Home Tin Tức Thời Sự Quảng Tín, miền đất Quảng hậu sinh nay không còn nữa.

Quảng Tín, miền đất Quảng hậu sinh nay không còn nữa. PDF Print E-mail
Tác Giả: Giao Chỉ, San Jose.   
Thứ Ba, 14 Tháng 9 Năm 2010 10:45

Người Việt ở lại và người Việt ra đi, chúng ta sẽ phải ăn ở ra sao cho xứng dáng với tiền nhân. Mong rằng người ở lại gìn giữ được giang sơn gấm vóc. Người ra đi nêu cao gương sáng dân tộc.

                               

Người về từ Quảng Tín.

 
 
Ðầu tháng 9 năm nay anh em chúng tôi lại đón khách phương xa về thăm San Jose. Hỏi rằng các bạn từ đâu đến. Cố tri đáp rằng chúng tôi về từ Quảng Tín. Nói cho vui vậy thôi, bạn tôi từ các tiểu bang Trung Mỹ về Cali họp mặt với đồng hương Quảng Tín. Họp bạn thì ở quận Cam, nhưng họp tình thì lên San Jose.

Dưới tàng cây thông thật lớn, anh em chúng tôi ngồi tán chuyện. Mấy anh bạn già cùng khóa Cương quyết Ðà lạt 54 chúng tôi chào đón bạn Nguyễn văn Cự, trung đội 22 từ Texas qua chơi. Cùng đi với anh Cự lại có ông đại tá tỉnh trưởng Quảng Tín, anh Hoàng Ðình Thọ. Thân hữu tại San Jose tháp tùng hai ông chánh phó tiểu khu của miền Quế Sơn là bác Hưng, ngày xưa ngồi ghế trưởng ty cảnh sát Quảng Tín. Ngay tại Viện bảo Tàng Việt Nam lại gặp phiên trực của bác Long, cũng là công chức Quảng Tín. Vừa ngồi được một lát có anh bạn từ đường Senter chạy tới gặp đại tá Thọ, nhận là cán bộ xây dựng nông thôn, nay đến chào ông thầy cũ. Thế là ta có ngay một bức hình kỷ niệm tha hương ngộ cố tri của những người một thời sống chết bên nhau dưới mây trời Quảng Tín.

 

Trên 35 năm, gần 40 năm trôi qua, tôi ngồi tỷ tê hỏi thăm các bạn để biết thêm về cuộc đời, biết thêm về một vùng đất mà ngày nay đã mất tên. Xin viết bài này dành cho hai anh bạn Bắc Kỳ của tôi, là những người mà số mệnh đã gắn liền vào địa danh miền đất Quảng, đại tá tiểu khu trưởng Hoàng đình Thọ và trung tá tiểu khu phó Nguyễn văn Cự.

Tìm lại đất xưa.

Chúng ta ai nấy đều đã biết, sau năm 75 thủ đô của miền Nam đã đổi tên từ Saigon nay gọi là thành phố Hồ chí Minh. Có thể gọi tắt là Thành Hồ. Tuy nhiên tên Saigon cũng vẫn còn mãi với Saigon. Thư từ nếu viết gởi về Saigon, bây giờ bưu điện cộng sản vẫn lờ đi và cho chuyển tiếp. Nhưng nếu đề địa chỉ gởi về Quảng Tín thì thư không đến được. Quảng Tín là một trong nhiều thành phố đã hoàn toàn bị xóa tên. Ngày xưa, cuối tháng 7 năm 1962 tổng thống Ngô Ðình Diệm đã ký sắc lệnh thành lập tỉnh Quảng Tín gồm phần đất phía Nam Ðà Nẵng. Ðất Quảng Nam chia đôi. Phía Bắc gồm cả Ðà Nẵng vẫn là Quảng Nam, nhưng phía Nam trở thành Quảng Tín. Thủ phủ của Quảng Tín là Tam Kỳ, nằm trong thung lũng Quế Sơn. Ðây là miền đất nghèo, tuy có biển có núi nhưng là đất hẹp và người thưa. Trong chiến tranh đây là mặt trận khốc liệt giằng co giữa ta và địch.

Trên trang tài liệu từ Internet, đối với Hoa Kỳ, Quảng Tín là chiến trường nổi tiếng từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1967. Trận chiến ác liệt tại Quảng Tín đã đưa lên báo Time ngày 9 tháng 6-67. Chỉ trong một đêm có 54 lính Mỹ hy sinh đổi lại 450 xác Việt cộng để lại chiến trường. Suốt chiến dịch hơn hai tuần lễ Mỹ đã chết 400 TQLC và sư đoàn 2 của cộng sản tổn thất 2000 quân. Nếu tò mò tìm kiếm theo ngày tháng tử trận thì ngày 4 tháng 9- 67 đã có hàng chục danh tính lính TQLC Mỹ hy sinh. Tên tuổi và huy chương cao quý đã khắc trên bức tường đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tại thủ đô.

Tìm thêm trong quân sử của Mỹ thì địa danh quan trọng nhất của Quảng Tín là Chu Lai.

Tin tức về trận liệt Quảng Tín ngày xưa hiện đã có đến 71 hồ sơ tình báo được giải mật công khai trên Internet. Nếu so sánh với miền Ðông Nam phần thì Quảng Tín có thể ví như miền đất dữ ngang với Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa.

Ðó là câu chuyện về Quảng Tín đối với người lính Hoa kỳ. Nhưng ngày nay đối với Việt cộng thì Quảng Tín không còn nữa. Ngày 2/7/1976 chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa quyết định sáp nhập đất Quảng Tín trở về với Quảng Nam.

Ðất của chúa Nguyễn Hoàng.

Bắt đầu từ Quảng Tín, miền đất hậu sinh đã mất tên, tôi ngược dòng lịch sử đi tìm lại câu chuyện về những miền đất Quảng. Gặp lại câu chuyện Nam tiến của người xưa mà thấy rung động can tràng.

Cách đây hơn 500 năm, vị võ tướng nhà Lê tên là Nguyễn Hoàng quyết định đi vào miền đất chết để tìm đường sống. Lúc đó vua Lê trị vì nhưng chúa Trịnh nắm thực quyền đang tìm cách tiêu diệt họ Nguyễn. Trịnh Kiểm giết người anh cả là Nguyễn Uông lúc đó là người chỉ huy binh quyền của triều đình Hậu Lê. Thái úy Doãn quốc Công, Nguyễn Hoàng tuy là tướng tài nhưng thế yếu bèn tìm cách thoát ly. Xin đem người vào trấn đất Thuận Hóa bên kia dãy Hoành Sơn. “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Trạng Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phán như thế. Thuở đó đất Thuận Hóa từ phía Nam Quảng Bình, qua Quảng Trị đến Thừa Thiên là đất của hai châu Ô, Lý do vua Chiêm Thành dâng vua nhà Trần để làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa. Ðó cũng là năm lịch sử 1558, Nguyễn Hoàng vào đóng quân tại Ái Tử và bắt đầu công việc xây dựng miền Trung. Từ đó mở đường Nam Tiến hào hùng nhất của tiền nhân Việt Nam. Lãnh thổ của chúa Nguyễn Hoàng thời kỳ sơ khai chỉ mới có vùng đất hẹp nằm giữa đèo Ngang và đèo Hải Vân. Miền đất Quảng duy nhất là Quảng Trị, chia cắt với miền Bắc là con sông Gianh ở phía Bắc Quảng Bình. “Ðây sông Gianh, đây biên cương thống khổ..” Ðọc câu thơ mà chợt nhớ Ðằng Phương, Nguyễn Ngọc Huy.

Tại đây thầy Ðào Duy Từ xây lũy Thầy và lũy Trường Dực chạy xuyên từ biển ở cửa sông Nhật Lệ lên miền núi Ðầu Mân. Bắc quân của chúa Trịnh tấn công đưởng bộ không vượt qua được. Vì vậy thời đó các trận Nam Bắc phân tranh thường xảy ra bằng hải quân. Một mặt chúa Nguyễn chống cự chúa Trịnh miền Bắc và một mặt mở nước xuống miền Nam. Khi người Việt vượt đèo Hải Vân mới có thêm đất Quảng Nam. Cho đến năm 1611 lúc đó chúa Nguyễn đã 87 tuổi còn ra lệnh vượt đèo Cù Mông, đánh Chiêm Thành lấy đất Quảng Ngãi, Phú Yên và Tuy Hòa.

 

Năm 1613 chúa Nguyễn Hoàng qua đời nhưng ông để lại di chúc cho con cháu tiếp tục Nam tiến cho đến khi hoàn toàn thôn tính Chiêm Thành rồi đánh lấy đất Chân Lạp cho đến mũi Cà Mau. Các chúa Nguyễn đời sau tiếp tục thi hành.

Năm 1692 lấy đến Bình Thuận. Năm 1698 chiếm hết miền Ðông cho đến Mỹ Tho. Ðến năm 1708 thì bước chân Nam tiến mới dừng lại ở mũi Cà Mau. Công cuộc Nam tiến của các vị tiền nhân họ Nguyễn từ Chúa Nguyễn Hoàng cho đến 7 đời sau đã khởi đi từ giữa thế kỷ thứ 16 cho đến giữa thế kỷ thứ 18 đã đem lại cho dân Việt toàn bộ miền Trung và miền Nam của nước Việt Nam ngày nay.

Suốt 200 năm từ 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa cho đến năm 1744 các triều đại nhà Nguyễn mở nước kéo dài đến mũi Cà mâu và gồm cả đất Hà Tiên.

Lịch sử Việt Nam với các trang sử oai hùng của tiền nhân giữ nước từ bà Trưng bà Triệu qua các triều đại Ngô, Ðinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn có biết bao anh hùng đứng lên bảo vệ giang san. Tuy nhiên công trình mở nước Nam tiến phải được ghi lại hàng đầu là chúa Nguyễn Hoàng. Khởi đi từ đất Quảng Trị. Biên cương Việt Nam đã mở rộng gấp ba lần và chiếm cứ dọc miền duyên hải đẹp đẽ nhất của hành lang Ðông Nam Á nhìn ra Thái Bình Dương.

Trong công cuộc Nam tiến mở nước từ trăm năm trước, các xứ Quảng chính là những bàn đạp vững chắc để bước chân tiền nhân tiến về miền duyên hải mà vào đến miền Nam tươi đẹp ngày nay.

Câu chuyện ngày nay:

Nửa thế kỷ trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào Ái Tử chưa bao giờ ngài biết được sẽ có tỉnh Quảng Nam. Mãi đến năm1831 vua Minh Mạng ra chiếu đặt chính thức tên Quảng Nam cho địa danh quan trọng của miền đất Quảng có cửa ngõ Ðà Nẵng mở ra thế giới.

Năm 1962 Tổng Thống đệ nhất Cộng Hòa, Ngô Ðình Diệm thành lập tỉnh Quảng Tín bằng cách cắt đôi Quảng Nam.

Qua đến thập niên 70 có hai sĩ quan Bắc Kỳ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa kẻ trước người sau về trách nhiệm lãnh đạo tiểu khu Quảng Tín. Trung tá Nguyễn Văn Cự đi lính từ 1954 làm tiểu khu phó. Ðại Tá Hoàng Ðình Thọ đi lính từ 1952 làm tiểu Khu trưởng. Cả hai anh em đều đã từng làm tiểu đoàn trưởng và trung đoàn trưởng của sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa. Anh Cự đã từng làm quận trưởng và anh Thọ làm tỉnh trưởng tại Quảng Tín. Trận 72, trung tá tiểu khu phó Nguyễn văn Cự bị bắt làm tù binh tại Ðức Hiệp. Gần hai năm bị giam cầm hết sức thảm sầu tại biên giới Lào, mà vẫn còn trong lãnh thổ Quảng Tín. Anh là sỹ quan cao cấp nhất bị bắt làm tù binh ngay trên lãnh thổ của mình. Năm 73 hiệp định Paris cay đắng của VNCH đem được bạn Nguyễn Văn Cự về với anh em. Nhưng đến 75 thì anh bạn già hiền lành và đạo đức nhất của khóa Cương Quyết Ðà Lạt chúng tôi lại đi Bắc để vào trại tập trung trên sáu năm. Sau khi được trả tự do, gia đình anh vượt biên bị bắt, lại thêm hai năm tù trong Nam. Cuộc đời của trung tá Cự đi tù cộng sản ba lần suốt ba miền Nam Trung Bắc, ví 3 lý do khác nhau. Tù binh, tù “cải tạo” và tù vượt biên.

Giấy ra trại của Nguyễn văn Cự quê ở Hoài Ðức, Hà Nội can tội trung tá ngụy đã được cộng sản phê với lời lẽ tốt đẹp nhất. “Ðương sự hiểu rõ chính sách của đảng, luôn luôn cố gắng lao động bảo đảm đúng mức quy định. Sẽ chấp hành nếp sống văn hóa mới nên cho về cư ngụ tại quận 10-Hòa Hưng, thành phố Hồ chí Minh. Về với gia đình ông Cự đã thấy những đứa con vượt biên thành công nên đã quyết định đi theo. Anh không thể chấp hành nếp sống mới của cộng sản và cũng do đã hiểu rỏ chính sách của đảng. Nhưng ông đã không thành công và đành chờ HO qua Hoa kỳ. Vợ trung tá Cự một đời làm vợ lính, bôn ba khắp miền đất Quảng. Từ Quảng Nam qua Quảng Tín, nuôi chồng tù “cải tạo” nuôi con vượt biên. Ðến khi qua được Hoa Kỳ tưởng sẽ là những ngày dài hạnh phúc, nào ngờ lâm bệnh, trí óc vẫn minh mẫn nhưng thân xác nằm liệt suốt bảy năm. Trải qua bảy năm dài ông trung tá tiểu khu Quảng Tín nuôi vợ săn sóc ngày đêm. Sau cùng chị đã ra đi cách đây ba năm. Sau ba năm tang vợ, ông tiểu khu phó đi tìm ông tiểu khu trưởng Hoàng Ðình Thọ để anh em tiếu ngạo giang hồ. Sau khi họp mặt Quảng Tín tại miền Nam, anh em lên San Jose. Trải bao nhiêu dâu bể, bây giờ tuổi già từ 78 lên đến 82, chúng tôi gặp nhau bên gốc cây thông của Viện Bảo Tàng lịch sử.

Tôi sẽ không kể cho các bác về những chiến công oai hùng, về những ngày gian khổ của chinh chiến và tù đày. Không cần phải nhắc lại những trận đánh với thương vong cả hai phe. Chúng tôi chỉ ngồi bên nhau nói về một miền đất Quảng không còn nữa. Quảng Tín ra đời 1962 đến 1976 là chấm dứt, chỉ vỏn vẹn có mười bốn năm nhưng tình cảm của những người đã một thời ở với nhau vẫn còn đằm thắm.

Số phận của trung tá Cự hẩm hiu so với đại tá Thọ, nhưng anh em hết sức thân tình. Ngồi bên ông Hưng nguyên là cảnh sát, bắt tay ông Long nguyên là công chức, rồi lại tâm tình với anh bạn xây dựng nông thôn từ đường Senter chạy đến. Các anh đã ăn ở với nhau hết sức tử tế nhân hậu nên phần còn lại là trọn vẹn tình người.

Ngày xưa khi chúa Nguyễn Hoàng bị đi đày vào đất Thuận Hóa, 200 năm sau con cháu của ông đã mở nước xuống đến Cà Mau.

Ngày nay chúng ta mất miền Nam năm 1975. Sau này dân Việt tỵ nạn hy vọng sẽ mở mang bờ cõi trên khắp thế giới ra sao. Người Việt lưu vong nay đã trở thành công dân quốc tế chỉ còn con đường mở nước bằng cách chinh phục lòng người.

Người Việt ở lại và người Việt ra đi, chúng ta sẽ phải ăn ở ra sao cho xứng dáng với tiền nhân. Mong rằng người ở lại gìn giữ được giang sơn gấm vóc. Người ra đi nêu cao gương sáng dân tộc.

Tất cả đối với thế hệ chúng tôi đã thấy muộn màng.

Từ ông tiểu khu trưởng cho đến ông xây dựng nông thôn. Từ ông tù binh đến ông tù cải tạo. Ngồi dưới gốc cây thông già chúng tôi tuy không đoán được tương lai, nhưng đã phác họa xong một niềm mong ước.

Niềm mong ước như vậy có thực hiện được không? Ai sẽ có câu trả lời.

100 năm sau, đất nước có còn vẹn toàn không?

và thế giới người Việt hải ngoại sẽ ra sao? Ai sẽ có câu trả lời?....