Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam xuất cảng 6.5 triệu tấn gạo

Việt Nam xuất cảng 6.5 triệu tấn gạo PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 17 Tháng 9 Năm 2010 20:40

Nông dân vẫn đói rách.

SÀI GÒN (TH) - Ðại công ty quốc hoanh xuất cảng gạo đang bị tố tăng giá gạo xuất khẩu để ép chết giới thương gia ngoài quốc doanh trong khi nông dân thì không còn lúa để bán.


Nông dân cực khổ trăm chiều, làm ra lúa gạo để nhà nước bán lấy đô la nhưng họ đều đói rách vì bị ép giá. (Hình: Người Lao Ðộng)

 “Năm tuần qua, Hiệp Hội Lương Thực VN (VFA) (một tổ chức quốc doanh) liên tiếp tăng giá sàn xuất khẩu gạo 4 lần. Ðiều này được VFA lý giải là do giá gạo xuất khẩu thế giới tăng, song điều bi kịch là người trồng lúa vẫn lỗ.”

Bản tin ngày Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010 của báo Người Lao Ðộng viết về tình trạng nghịch lý ở Việt Nam trong đó, đám quốc doanh đứng môi giới xuất cảng gạo thì ăn trên đầu trên cổ nông dân, trong khi nông dân đầu xuống trôn lên vẫn đói rách dù có lúc lúa gạo trên thị trường lên giá rất cao.

Theo bản tin của Người Lao Ðộng, trong đợt quyết định tăng giá gạo xuất cảng cuối cùng của tháng 8, 2010, VFA quyết định mức giá sàn gạo 5% tấm là 450 USD/tấn, loại 25% tấm là 410 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với mức công bố trước đó khoảng một tuần.

Rồi mới đây, ngày 14 tháng 9, VFA một lần nữa nâng giá sàn xuất khẩu gạo lên 475 USD/tấn (loại 5% tấm), thời gian giao hàng đến tháng 10, 2010, hiệu lực áp dụng từ ngày 15 tháng 9. Rồi mới đây, ngày 14 tháng 9, VFA một lần nữa nâng giá sàn xuất khẩu gạo lên 475 USD/tấn (loại 5% tấm), thời gian giao hàng đến tháng 10, 2010, hiệu lực áp dụng từ ngày 15 tháng 9.

Như thế, chỉ trong thời gian hơn một tháng, đám xuất khẩu quốc doanh đã nâng giá xuất cảng gạo 5% tấm lên $75 USD/tấn. Tổ chức VFA viện dẫn nhiều lý do để nâng giá nhưng “một số chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương thuộc ÐBSCL và nhiều doanh nghiệp (DN) tỏ ra lo ngại.”

Bài phân tích của NLÐ cho thấy hiện nay, giá lúa mà thương lái tìm mua từ nông dân từ 4,500 đồng/kg đến 5,500 đồng/kg. Loại lúa Thần Nông IR 50404 có phẩm chất thấp được thu mua với giá 4,500 đồng/kg. trong khi lúa gạo hạt dài xuất khẩu giá cao được thu mua từ 5,200 đồng/kg đến 5,500 đồng/kg. Như vậy, giá lúa đã tăng từ 1,000 đồng đến 1,500 đồng/kg so với hồi tháng 7, thời gian được loan báo từ nhà cầm quyền Hà Nội thúc hối đám quốc doanh mua lúa tồn trữ để giúp nông dân có lãi từ 30% đến 40%.

Sự nghịch lý là, giá lúa tăng cao thì nông dân lại không còn gì để bán.

“Phần lớn nông dân đều không được hưởng lợi từ giá lúa cao, thậm chí nhiều người còn bị lỗ vốn. Lý do là bởi áp lực nợ nần, người trồng lúa đã phải bán hết ngay sau khi thu hoạch với giá rất rẻ.”

Bài báo của NLÐ viết như vậy và viện dẫn lời nông dân Nguyễn Nhơn Bình, nông dân ở huyện Tân Hồng-Ðồng Tháp, nói với sự chua chát: “Hồi đầu tháng 7, 2010, hộ tôi thu hoạch 30 công lúa nhưng giá rẻ quá, không bán. Tôi làm liều trữ lúa đến đầu tháng 8 nhưng giá vẫn không tăng. Không thể kham nổi đủ thứ nợ, tôi phải bán với giá chỉ 3,200 đồng/kg trong đợt thu mua tạm trữ. Nhiều người cũng làm như tôi, khi bán hết sạch lúa thì chẳng bao lâu, giá lúa tăng cao trở lại...”

Dù có lệnh từ nhà cầm quyền trung ương, đám quốc doanh đã không thu mua ngay mà chỉ mau cầm chừng, thúc đẩy nông dân phải bán vào lúc giá lúa thấp vì nông dân không còn đường nào khác để sống.

Bài báo dẫn lời Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ðồng Tháp: “Khẳng định nông dân trong tỉnh không được hưởng chút lợi ích nào khi giá lúa tăng cao vì lúc đó, họ đã bán hết sạch lúa hè thu, lợi ích hoàn toàn thuộc về DN xuất khẩu, (hầu hết thuộc VFA, theo NLÐ).” Còn ông Trần Quang Củi, phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, nói với nhà báo rằn: “Khi giá gạo xuất khẩu tăng, trong đợt thu mua tạm trữ vừa qua, các DN lại được nhà nước hỗ trợ lãi suất nên họ đã lãi đậm.”

Theo ý kiến ông Võ Tòng Xuân, một chuyên gia lúa gạo nổi tiếng, các công ty xuất khẩu gạo quốc doanh đã tăng giá quá đáng, có hại cho Việt Nam xuất cảng. “Gạo 5% tấm của Thái Lan là 450 USD, gạo 25% tấm của Pakistan chỉ là 360 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại 25% tấm của VN đến 435 USD/tấn. Chúng ta tăng như vậy là bất lợi vì không thể cạnh tranh lại với hai nước nói trên về giá và hai nước này hiện vẫn thừa gạo xuất khẩu.”

Báo Người Lao Ðộng dẫn lời một chuyên viên kinh tế giấu tên tố cáo: “Việc VFA tăng giá sàn xuất khẩu gạo liên tục với mức cao như vậy là ‘giết’ các DN xuất khẩu ngoài VFA, đồng thời làm lợi cho các DN thuộc VFA. Qua trao đổi với phóng viên Báo NLÐ ngày 14 tháng 9, một số DN xuất khẩu gạo ngoài VFA (đề nghị không nêu tên) cũng bày tỏ lo ngại về khả năng sắp tới họ không xuất khẩu được. Nếu không bán được gạo thì họ cũng không thể thu mua lúa của nông dân với giá cao. Cuối cùng, thiệt hại thuộc về nông dân, trong khi những DN thuộc VFA, trong đó lớn nhất là Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam (Vinafood 2), lãi to.”

Ông Dương Nghĩa Quốc còn cáo buộc rằng “cơ chế thông tin xuất khẩu gạo hiện nay không minh bạch,” ngay cả Sở NN-PTNT các tỉnh cũng phải tìm hiểu qua những kênh thông tin khác! “Ðúng ra, khi có hợp đồng xuất khẩu hoặc trúng thầu, VFA phải có thông tin rộng rãi về giá cả, số lượng cho các tỉnh, thành; ngược lại, họ bưng bít thông tin để mua lúa giá thấp, đến khi thông tin được nhiều người biết đến thì chuyện đã rồi, họ đã gom đầy kho để thu lợi lớn.”

Việt Nam có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa, hơn 70% dân chúng cả nước sống ở các khu vực nông thôn. Hiện có khoảng 216 công ty xuất cảng gạo nhưng những công ty thuộc hàng lớn là các ông trùm quốc doanh lũng đoạn thị trường. Năm 2009, Việt Nam đã xuất cảng 6 triệu tấn gạo, thu về khoảng $2.5 tỉ USD ngoại tệ.

Nhưng cái điệp khúc “được mùa, bội thu, rớt giá” vẫn lập đi lập lại hàng năm nên nông dân vẫn đói rách. Rất nhiều cô gái nông thôn không chịu được sự đói khổ của gia đình đã chấp nhận “bán mình” qua những vụ môi giới làm vợ người Hàn, người Ðài Loan,... dẫn đến không ít thảm kịch.