Tập huấn về Biển Đông cho lãnh đạo tỉnh |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 17 Tháng 9 Năm 2010 09:16 |
Tin cho hay lần đầu tiên có khóa tập huấn về quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo cho lãnh đạo địa phương, tổ chức ở Quảng Ngãi.
Tình hình Biển Đông đang gây chú ý của dư luận Truyền thông trong nước nói chương trình tập huấn do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Vùng 3 hải quân Việt Nam tổ chức cho hơn 300 đại biểu "là lãnh đạo các địa phương ven biển, hải đảo và trưởng nhóm ngư dân". B́ao của Đảng Cộng sản Việt Nam viết mục tiêu của khóa học là để giúp cho cán bộ địa phương "thấy được âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài đối với Biển Ðông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa". Tuy nhiên, báo Nhân Dân không nói rõ đó là âm mưu thủ đoạn của nước nào. Các nội dung tập huấn khác là Luật Biển quốc tế năm 1982; Tuyên bố về chủ quyền vùng biển của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và những nội dung chính trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc; một số nội dung chính trong Luật Hàng hải Việt Nam và Luật Hàng hải quốc tế năm 1982. Tại khóa học, 300 người tham dự còn nghe phổ biến về nội dung Nghị định số 30/NÐ-TTg của Chính phủ Việt Nam về huy động tàu thuyền dân sự sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền các vùng biển, đảo. Gặp khó với Trung Quốc Quảng Ngãi là tỉnh trong những năm gần đây đã gặp nhiều vấn đề liên quan tới chủ quyền biển. Ngư dân tỉnh này thường xuyên đã bị Trung Quốc làm khó khi đánh bắt tại các vùng biển đang tranh chấp, hàng trăm người từng bị bắt giữ. Việc ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, dẫn tới tranh luận sôi nổi ở trong nước về việc có nên trang bị vũ khí cho ngư dân để "tự bảo vệ" hay không. Cuối năm ngoái, Vùng 2 hải quân và bảy tỉnh phía Nam của Việt Nam đã ký hiệp đồng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế giáp Trường Sa. Người dân các tỉnh này, theo hiệp đồng, sẽ có trách nhiệm phối hợp với hải quân "cản phá tàu nước ngoài" nếu có trường hợp vi phạm hải phận Việt Nam. Trong khi đó, hải quân là "lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ quyền biển đảo và thềm lục địa". Chủ đề Biển Đông đã thu hút quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước thời gian gần đây và đã được đề cập tới trong các kỳ họp Quốc hội. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua tăng thêm số tiền chi cho Chương trình Biển Đông và hải đảo 38 tỷ đồng. Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển, nhất là trong bối cảnh tăng căng thẳng tại Biển Đông.
|