Home Tin Tức Thời Sự Kiểm soát lao động bất hợp pháp xét kèm 'trốn thuế, rửa tiền, buôn người'

Kiểm soát lao động bất hợp pháp xét kèm 'trốn thuế, rửa tiền, buôn người' PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt   
Thứ Năm, 16 Tháng 9 Năm 2010 15:51

LITTLE SAIGON, California - “Khi kiểm tra tình trạng thuê mướn nhân viên bất hợp pháp, chúng tôi còn có thể truy thêm nhiều tội khác mà doanh nghiệp có thể vi phạm,

 chẳng hạn trốn thuế, rửa tiền, thậm chí buôn người.”

Ðó là lời cảnh báo của bà Virginia Kice, phát ngôn viên Sở Cảnh Sát Di Trú (ICE), văn phòng tại Orange County, trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt hôm Thứ Tư, 15 tháng 9.

Mặt tiền nhà hàng Viet House, Fairfax, Virginia. (Hình: flickriver.com)

 Bà Kice nói: “Khi phát hiện doanh nghiệp thuê mướn người không có giấy phép làm việc tại Hoa Kỳ, ICE sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Về mức độ phạt, tùy theo trường hợp, tùy theo số lần vi phạm, có đã từng vi phạm trước đây hay chưa. Người vi phạm có thể bị phạt tiền, hoặc bị giam.”

Theo thông cáo báo chí của ICE, hồi Thứ Tư tuần trước, ông Bùi Quốc Kiệt, 50 tuổi, cư dân Centreville, Virginia, bị bắt và bị tố cáo “cố tình mướn và chứa chấp nhân công không có giấy phép làm việc tại Mỹ.”

Ông Kiệt là chủ ba nhà hàng mang tên Viet House ở Fairfax County, Virginia.

Hồ sơ tòa án cho thấy, việc xảy ra khoảng từ 5 tháng 4, 2005 đến 20 tháng 4, 2010.

Một bản tin của nhật báo The Washington Post cho biết cảnh sát địa phương bắt đầu điều tra ông Kiệt từ năm ngoái về việc rửa tiền, và sau đó xác định rằng ông và vợ, là bà Mỹ Trần, mướn bảy nhân công là di dân lậu và trả lương bằng tiền mặt.

Phóng viên nhật báo Người Việt gọi điện thoại phỏng vấn bà Mỹ Trần, nhưng bà từ chối trả lời phỏng vấn.

Luật hiện hành bắt buộc mọi doanh nghiệp phải xác minh tình trạng di trú của nhân công trước khi quyết định thuê mướn, xem họ có được phép làm việc tại Mỹ hay không, và phải điền hồ sơ đầy đủ.

Bà Mariana Gitomer, phát ngôn viên Sở Di Trú Hoa Kỳ, nói với nhật báo Người Việt rằng: “Các doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra và xác minh nhân sự trước khi mướn người. Họ phải biết rõ điều này. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo cũng như thông báo nhiều lần trên các cơ quan truyền thông về vấn đề này.”

“Nếu không, khi bị kiểm soát, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm,” bà Mariana Gitmer khẳng định.

Theo phát ngôn viên Sở Di Trú Hoa Kỳ, khi mướn người, mỗi doanh nghiệp phải khai tình trạng nhân sự qua mẫu đơn I-9, có thể lấy miễn phí tại trang web www.uscis.gov hoặc vào google, đánh chữ “I-9 employer handbook,” là có ngay, hoặc có thể gọi số điện thoại miễn phí 1-800-870-3636 để yêu cầu Sở Di Trú gởi mẫu đơn này cho mình.

Bà Kice nói thêm: “Ðiền mẫu đơn I-9 xong, điều quan trọng là phải lưu hồ sơ để có thể chứng minh với cơ quan công lực khi cần. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể ghi danh chương trình 'E-Verify' qua Internet để xác minh tình trạng di trú và lao động của nhân công bằng số an sinh xã hội, rất dễ dàng, nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí.”

“'E-Verify' còn giúp doanh nghiệp phát hiện tình trạng nhân công sử dụng giấy tờ giả mạo, nếu có. Dù không bị bắt buộc, chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng 'E-Verify' vì nhanh chóng và thuận tiện,” bà Kice nói tiếp.

Ðại diện của ICE khuyên các doanh nghiệp nên tuân thủ luật di trú về lao động để có thể tự bảo vệ công việc kinh doanh của mình.

Bà Virginia Kice nói: “Tuân thủ luật không chỉ là cách để tự bảo vệ quý vị mà còn bảo đảm rằng công việc kinh doanh của quý vị không bị gián đoạn, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn này.”

“ICE có nhiều phương tiện để biết và quyết định kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm thông qua nguồn tin có được, qua tố cáo, hoặc qua kiểm tra khi có nghi vấn. Khi đó, chúng tôi sẽ có trát khám xét và thanh tra sổ sách của doanh nghiệp vi phạm,” bà Kice nói thêm.