuyến viếng thăm này thành công hơn hàng giáo phẩm Công Giáo mong đợi. Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với chính linh hồn của đất nước ta, nói lên các sự thật luân lý trường cửu mà các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của ta thường thường lẩn tránh. Xét một cách chủ yếu, ngài muốn yêu cầu ta hãy xét xem ta muốn trở nên loại đất nước nào”. Pentin cho hay: đây quả là chuyến viếng thăm lịch sử nhằm đem lại hòa giải giữa Giáo Hội và Nhà Nước, giữa người Công Giáo và người Anh Giáo. Một nửa số nghị viên quốc hội đã nghe bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng tại Đại Sảnh Westminster, nơi Thánh Thomas More, thánh quan thầy các chính trị gia, bị xử và kết án năm 1533. Tại đây, Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự âu lo của ngài đối với hiện tượng đẩy tôn giáo ra bên lề xã hội. Ngài nhắc cử tọa nhớ rằng tôn giáo không phải là một vấn đề để các nhà lập pháp giải quyết, nhưng là người đóng góp sinh tử đối với cuộc bàn luận của cả quốc gia. Về đại kết, cuộc trao đổi với Giáo Hội Anh Giáo đã diễn ra một cách hết sức thân thiện, dù mới đây, mối liên hệ giữa hai bên xuống rất thấp. Nhưng trước hết, chuyến viếng thăm này đã mở ra một giai đoạn mới cho Giáo Hội Công Giáo ở đây, ở giữa lòng một đất nước đại đa số theo Thệ Phản này, một đất nước, trong quá khứ, từng vẽ hẳn một đường ranh bè phái và đầy những tranh chấp đổ máu. Đức Hồng Y Keith Patrick O'Brien, Tổng giám mục St Andrews và Edinburgh , nói tới “sức bật Bênêđíctô” (Benedict bounce) và một mùa nở rộ ơn kêu gọi. Hy vọng rằng sức bật này sẽ là “mũi chích cánh tay” khiến người Công Giáo Anh và người Anh nói chung tỉnh mộng khỏi giấc ngủ duy tục đầy bất khoan dung tôn giáo. Ước chi Tổng Giám Mục Canterbury… Trên đây có nhắc tới nhà bình luận Stephen Glover. Trên tờ Daily Mail ngày 20 tháng 9 vừa qua, Glover cho đăng một bài báo với hàng tít lớn: Ước chi Tổng Giám Mục Canterbury dám nói với một phần nhỏ thẩm quyền của Đức Bênêđíctô (If only the Archbishop of Canterbury dared to speak with a fraction of Benedict's authority). Glover cho hay: chỉ mấy ngày trước đây thôi, nhiều giọng nói trên BBC bảo đảm với ta rằng chuyến viếng thăm Đại Anh của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cuối cùng sẽ chẳng gây được ấn tượng gì như mong đợi và rằng sẽ có rất ít người chịu đi gặp ngài. Nhiều người còn dám quả quyết rằng những cuộc biểu tình chống đối tội ác ghê tởm trong Đạo Công Giáo liên quan tới việc lạm dụng trẻ em sẽ làm trệch hướng chuyến viếng thăm, đến độ Đức Giáo Hoàng không thể nói được điều gì khác khiến chúng ta phải lắng nghe. Ấy thế nhưng, đám đông tham dự đông hơn dự đoán, có thua chăng chỉ là thua chuyến viếng thăm của vị giáo hoàng đầy hấp dẫn Gioan Phaolô II cách nay 28 năm mà thôi. Đáng lưu ý hơn cả là trong số 80,000 người dự buổi canh thức tại Hyde Park đêm Thứ Bẩy, rất nhiều người thuộc giới trẻ. Các cuộc biểu tình chống việc lạm dụng trẻ em không làm trệch hướng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Ngài thành thực nhìn nhận lỗi lầm của Giáo Hội Công Giáo. Trong Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Westminster vào chiều Thứ Bẩy, ngài làm nhiều người trong cộng đoàn cảm động chẩy nước mắt khi ngài ví sự đau đớn của các nạn nhân như lễ hy sinh của Chúa Kitô trên thánh giá. Chuyến viếng thăm, vì thế, thành công hơn là mong đợi của hàng giáo phẩm Công Giáo. Hơn thế nữa, theo Glover, không giống như các giáo sĩ “vườn nhà” của Anh Giáo, Đức Giáo Hoàng ngở lời với chính linh hồn của “đất nước ta”. Ngài khẳng định các sự thật luân lý trường cửu, những sự thật mà các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo Anh thường thích lẩn tránh. Ngài cảnh giác Đại Anh đừng quên di sản Kitô Giáo của mình trong một xã hội hiện đại đa văn hóa và “duy tục một cách hung hãn” này. Ngài cũng bảo các chính trị gia đừng bắt tôn giáo phải im lặng bằng cách ngăn cấm việc cử hành công cộng các ngày lễ quan trọng, như lễ Giáng Sinh chẳng hạn. Họ cũng không nên ban hành những đạo luật buộc người Kitô hữu phải hành động ngược với lương tâm của họ. Ngài nhắc người Đại Anh nhớ rằng họ đã từng lấy mạng sống mình chống lại ách bạo tàn của Quốc Xã, những người mưu toan loại bỏ Thiên Chúa. Những cái quá đáng của chủ nghĩa duy tục và những nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan vô thần là những chủ đề được ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Những chủ đề này sẽ vang vọng mãi trong tâm trí người Công Giáo cũng như các Kitô hữu khác không phải là Công Giáo, kể cả những người thuộc các tôn giáo khác không phải là Kitô Giáo và những người vô tôn giáo. Glover cho rằng chủ trương “Big Society” của Thủ Tướng David Cameron khó có thể so sánh với sứ điệp của Đức Giáo Hoàng. Sứ điệp này, theo ông, rất trổi vượt, có thể nói nó chưa có tiền lệ ở Đại Anh. Sứ điệp ấy được truyền đi một cách hết sức thanh thản, khiêm tốn, không một chút huênh hoang, ấy thế nhưng lại có thế giá lớn lao, một thế giá phần lớn phát sinh từ cảm thức thánh thiện và tốt lành người ta tìm thấy nơi ngài cũng như từ chính phẩm giá chức vụ của ngài. Và cũng chính vì thế, theo Glover, cả những người yếm thế và hoài nghi nhất cũng phải lắng nghe. Phi thường hơn cả, ta thấy nơi ngài một nhà lãnh đạo tôn giáo sẵn sàng đối chất với thế giới duy tục hiện đại nói chung, và Đại Anh duy tục hiện đại nói riêng bằng các giá trị vượt thời gian của Kitô Giáo nói chung và của Đạo Công Giáo nói riêng. Trong bài diễn văn cuối cùng, Đức Bênêđíctô XVI cho hay các giá trị trên đã bị các linh mục lạm dụng trẻ em phản bội. Họ đã phá hoại tính khả tín của Giáo Hội Công Giáo trong phạm vi luân lý. Người ta hết sức ngạc nhiên khi nghe một nhà lãnh đạo tôn giáo dám lên tiếng một cách trung thực như vậy. Glover cho rằng điều ấy rất khác với các nhà lãnh đạo tôn giáo “của chúng ta, nhất là các giám mục Anh Giáo tại Anh”, những người quen thỏa hiệp với các giá trị thế tục. Lý do, theo ông, là “bất cứ vị giáo hoàng nào cũng có ưu thế cố hữu, do tín điều vô ngộ tạo ra”. Trong khi đó, Tổng Giám Mục Canterbury chỉ là người đứng đầu giữa những người ngang hàng, nên không thể có được thứ thẩm quyền như Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, điều đó đâu có ngăn cản Tiến Sĩ Rowan Williams, Tổng Giám Mục Canterbury, lên tiếng với một phần nhỏ thế giá của Đức Giáo Hoàng! Điều buồn là Tiến Sĩ Williams và các giám mục Anh Giáo rất có thể nhất trí với mọi điều Đức Giáo Hoàng nói về các nguy cơ của chủ nghĩa duy tục, ấy thế nhưng họ đã không đủ đảm lược để nói ra. Và trong khi Đức Giáo Hoàng nói rõ ràng bằng tiếnh Anh, vốn là sinh ngữ thứ ba hay thứ tư của ngài, thì Tiến Sĩ Williams thường chỉ nói một cách ú ớ và khó hiểu bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trong bài diễn văn cuối cùng, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài thấy “nhân dân Đại Anh khao khát biết bao được nghe tin mừng của Chúa Giêsu Kitô”. Glover bảo nhận định ấy rất đúng. Ấy thế nhưng “Giáo Hội quốc gia của chúng ta, tức Giáo Hội Anh Giáo, đã thất bại không công bố được tin mừng ấy”. Trong đại bộ phận Giáo Hội Anh Giáo, người ta thấy có một cảm thức đào ngũ khi giáp mặt với làn sóng duy tục đang ào ạt kéo tới, lúc con số người trong các cộng đoàn giảm dần và nhiều giáo xứ phải đóng cửa. “Nhưng hãy nhìn những người trẻ tại Hyde Park hay những người xếp hàng dọc Đường Prices ở Edinburgh hoặc những người đứng bên ngoài Nhà Thờ Chính Tòa Westminster . Họ khát khao nghe tin mừng và họ chào mời các sự thật luân lý chắc chắn. Liệu có quá đáng chăng khi hy vọng rằng các giám mục Anh Giáo sẽ học được điều gì đó từ sự dấn thân không biết sợ của Đức Giáo Hoàng?” Dĩ nhiên, theo Glover, vẫn có những giáo xứ cá biệt, phần lớn là các giáo xứ Tin Mừng thuộc Giáo Hội Anh Giáo, biểu lộ được cùng một lòng trung thành như thế đối với giáo huấn Kitô giáo cổ truyền. Và các giáo xứ này chính là các giáo xứ thu hút hàng loạt người trẻ. Theo Glover, những người vô thần cực đoan như nhà sinh vật học Richard Dawkins, kịch sĩ Stephen Fry, luật sư Geoffrey Robinson và văn sĩ Philip Pullman, những kẻ chủ trương chủ nghĩa hư vô, chẳng có chi đem lại hy vọng cho giới trẻ hoặc bất cứ một ai khác. Chủ nghĩa vô thần có thể là một chủ trương đáng kính về phương diện tri thức, nhưng những người vừa kể chỉ là những kẻ hẹp hòi, điên loạn dám kêu gọi người ta ngăn cản không cho Đức Giáo Hoàng tới đây. Dawkins còn đòi bắt giam Đức Giáo Hoàng về “tội ác chống lại nhân loại”. Sự thật, họ bị thúc đẩy bởi lòng thù hận đối với Giáo Hội. Pullman còn mong cho “tổ chức xấu xa này biến mất”. Nó đâu có biến mất. Đúng hơn, những lời tố cáo xùi bọt mép và thiếu cân bằng của họ chỉ chứng tỏ là họ sợ Đức Giáo Hoàng. Họ sợ ngài vì ngài nắm vững giáo huấn Kitô giáo cổ truyền và cổ vũ các nguyên tắc họ vốn khiếp đảm. Họ sợ ngài vì các giá trị được ngài lặp đi lặp lại tự chúng lọt vào tai hàng triệu người, mà quan trọng hơn cả là lọt vào tai hàng triệu người trẻ. Những người trên, theo Glover, không gặp khó khăn nào trong việc châm chọc chỉ trích nhằm vào Tổng Giám Mục Canterbury vì Tiến Sĩ Williams đã bị các lực lượng của chủ nghĩa duy tục làm cho nhát cáy đến độ không còn khả năng đưa ra bất cứ đe dọa nào đối với thế giới quan đen tối của họ. Những tên vô thần cực đoan ấy nhỏ mọn và xa rời quần chúng biết bao so với ngữ cảnh hy vọng được Đức Giáo Hoàng gợi hứng. Glover kết luận rằng: khi mời gọi người ta trở về với di sản Kitô Giáo và gợi ý rằng chúng ta vẫn còn một tương lai có qui củ Kitô Giáo, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã thực hiện được nhiều hơn là Giáo Hội Anh Giáo trong nhiều năm qua. Bài học mấy ngày qua là Đại Anh không hẳn là một đất nước phản Kitô Giáo như BBC và nhiều thành phần trong giới truyền thông vốn cố gắng làm chúng ta tin.
|