Cuba sa thải hàng triệu công nhân viên |
Tác Giả: BBC |
Thứ Ba, 14 Tháng 9 Năm 2010 14:38 |
Chính phủ Cuba loan báo kế hoạch sa thải hơn một triệu công nhân viên chức nhà nước như một trong các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế. Liên đoàn lao động Cuba cho hay một nửa số này sẽ phải thôi việc trước tháng Ba năm sau. Những người bị sa thải sẽ được khuyến khích tự kiếm việc mới hoặc gia nhập các doanh nghiệp tư nhân. Giới phân tích nói đây là đợt cải tổ doanh nghiệp tư lớn nhất kể từ cuộc cách mạng năm 1959. Chính quyền cộng sản Cuba hiện nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế và trả lương cho 85% lực lượng lao động, vốn được ước tính là vào khoảng 5,1 triệu người. Như vậy có thể tới 1/5 lực lượng lao động sẽ mất việc. Liên đoàn lao động nước này ra thông cáo nói: "Nhà nước không thể và cũng không nên tiếp tục duy trì các công ty, xí nghiệp, dịch vụ với quá nhiều công nhân viên chức mà lại thua lỗ, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế". "Sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm và các hình thức thuê dụng mới trong các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có cho thuê đất, hợp tác xã và kinh doanh cá thể cho hàng trăm nghìn người trong những năm tới". Tự do kinh doanh? Nhằm tạo công ăn việc làm cho những người bị sa thải, chính phủ sẽ giảm bớt hạn chế đối với các công ty tư nhân và cấp thêm giấy phép cho các cá nhân muốn làm việc tự do. Doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được phép trực tiếp tuyển dụng trên thị trường. Chủ tịch Raul Castro nói vai trò của nhà nước trong nền kinh tế cần được thu nhỏ lại. Thế nhưng họ cũng sẽ phải trả thuế lợi tức cũng như thuế tuyển dụng vào ngân sách của nhà nước. Một bộ phận nhỏ người Cuba đã lao động tự do, như thợ làm đầu hay lái taxi, hoặc bán hàng ăn. Kinh tế "chợ đen" ở Cuba cũng phát triển khá mạnh. Lương bổng trong các công ty nhà nước ở Cuba nói chung quá thấp so với lao động tự do. Tuy nhiên chính phủ không có trợ giúp về kinh nghiệm cho những ai muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân. Khủng hoảng kinh tế Chủ tịch Raul Castro, trong một bài phát biểu hồi tháng Tám, tuyên bố vai trò của chính phủ trong nền kinh tế cần được thu nhỏ lại. "Chúng ta phải chấm dứt tình trạng không ở đâu như Cuba, là không cần làm việc mà vẫn sống được." Nền kinh tế do nhà nước quản lý ở Cuba đã bị khủng hoảng nghiêm trọng trong hai năm nay, khiến chính ph̉u phải quyết định cắt giảm nhập khẩu. Một số yếu tố dẫn tới giảm thu nhập trong nước là giá mặt hàng xuất khẩ chính của Cuba - nickel, giảm mạnh, cũng như ngành du lịch sa sút. Kinh tế Cuba còn bị kìm hãm vì lệnh cấm vận mà Mỹ ban hành 48 năm nay. Ông Raul Castro lên làm chủ tịch Cuba sau khi anh trai của ông, Fidel Castro, từ nhiệm vì lý do sức khỏe năm 2006.
|