Giá nhà California hồi phục |
Tác Giả: Ngô Ðồng/Người Việt |
Thứ Sáu, 17 Tháng 9 Năm 2010 12:56 |
Trung bình: $315 ngàn, gấp đôi toàn quốc LOS ANGELES - Cả nước đang ỳ ạch vì thị trường địa ốc mất trớn sau khi tín thuế mua nhà không còn nữa. Nhưng không phải tiểu bang California. Theo một bản tường trình của Hiệp Hội Ðịa Ốc Tiểu Bang California (CAR), dù số lượng ngôi nhà bán được trên thị trường có phần nào chậm lại, giá nhà lại vẫn tà tà nhích lên ở khắp các khu vực thị trường địa ốc của tiểu bang. Theo CAR, giá nhà liên tục gia tăng suốt 9 tháng qua, và riêng trong Tháng Bảy đã tăng được 10.4% so với cùng thời gian này năm ngoái. Tính ra, giá nhà trung bình cho cả tiểu bang là $315,000 trong khi giá nhà trung bình trên cả nước chỉ có $183,000, tức đắt gần gấp đôi. Một vài khu vực nội địa của California có thể trì trệ, còn nhiều nhà bị xiết nợ, nhưng hoàn toàn ngược lại ở các thành phố hay khu vực thị tứ dọc theo biển. Khu vực thị trường San Francisco đạt mức giá gia tăng nhiều nhất với 14.3%. Giá nhà trung bình ở đây lên tới hơn $607,000. Giá nhà khu vực thị trường San Diego gia tăng 11.2% có giá nhà trung bình là $389,000. Trong khi đó, giá nhà khu vực Los Angeles cũng gia tăng được 9.2%, với giá nhà trung bình $345,000. Riêng khu vực Quận Cam, theo bản phúc trình của Dataquick ngày 14 tháng 9, 2010, tuy số lượng nhà bán được giảm đi, giá nhà trung bình ở đây trong tháng 8, 2010 là $440,000, vẫn tăng 2.9% so với cùng thời gian này năm ngoái. Ngược với California, các tiểu bang khác ảnh hưởng nặng vì suy sụp địa ốc như Nevada, Arizona, Florida vẫn còn đang vùng vẫy trong khó khăn. Nhờ đâu California khấm khá hơn dù tỉ lệ thất nghiệp vẫn vào hàng cao nhất? “Theo tôi, khuynh hướng này là hậu quả của tình trạng giá nhà tuột dốc quá nhanh và quá nhiều.” Bà Leslie Apple-Young, phó chủ tịch kiêm kinh tế gia trưởng của CAR phát biểu với báo điện tử CNNMoney: “Nhiều người nhận ra rằng giá nhà ở California nay đã thật thấp để có thể làm chủ nhà.” Nói khác, rất nhiều người khi thấy có quá nhiều nhà bị xiết nợ được tung ra bán trên thị trường với giá quá rẻ, người ta đã tranh nhau mua, trả giá cao hơn giá niêm yết hai ba chục phần trăm, đẩy giá nhà lên cao hơn. Dù sao, giá nhà cũng không lên nhanh nổi vì số lượng nhà bị ngân hàng xiết nợ tung ra thị trường quá nhiều. Thống kê cho thấy một vài khu vực, kể cả Quận Cam, nhà bán được có khi chiếm tới phân nửa thị trường. Năm bảy năm trước, khi lãi suất thấp và chuyện vay nợ quá dễ dãi, người ta đã tranh nhau mua, sợ không có cơ hội nào khác để làm chủ một ngôi nhà. Giá nhà đã lao nhanh lên như tên bắn mà không ai nghĩ tới có lúc nó sẽ sụp đổ. Người mua nhà đã liều lĩnh vay các món tiền bằng cách khai gian lợi tức, vượt quá khả năng trả nợ. Khi thị trường tuột dốc, một tỉ lệ không nhỏ chủ nhà đã ôm các món nợ cao hơn trị giá nhà. Thế là họ đua nhau ngừng trả nợ, bỏ mặc nhà cho ngân hàng kéo. Hàng loạt ngân hàng tài trợ lớn nhỏ sập tiệm. Nay, các loại nhà này đã dần dần biến mất trên thị trường vì nhiều người biết rằng đợi chờ một dịp khác với hy vọng giá nhà xuống thấp hơn sẽ không có nữa. Hơn một năm trước, có khi quá nửa năm vẫn không bán được nhà, nhưng theo bản tường trình của CAR, hồi Tháng Bảy, người ta chỉ cần 44 ngày là bán xong, một thời gian nhanh rất đáng kể. Cũng không ít nhà đã có nhiều người mua tranh, tạo ra một trận chiến giá cả, đẩy giá nhà lên. “Vẫn còn nhiều nhà bị xiết nợ được ngân hàng chủ nợ tung ra thị trường nên giá nhà vẫn còn bị áp lực này đè xuống.” Bà Apple-Young nói. Nhưng dù sao “quá nửa những ngôi nhà bán trên thị trường hồi năm ngoái có rất nhiều người cùng tranh mua.” Dù vẫn còn đang ê ẩm vì kinh tế tăng trưởng chậm chạp, ngân sách thiếu hụt, California vẫn là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với những ngành kỹ nghệ chính yếu như hàng không không gian, điện tử, phần mềm, tài chính, nông nghiệp, du lịch. Các ngành này đều có dấu hiệu đang hồi phục và khi công việc làm nhiều hơn, địa ốc sẽ theo bén gót. “Nền kinh tế tiểu bang California vừa lớn hơn lại vừa đa dạng hơn rất nhiều tiểu bang (có thị trường địa ốc tuột dốc) khác.” Theo sự nhận xét của ông Stuart Gabriel, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Thị Trường Ðịa Ốc ở Ðại Học UCLA, phát biểu. Một trong các yếu tố khác giúp giá nhà hồi phục nhanh hơn các tiểu bang khác là rất nhiều nhà đã được ngân hàng chấp thuận bán dưới món nợ (short sales), theo ý kiến ông Mark Goldman, giáo sư kinh tế ở đại học tiểu bang San Diego State University. Tuy thủ tục mua nhà dưới món nợ rườm rà, chậm chạp, nhưng chủ nhà vẫn ở trong ngôi nhà này cho tới khi chuyển sang tay chủ mới giúp cho căn nhà được giữ gìn tốt hơn là nhà bị ngân hàng xiết nợ. Nhờ đó, trị giá nhà khi bán được định giá cao hơn. Một lý do khác, theo ông Goldman, những nơi đông dân cư còn rất ít hay không còn đất để xây dựng nhà mới, điều này đẩy giá nhà lên cao hơn. Những tiểu bang khác như Nevada, Arizona, Florida thì đất còn rất nhiều và rất rẻ. Hơn nữa, chính phủ tiểu bang California cũng không ngồi yên. Họ đã nhiều lần đưa ra các kế hoạch giúp cho thị trường hồi phục. Năm ngoái, chính phủ tiểu bang California đã hai lần tặng tín thuế mua nhà $10,000 cho người mua nhà lần đầu, hoặc có nhà rồi mà mua nhà khác mới xây. Một số người mua vào đúng lúc nhất đã có thể lấy cả tín thuế tiểu bang $10,000 và tín thuế liên bang $8,000, tức tổng cộng được $18,000 từ “trên trời rơi xuống.” Với những tiểu bang bên cạnh, họ hy vọng những gì đang diễn ra ở đây từ từ lây lan sang để họ nhờ. |