Tiếp tục căng thẳng Trung - Nhật |
Tác Giả: BBC |
Thứ Tư, 15 Tháng 9 Năm 2010 07:30 |
Làn sóng bài Nhật nổi lên ở Hong Kong, Đài Loan và Hoa Lục. Giới phản đối Nhật Bản tại Trung Quốc vẫn tiếp tục muốn tổ chức biểu tình trong lúc Bắc Kinh hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch của quan chức Quốc hội sang Nhật. Đã có các nhóm biểu tình chống Nhật Bản ở Đài Loan (trong ảnh), Hong Kong và Hoa Lục sau vụ tàu cá Cùng lúc, hai trường học Nhật ở Trung Quốc gặp vấn đề trong lúc thái độ bài Nhật nóng dần ở Trung Quốc vì vụ bắt tàu cá của dân Phúc Kiến gần đảo Điếu Ngư hay Senkaku. Cuối tuần này, nhân kỷ niệm sự kiện quân đội Nhật Hoàng tấn công Trung Quốc năm 1939, các nhóm phản đối ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Tây An nói họ sẽ biểu tình phản đối Nhật vì vụ Điếu Ngư. Theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong, hiện chưa rõ công an Trung Quốc có cho phép các cuộc biểu tình này diễn ra hay không. Tuy nhiên, nhà nước Trung Quốc đã tỏ thái độ bằng cách hủy chuyến thăm của ông Lý Kiến Quốc, phó Chủ tịch Ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sang thăm Hạ viện Nhật. Được biết đại sứ Nhật tại Trung Quốc, ông Uichiro Niwa đã bị triệu đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc tới lần thứ năm trong những ngày qua để nghe phía Trung Quốc phản đối việc bắt giữ thuyền trưởng tàu cá. Ở mức độ địa phương, hôm qua, 14/9 có tin rằng một trường học Nhật ở Thiên Tân bị tấn công. Vẫn theo BBC Tiếng Trung cho biết, một trường Nhật khác ở Bắc Kinh đã hủy cuộc thi đấu thể thao vào thứ Bảy này vì lo ngại an ninh. Hồi cuối tuần đã có các cuộc phản đối Nhật Bản ở cả Trung Quốc, Hong Long và Đài Loan. Căng thẳng trên biển Vùng đảo hiện đang là nơi tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Đài Loan Hôm 13/9 Tân Hoa Xã nói 14 thuyền viên của tàu Mân Tấn Ngư 5179 đã được trả tự do, nhưng thuyền trưởng vẫn bị cảnh sát Nhật chính tức bắt giữ. Ông Chiêm Khởi Hùng, 41 tuổi, đã bị thẩm vấn và có thể bị khởi tố. Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã cảnh báo Tokyo nên "có quyết định chính trị khôn ngoan" trong vụ bắt người Trung Quốc. Trung Quốc đã hủy một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao về dầu khí khu vực với Nhật Bản để phản đối. Phía Nhật nói các thuyền viên có thể bị giữ tới 10 ngày trong khi cơ quan điều tra thu thập bằng chứng về sự việc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nói rằng bất cứ bằng chứng nào mà Nhật Bản đưa ra đều "bất hợp pháp, vô giá trị và vô nghĩa". Khu vực mà tàu cá Trung Quốc bị giữ hôm thứ Ba 7/9 là gần quần đảo không người ở có tên Nhật là Senkaku, tên Trung Quốc là Điếu Ngư. Hiện quần đảo này trong tay Nhật Bản, nhưng cả Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Ngay từ hôm xảy ra vụ việc tàu của ngư dân Tấn Giang, Phúc Kiến bị bắt vì đâm vào tàu Nhật Bản, đã có làn sóng bài Nhật ở tỉnh này và tại một số nơi khác thuộc Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan.
|