Home Tin Tức Thời Sự Châu Á giàu lên nhưng có số người nghèo cao nhất địa cầu

Châu Á giàu lên nhưng có số người nghèo cao nhất địa cầu PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh   
Thứ Ba, 21 Tháng 9 Năm 2010 08:50

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc về mục tiêu của Thiên Niên Kỷ, châu Á đã xóa giảm số người khốn cùng nhưng vẫn đứng đầu thế giới

trong danh sách suy dinh dưỡng và còn rất xa mục tiêu phát triển Thiên Niên Kỷ từ 2000 đến 2015. Hạn hán và lũ lụt thường xuyên cộng với tình trạng đô thị hóa càng làm cho thực phẩm trở thành đắt đỏ gây khó khăn thêm cho dân nghèo.


Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Thượng đỉnh LHQ về mục tiêu phát triển Thiên Niên Kỷ, New York, 20/09/2010
Ảnh: REUTERSTú Anh

Theo Liên Hiệp Quốc, giảm nạn nghèo khó, một trong tám mục tiêu của Liên Hiệp Quốc trong chương trình Thiên Niên Kỷ có hy vọng đạt được kết quả vào năm 2015.

Theo mục tiêu ấn định vào năm 2000, thì đến năm 2015, thế giới phải đẩy lùi 50% số dân sống trong tình trạng nghèo khổ nhất.

Một trong những thành công của chương trình này là số người nghèo trên thế giới giảm từ 1,8 tỷ theo thống kê năm 1990 xuống 1,4 tỷ vào năm 2005. Riêng tại Á châu, số liệu của Liên Hiệp Quốc ghi nhận « thành công lớn » là trong cùng thời gian đó, những người sống với thu nhập dưới 1,25 đôla mỗi ngày đã giảm từ 1,5 tỷ xuống 947 triệu người. Tổng thư ký Ủy ban Kinh tế và Xã hội vùng châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, bà Noeleen Heyzer, không ngần ngại khen ngợi châu Á thực hiện được những bước « tiến bộ ngoạn mục ».

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng ghi nhận, châu Á vẫn còn là nơi tập trung 2/3 dân nghèo nhất thế giới sinh sống và cứ trong sáu người thì có một người suy dinh dưỡng. Khuyết điểm thứ hai của châu Á là rất chậm trong nỗ lực đẩy lùi hai bất hạnh trầm kha khác là tử suất trẻ em và sức khỏe của sản phụ.

Bà Noeleen Heyzer nhận định rằng châu Á đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu giảm nghèo, nhưng do thất bại trong chính sách xóa đói, việc hạ tỷ lệ tử vong của trẻ em và cải thiện sức khỏe cho phụ nữ tạo ra cho châu Á một hình ảnh đáng quan ngại.

Do vậy, Liên Hiệp Quốc thúc giục châu Á phải gấp rút chạy đua với thời gian. Theo giới chuyên gia, bản báo cáo vừa khen vừa chê của Liên Hiệp Quốc phản ánh thực trạng của một châu lục phát triển không đồng đều.

Bên cạnh những nền kinh tế đầy sinh lực như Ấn Độ, Trung Quốc, còn có những quốc gia tăng trưởng mong manh. Bên cạnh những đô thị hào nhoáng, những phi trường hiện đại còn có những khu nhà ổ chuột tồi tàn.

Ajay Chhibber, một viên chức Liên Hiệp Quốc đặc trách phát triển trong khu vực gọi đây là một hiện tượng « nghịch lý » của Á châu. Có tiềm năng và khả năng phát triển mạnh nhưng vẫn không giải quyết được nạn đói.
Một trong những nguyên nhân giải thích nhược điểm này của châu Á là phụ nữ vẫn không được xem trọng.

Theo chuyên gia Ajay Chhibber, sự kiện phụ nữ Á châu thiếu cơ hội tham gia vào sinh hoạt kinh tế là nguyên do đưa đến tình trạng nghèo khó cho gia đình. Trong khi đó, tại Á châu, hệ thống an sinh xã hội vẫn còn thua xa châu Mỹ Latinh và Đông Âu.

Với dân số 3,8 tỷ người, nhưng có đến 470 triệu không có nước sạch để uống và 32 triệu trẻ em không được đến trường tiểu học. Với khủng hoảng kinh tế hiện nay, từ nay đến năm 2015, khi tổng kết thành quả mục tiêu Thiên Niên Kỷ, Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ có thêm 35 triệu người rơi trở lại vào cuộc sống cùng cực và thêm 70 triệu người Á châu không có nước uống sạch.

Một bản báo cáo khác của Ngân hàng Phát triển châu Á càng làm tăng mối quan ngại. Giá thực phẩm tại khu vực đông dân nhất địa cầu tiếp tục leo thang do hai hiện tượng : Thời tiết bất thường, thiên tai thường xuyên hơn làm thất bát mùa màng và tình trạng đô thị hóa làm mất đất canh tác.