Kinh tế Việt Nam : nhiều nhược điểm cần khắc phục |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Hai, 20 Tháng 9 Năm 2010 17:34 |
Trong khi Châu Âu và Hoa Kỳ phải vất vả đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì các quốc gia Châu Á vẫn tăng trưởng mạnh. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước có chỉ số tăng trưởng ấn tượng. Tuần san kinh tế Challenges của Pháp dẫn lại bài « Ngành may mặc Việt Nam tăng trưởng nhẹ » của tờ The Economist cho biết : xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đang tăng mạnh, nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục.
Trong bảy tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc « made in Vietnam » tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.8 tỷ đô la. Qua đó cho thấy : Nhờ vào nguồn nhân công rẻ, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút giới đầu tư. Sau hàng loạt các vụ đình công, nhiều công ty miền nam Trung Quốc phải tăng lương cho công nhân. Từ đó, giá thành sản xuất tăng lên tính cạnh tranh thì giảm xuống. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn toàn có lợi nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ. Bằng chứng là mức thu nhập của công nhân Việt Nam hiện tại là 84 đô la một tháng, thấp hơn nhiều so so với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, trong vòng 20 năm, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng lên 10 lần : năm 1990 là 100 đô la/người/năm, hiện tại con số này là 1000 đô la. Với 86 triệu dân, thị trường Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn. Thế nhưng, tờ báo cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để nâng cao tính cạnh tranh. Đó là tay nghề công nhân còn thấp, hiệu quả sử dụng nguồn vốn và công nghệ chưa cao, hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ và tệ quan liêu hoành hành. Ngoài ra còn nhiều chính sách không hợp lí khác, như trong việc muốn ưu tiên phát triển các tỉnh nghèo, chính quyền đã cho xây dựng ở Quảng Ngãi một nhà máy lọc dầu ở một khu vực cách xa các giếng dầu và các thành phố công nghiệp. Tỷ lệ lạm phát ở mức 8.2% cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Dù một vài lĩnh vực, như lĩnh vực ngân hàng, đã được tự do hóa, nhưng hầu hết các tập đoàn vẫn còn là tập đoàn quốc doanh, luôn được ưu đãi tín dụng và được hưởng nhiều thuận lợi nhờ vào các mối quan hệ chính trị. Giới lãnh đạo Việt Nam rất chuộng mô hình tập đoàn liên hiệp theo kiểu Hàn Quốc, nhưng việc áp dụng theo kiểu Việt Nam rõ ràng không mang lại hiệu quả cạnh tranh. Tờ báo kết luận : Việt Nam còn lâu mới đạt được mô hình tập đoàn liên hiệp theo kiểu Hàn Quốc. |