Home Tin Tức Thời Sự Quan hệ Trung-Nhật căng thẳng nhưng vẫn dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh và Tokyo

Quan hệ Trung-Nhật căng thẳng nhưng vẫn dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh và Tokyo PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Hai, 20 Tháng 9 Năm 2010 17:42

Ngoài vấn đề chủ quyền liên quan đến quần đảo Senkaku – Điếu Ngư, Trung Quốc và Nhật Bản còn có tranh chấp tại vùng đảo Xuân Hiểu

 Cho dù các hành động của hai bên có leo thang, nhưng không bên nào muốn quan hệ kinh tế bị xấu đi, bởi vì Nhật Bản và Trung Quốc rất cần đến nhau.


Công an Trung Quốc được tăng cường xung quanh sứ quán Nhật tại Bắc Kinh (Reuters /Jason)

Với việc tư pháp Nhật Bản, ngày hôm qua, quyết định giam giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc thêm 10 ngày, quan hệ Bắc Kinh-Tokyo căng thẳng thêm một nấc.

Thế nhưng, giới phân tích lại cho rằng sự cố này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền hai nước, mặc dù Trung Quốc liên tục gây áp lực, tạm ngưng các cuộc tiếp xúc cấp cao song phương.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde cho biết rõ hơn những hậu quả của quyết định trả đũa mà Trung Quốc đưa ra.

"Hậu quả đầu tiên là các bộ trưởng hai nước sẽ không gặp nhau trong một thời gian. Tất cả những cuộc gặp được dự kiến diễn ra trong những ngày tới bị đình chỉ, trong đó có hai cuộc gặp quan trọng liên quan đến lĩnh vực hàng không, không gian và than.

 Hậu quả khác, theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, là số du khách Trung Quốc tới Nhật Bản sẽ giảm đi. Thế nhưng, đây là thông tin khó kiểm định, không cho phép đánh giá được tác động đối với ngành du lịch. Chính quyền Bắc Kinh liên tục tỏ thái độ bực bội và đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc phải hứng chịu hậu quả.

Cuối tuần trước, đại sứ Nhật Bản đã bị triệu lên bộ Ngoại giao Trung Quốc và tối qua vào lúc 22 giờ, ông lại nhận được một cú điện thoại của thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và lại phải nghe một thông điệp không hề thay đổi từ trước đến nay : Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản phải trả tự do vô điều kiện cho viên thuyền trưởng tàu cá. Tại Trung Quốc, viên thuyền đã trở thành một vị anh hùng.

 Trên các phương tiện truyền thông, vợ của thuyền trưởng Chiêm Khởi Hùng bày tỏ nỗi đau buồn về việc người chồng bị bắt giữ và tố cáo chính phủ Nhật Bản nói dối.

Về phần mình, chính quyền Tokyo cũng tỏ thái độ cứng rắn tương tự. Từ nay đến 30/09, tư pháp Nhật Bản phải quyết định có nên đưa những biện pháp trừng phạt viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc hay không.

Các trực thăng Nhật Bản tiến hành quan sát theo dõi vùng đảo Shirakaba hoặc Xuân Hiểu, theo tiếng Hoa, nơi có nguồn dự trữ khí đốt rất lớn. Theo kênh truyền hình Phượng hoàng TV ở Hồng Kông, nếu các tập đoàn dầu khí Trung Quốc tiến hành khai thác nhiên liệu trong khu vực này thì phía Nhật Bản cũng sẽ làm tương tự."

Tất cả bắt đầu vào ngày 07/09 vừa qua, khi Nhật Bản bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc gần khu vực có tranh chấp về chủ quyền giữa hai nước ở biển Hoa Đông.

Theo Tokyo, tàu cá này đã xâm phạm vào lãnh hải của Nhật Bản, không tuân lệnh lực lượng tuần duyên, gây ra va chạm giữa tàu cá và tàu tuần tra. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định là tàu cá Trung Quốc bị truy đuổi và bắt giữ ở hải phận quốc tế.

Trước sự phản đối của Trung Quốc, ngày 09/09, thủy thủ đoàn được trả tự do, nhưng thuyền trưởng Chiêm Khởi Hùng bị tư pháp Nhật Bản tạm giữ 10 ngày để phục vụ điều tra. Hôm qua, 19/09, lệnh tạm giữ viên thuyền trưởng tàu Trung Quốc lại được triển hạn thêm 10 ngày nữa.

Tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku – gọi theo tiếng Nhật – Điếu Ngư – theo tiếng Hoa đã nẩy sinh kể từ khi Nhật hoàng Minh Trị nhập khu vực này vào lãnh thổ Nhật Bản năm 1905. Như tên gọi Trung Quốc, Điếu Ngư, nơi đây có nguồn cá phong phú.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nhật Bản còn có tranh chấp tại vùng đảo Xuân Hiểu, theo tiếng Hoa, hoặc Shirakaba, theo tiếng Nhật, nơi có trữ lượng rất lớn về dầu khí.

Trong sự cố tàu cá Trung Quốc va chạm tàu tuần duyên Nhật Bản, liệu những tuyên bố và biện pháp cứng rắn mà hai bên đưa ra có dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ chính trị và kinh tế song phương hay không ?

Giáo sư Quy Vịnh Đào, thuộc đại học Bắc Kinh, được AFP trích dẫn nhận định là tình hình vẫn có thể kiểm soát được và không gây ra vấn đề chính trị nghiêm trọng giữa hai nước. Cả hai bên nên cố gắng kiềm chế và nên ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt để giải quyết tranh chấp.

Theo giới quan sát, thì cho dù các hành động của chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản có leo thang, nhưng không bên nào muốn quan hệ tốt đẹp hiện nay bị xấu đi vì sự cố tàu cá.

Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều không muốn bị mất thể diện nhưng đồng thời cũng không muốn gây tổn hại cho quan hệ kinh tế song phương bởi vì cả hai rất cần đến nhau.