California khó lòng dứt bỏ được di dân |
Tác Giả: Người Việt |
Chúa Nhật, 12 Tháng 9 Năm 2010 22:18 |
(OC Register) - California đang “trong cơn ghiền” lao động di dân. Trong hơn bốn thập niên qua, tiểu bang California trở nên lệ thuộc đậm sâu vào khối óc cũng như bắp thịt của di dân, tới mức mà không một tiểu bang hay quốc gia phát triển nào có thể so sánh được. Ðiều này đặt California vào tâm điểm của tranh luận mang tính cách chính trị về di dân, ít nhất là 3 lần trong lịch sử của tiểu bang. Vào lúc mà Quốc Hội đang chuẩn bị có hành động về vấn đề di dân, để giới hạn hay lấy thêm, để ban cho di dân bất hợp pháp “đường vào quốc tịch” hay để quấy nhiễu họ cho đến khi họ phải bỏ xứ mà đi. Thành công hay thất bại, tất cả còn tùy thuộc phần lớn vào chính sách ấy ở California mang đến kết quả nào. Alma Nieto, cư dân Orange, đang nhận bánh lễ của Linh Mục Avelino Orozceo ngay tại nhà mình. Năm 1984, bà vào Mỹ bất hợp pháp khi bò theo đường cống từ Tijuana sang San Diego. Nay bà là công dân Hoa Kỳ và làm quản lý văn phòng của một nhà thờ. (Hình: Cindy Yamanaka/OC Register) California nay là nhà của hơn 9.8 triệu di dân, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác ngoại trừ Nga và Ðức. Ða số họ ở đây hợp lệ, hậu quả của đợt di dân hợp pháp lớn nhất trong một thế kỷ. Một phần ba nhân công của California là di dân, tỉ lệ này cao hơn tất cả tiểu bang và quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, ngoại trừ Luxembourg. Họ thu nhập được $260 tỉ trong năm 2008, nhiều hơn tiểu bang chi tiêu để nhập cảng dầu, xe cộ và linh kiện điện tử gộp lại. Gần 1/10 nhân công của tiểu bang, tức 1.75 triệu người là di dân bất hợp pháp. Họ tụ về đây đông vì tuy Washington bỏ ra hằng tỉ dollar để tăng cường biên giới nhưng lại hầu như không làm gì cả để ngăn không cho họ đi tìm việc, một khi họ đã qua biên giới được trót lọt rồi hay visa đã hết hạn mà không bị bắt. Di dân chiếm hầu hết công việc mới tạo thêm ở California từ năm 1970. Không có họ, nhân lực của tiểu bang ắt đã teo thắt lại trong thập niên 1990. Theo dữ kiện của Census PUMS, di dân chiếm hết 52% tất cả công việc tạo ra trong thời gian từ 1970 đến 2008, và 70.6% từ 1990 đến 2008; trong thời gian thập niên 1990, nhân lực bản xứ bị giảm bớt 115,000. Năm 1861, William Brewer, sinh quán ở New York, tỏ ra kinh ngạc khi dự thánh lễ ở Mission Santa Barbara, trong đám đông giáo dân ông thấy có người Mỹ, Ái Nhĩ Lan, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và ngay cả hai người Trung Hoa nữa. Hồi đó ông viết, “Không đâu ngoài California mới có một nhóm người đa sắc tộc như thế.” Tuy nhiên trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của thập niên 1870, dân California da trắng thấy người Hoa là mối hiểm họa cho đời sống của họ. Họ hô hào “Người Hoa phải cút đi!” khiến đưa đến đạo luật tống xuất người Hoa của năm 1882, được coi là đạo luật giới hạn di dân đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Hai mươi lăm năm sau, California đòi hỏi giới hạn tương tự đối với người Nhật, và một lần nữa Washington đồng ý. Sau cùng vào năm 1924, Quốc Hội đặt vấn đề di dân Á Châu ra ngoài vòng pháp luật và giới hạn tối đa di dân từ Nam và Ðông Âu. Một so sánh cho thấy, trong năm 1860 ở California di dân chiếm hết 40% nhưng sang 1960 chỉ dưới 9% là người sinh ở ngoại quốc. Năm 1965, Quốc Hội ra một luật mới sửa đổi lại những khía cạnh có tính cách kỳ thị của luật năm 1924, đặt nền tảng hợp pháp cho một kỷ nguyên mới của sự di dân ồ ạt. Khi làn sóng di dân bắt đầu dâng cao trong hai thập niên 1980 và 1990, California đã có các cộng đồng di dân nhỏ sẵn sàng đón nhận những người mới đến. Kỹ sư từ Ấn Ðộ, dân tị nạn từ Somalia, di dân bất hợp pháp từ Guatemala, tất cả đều biết nằm lòng rằng chỉ ở California họ mới tìm được thức ăn quen thuộc, nghe được tiếng mẹ đẻ của mình và ngay cả gặp được những khuôn mặt quen thuộc. Kinh tế của California bị tan tác vào đầu thập niên 1990 trong cơn suy thoái của thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh, khiến hơn 1 triệu nhân công bản xứ tìm về quê nhà ở khắp các tiểu bang. Ðiều này tạo giai đoạn cho vấn đề lệ thuộc vào lao động di dân hiện nay. Họ bỏ California mà đi do sự cắt giảm công việc trong ngành kỹ nghệ hàng không vào thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh làm mất đi hằng trăm ngàn công việc lương cao. Lý do khác cũng do giá nhà ở tiểu bang này lên quá cao so với các nơi khác. Trong khi nhân công từ Iowa, Michigan và Texas lần lượt dọn ra thì từ Mexico, Philippines và hằng trăm nước khác, người ta lũ lượt kéo vào tìm việc. Tính đến năm 2008, lao động di dân vượt qua lực lượng bản xứ ở trong mọi hạng tuổi. Nếu không có di dân, lực lượng lao động của California sẽ bị hụt mất 100,000 người trong thập niên 1990. Thay vì vậy con số đã tăng đến 875,000. Chính di dân đã giúp cho California vực lại nền kinh tế của tiểu bang và giữ tăng trưởng mãi cho đến khi xảy ra cuộc Ðại Suy Thoái. Ngày nay di dân chiếm hết 2/3 công việc không cần kinh nghiệm của tiểu bang như làm gác dan, cắt cỏ hay thợ xây cất. (T.P.) |