Home Tin Tức Thời Sự Trên 50 tuổi thất nghiệp khó kiếm lại việc

Trên 50 tuổi thất nghiệp khó kiếm lại việc PDF Print E-mail
Tác Giả: V. Giang   
Thứ Ba, 21 Tháng 9 Năm 2010 09:35

ASHON ISLAND, Washington (NY Times) - Patricia Reid không ở vào tuổi 70, lớp tuổi mà nhiều người Mỹ hiện nay vẫn tiếp tục làm việc.

 Bà cũng chẳng ở trong lớp tuổi 60. Bà chỉ mới 57 tuổi.

Nhưng bốn năm sau khi bị mất việc bà không thể nào, vào những giây phút thất vọng nhất, tránh khỏi sự lo ngại rằng mình sẽ không bao giờ kiếm được việc khác.


Trên 8 triệu người Mỹ mất việc làm trong giai đoạn kinh tế suy thoái cho đến nay. Hình minh họa. (Hình: AFP/Getty Images)

Có trình độ đại học, với bằng quản trị kinh doanh, bà có kinh nghiệm, từng làm việc hơn 20 năm trong vai trò kiểm toán nội bộ (internal auditor) và phân tích gia ở công ty Boeing trước khi bị mất việc.

Nhưng khả năng và kinh nghiệm đó có vẻ không còn đáng kể, ít ra là trong trường hợp của bà và nhiều người trong lớp tuổi 50 và 60 đang rất muốn hay rất cần làm việc để có tiền chi tiêu khi về hưu và nay bắt đầu lo ngại rằng họ có thể bị gạt ra ngoài lực lượng lao động -mãi mãi.

Kể từ khi có sự sụp đổ của nền kinh tế Hoa Kỳ, không đủ số công việc được tạo ra để cung cấp cho dân chúng nói chung, huống hồ cho những người đang tiến vào giai đoạn cuối cuộc đời làm việc của họ.

Trong số 14.9 triệu người đang thất nghiệp, có hơn 2.2 triệu người ở vào tuổi 55 hay lớn tuổi hơn. Gần một nửa trong số này bị thất nghiệp khoảng sáu tháng hay hơn nữa, theo Bộ Lao Ðộng. Mức thất nghiệp trong hạn tuổi này là 7.3%, một kỷ lục, tăng gấp đôi so với con số ở giai đoạn đầu của cuộc suy thoái.

Sau những lần suy thoái trước, những người thất nghiệp lớn tuổi thường than phiền về việc cần chờ đợi quá lâu mới có thể quay trở lại làm việc và lo ngại rằng họ sẽ không bao giờ có lại được mức lương lúc trước. Nhưng hiện nay, do những ước tính sẽ cần mấy năm mới có thể giải quyết hết con số lớn lao những người đang thất nghiệp, nhiều người lớn tuổi này có thể sẽ không còn có cơ hội đi làm chỉ vì đến lúc đó tuổi họ đã quá cao.

Ðối với bà Reid, bốn năm qua bà đã có đủ mọi nỗ lực để săn lùng việc -mà không có được một nơi nào đề nghị thu nhận. Bà kể lại việc gửi đi không biết bao nhiêu đơn và những lớp học online mà bà đã lấy để gia tăng khả năng về nhu liệu (software) của mình.

Nhưng dù với bề ngoài lạc quan và tự tin, khi được hỏi tới, bà để lộ sự lo sợ.

“Ðây là những nỗi lo sợ ẩn giấu phía sau, và đang bị đè nén,” bà Reid cho hay. Bà hiện đang bán một số nữ trang và quần áo của mình trên mạng và hiện bị trễ trả tiền mấy thẻ tín dụng. “Tôi có những cơn ác mộng là mình thành người ăn xin trên đường phố,” bà nói. “Ðiều này có thể xảy ra cho bất cứ ai. Rất nhiều người mấp mé ở lằn ranh đó mà họ không hề nhận ra.”

Bị thất nghiệp, dù ở bất cứ tuổi nào, cũng là điều đau đớn. Nhưng những người lớn tuổi nghi ngờ rằng đơn xin việc của họ thường bị gạt ra để dành chỗ cho những người trẻ tuổi hơn. Một số khác nhận ra rằng kỹ năng xin việc làm của họ -cũng như khả năng kỹ thuật mà một số giới chủ nhân tìm kiếm- đã bị rỉ sét sau nhiều năm làm việc cho cùng một công ty.

Phải về hưu sớm ngoài ý muốn tạo ra áp lực nặng nề về mặt tài chánh, đặc biệt là đối với những người có lợi tức thấp. Cuộc suy thoái kinh tế và hậu quả sau đó đã đẩy một số người lớn tuổi xuống sâu hơn nữa. Các dữ kiện do Sở Thống Kê Dân Số đưa ra tuần qua cho thấy mức nghèo khó trong số người ở tuổi 55 đến 64 tăng lên đến 9.4% năm 2009 so với 8.6% năm 2007.

Người lớn tuổi khi bị mất việc thường cần nhiều thời giờ hơn mới kiếm được việc khác. Hồi tháng 8, thời gian thất nghiệp trung bình cho người ở tuổi 55 và cao hơn là khoảng 39 tuần lễ, theo Bộ Lao Ðộng, lâu hơn hết so với các nhóm tuổi khác. Con số này tệ hơn nhiều so với tháng 8 năm 1983, cũng là thời điểm sau một cuộc suy thoái trầm trọng, lúc đó những người trong hạn tuổi này cần trung bình 27.5 tuần để kiếm được một việc khác.

Ở mức độ có 82,000 công việc mới mỗi tháng của năm nay, sẽ phải cần ít nhất 8 năm nữa mới có đủ việc cho 8 triệu người thất nghiệp trong cuộc suy thoái. Và đó là chưa kể tới việc tăng trưởng dân số và số người mới gia nhập lực lượng lao động mỗi năm. (V.Giang)