VN cấm khiếu nại tập thể: Khi người thi hành luật... phạm luật |
Tác Giả: Tạ Phong Tần | ||
Thứ Sáu, 10 Tháng 9 Năm 2010 09:10 | ||
“Không tiếp nhận đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người". VIỆT NAM - Cách đây vài ngày, hàng loạt tờ báo trong nước, như Pháp Luật TP.HCM, Lao Ðộng, Hà Nội Mới, Công An Nhân Dân, và trang nhà của Thanh Tra Chính Phủ đồng loạt đăng bản tin: “Không tiếp nhận đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người". 'Thanh tra Chính phủ vừa ban hành quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Quy trình bắt đầu được thực hiện từ ngày 11 tháng 10. Theo đó, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm xử lý đơn trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn. Ðiều kiện để đơn được tiếp nhận, xử lý là: Viết bằng tiếng Việt và được ký tên trực tiếp; ghi rõ họ tên người khiếu nại, tố cáo và họ tên, địa chỉ cá nhân, tổ chức bị khiếu nại, tố cáo; đơn chưa được cơ quan tiếp nhận đơn xử lý hoặc đã được xử lý nhưng hiện cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới'
Ngoài ra, cơ quan hành chính nhà nước sẽ trả lại đơn khiếu nại có họ tên, chữ ký của nhiều người; gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người, trong đó đã gửi đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết,” nhưng không dẫn nguồn tin trên căn cứ vào văn bản pháp luật nào. Ðọc báo, người dân có thể hiểu rằng: “Ðơn khiếu nại có họ tên, chữ ký của nhiều người; gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người, trong đó đã gửi đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết sẽ bị cơ quan nhận đơn gởi trả hoặc mời người gởi đến trả lại đơn, sau đó người khiếu nại đi đâu, làm gì ‘tùy ý tụi mày,’ cơ quan nhà nước hết trách nhiệm.” Thanh Tra Chính Phủ ban hành thông tư trái luật Truy tìm căn cứ pháp luật của bản tin trên thì thấy Thông Tư 04/2010/TT-TTCP ngày 26 tháng 8, 2010 (có hiệu lực thi hành ngày 10 tháng 11, 2010) của Thanh Tra Chính Phủ, nguyên văn nội dung Ðiều 8 thông tư như sau: “Ðơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn đề xuất thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn và hướng dẫn người khiếu nại,viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc trả lại đơn được thực hiện theo mẫu số 05 ban hành kèm theo thông tư này.” Như vậy, ngoài việc “trả đơn” còn có “đính kèm” thêm trách nhiệm “hướng dẫn” nữa mà “báo ta” nín thinh không thèm nhắc đến. Căn cứ pháp luật để Thanh Tra Chính Phủ ban hành thông tư là Luật Khiếu Nại, Tố Cáo năm 1998 (sau đây gọi là KNTC); Luật Sửa Ðổi, Bổ Sung một số điều Luật KNTC năm 2004; Luật Sửa Ðổi, Bổ Sung một số điều Luật KNTC năm 2005; Nghị Ðịnh số 136/2006/NÐ-CP ngày 14 tháng 11, 2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KNTC và các Luật Sửa Ðổi Bổ Sung một số điều của Luật KNTC; Nghị định số 65/2008/NÐ-CP ngày 20 tháng 5, 2008 của chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh Tra Chính Phủ. Tuy nhiên, qua xem xét các văn bản pháp luật mà Thanh Tra Chính Phủ viện dẫn thì chỉ có duy nhất Ðiều 32 Luật Sửa Ðổi, Bổ Sung một số điều Luật KNTC năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 6, 2006) như sau: “Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý để giải quyết: 1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; 2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; 3. Người đại diện không hợp pháp; 4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết; 5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 6. Việc khiếu nại đã được tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Tòa án.” Không thấy có quy định nào cấm nhiều người cùng đứng đơn khiếu nại, tố cáo hoặc đơn khiếu nại, tố cáo nhiều người đứng tên thì không giải quyết. Hoặc cấm gởi đến nhiều cơ quan cùng một lúc. Theo tinh thần của Hiến Pháp Việt Nam (Chương V), thì công dân Việt Nam được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Căn cứ Ðiều 2, Luật Ban Hành Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật (số 17/2008/QH12 ngày 3 tháng 6, 2009, có hiệu lực thi hành ngày 1 tháng 1, 2009, sau đây gọi tắt là Luật BHVBPL) thì văn bản pháp quy có giá trị pháp luật cao nhất là Hiến Pháp (còn gọi là Luật mẹ), Bộ Luật, Luật, Nghị Quyết của Quốc Hội. Kế đến theo trình tự nhỏ dần xuống là Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, Thông tư của Chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao; Thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Quyết định của Tổng Kiểm Toán Nhà Nước; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội hoặc giữa chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao với Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao; giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao; giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Văn bản quy phạm pháp luật của Hội Ðồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân. Khoản 1, Khoản 5 Ðiều 3 Luật BHVBPL về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; 5. Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” Theo Ðiều 16 Luật BHVBPL thì thông tư là để “1. Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc Hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 2. Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; 3. Quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao,” nghĩa là thông tư được ban hành chỉ nhằm mục đích giải thích cho rõ, hướng dẫn cụ thể chi tiết thi hành những văn bản pháp luật cao hơn thông tư, chớ bản thân thông tư không có quyền tự ‘đẻ ra’ quy định mới trái với các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành. Ðối chiếu với các điều luật đã viện dẫn ở trên, rõ ràng Thông Tư 04/2010/TT-TTCP trái với Ðiều 32 Luật Khiếu Nại Tố Cáo, vượt quá thẩm quyền của thông tư là tự “đẻ ra” quy định mới cản trở quyền khiếu nại tố cáo chính đáng của dân nên nội dung Thông Tư 04/2010/TT-TTCP vừa trái luật trong nước mà vừa “cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” Vì cản trở quyền khiếu nại tố cáo là xâm phạm quyền con người được quy định tại Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Chính Phủ Việt Nam đã tham gia ký kết ngày 24 tháng 9, 1982. Căn cứ Ðiều 1 Luật BHVBPL, Thông Tư 04/2010/TT-TTCP vừa ban hành đã vượt quá thẩm quyền, trái với Luật Khiếu Nại Tố Cáo, trái với Ðiều 3 Luật BHVBPL nên sẽ không được nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội và cần phải nhanh chóng bị hủy bỏ. Kiện ở đâu để đảm bảo quyền lợi? Báo chí “lề phải” đáng lẽ phải giải thích rõ ràng, tạo sự an tâm cho người dân thì ngược lại, kiểu thông tin về Thông Tư 04/2010/TT-TTCP nói trên lại gây thêm hoang mang cho dân chúng. Trong khi chưa cơ quan có trách nhiệm nào lên tiếng về việc “nhỏ” (thông tư) mà “trèo cao,” “dạy đời” ngược lên “lớn” (kuật), cán bộ ngành Thanh Tra tất nhiên sẽ thực hiện chan chát quy định của ngành mình thì quyền khiếu nại tố cáo chính đáng của người dân sẽ bị xâm hại là chuyện có thể thấy trước mắt. Luật KNTC cho phép người KNTC được ủy quyền KNTC cho người đại diện hợp pháp, luật sư, và cũng không cấm nhiều người cùng ủy quyền cho một người đại diện thay mặt mình KNTC. Ðiểm e Khoản 1 Ðiều 17 Luật Khiếu Nại Tố Cáo quy định người khiếu nại có các quyền “khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính” thì tốt nhất người dân nên khởi kiện vụ việc đến Tòa án. Ðiều 4, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự (BLTTDS) quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức do bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.” Ðồng thời, Khoản 2, Khoản 3 Ðiều 163 BLTTDS quy định phạm vi khởi kiện như sau: “2. Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án. 3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền do bộ luật này quy định có thể khởi kiện đối với một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.” Theo Tiến Sĩ Luật Phan Hữu Thư: “Những đồng nguyên đơn trong một vụ kiện dân sự bao giờ cũng chỉ có kiện bị đơn, và yêu cầu của các đồng nguyên đơn không loại trừ nhau.” “Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức” tức là khái niệm “đồng nguyên đơn” và cũng là đơn “có họ tên, chữ ký của nhiều người” chớ có gì đâu mà lạ. Họa chăng chỉ có Thanh Tra Chính Phủ thấy “lạ” mà thôi. BLTTDS cũng cho phép các đồng nguyên đơn cùng ủy quyền cho một người khác hoặc một luật sư đại diện cho mình tham gia tố tụng trước Tòa, miễn là quyền lợi của các nguyên đơn thống nhất với nhau và không có điểm nào mâu thuẫn nhau. Trong khi chờ đợi Tòa án thụ lý và giải quyết vụ kiện, nguyên đơn có toàn quyền gởi tờ trình, tờ tường thuật, tờ kiến nghị, tờ yêu cầu, tờ v.v... đến bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào mà nguyên đơn thấy cần thiết nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. *** Theo báo điện tử Chính Phủ, năm 2009 “Thanh Tra Chính Phủ đã xử lý 43,830 trong tổng số 44,220 đơn thư tiếp nhận.” Riêng 6 tháng đầu năm 2010, “Thanh Tra Chính Phủ đã tiếp nhận 11,954 đơn (số đơn giảm 43% so với cùng kỳ năm 2009),” nguyên nhân nào số đơn giảm thì chưa biết. Rõ ràng, con số đơn thư KNTC không hề nhỏ đã gây áp lực lớn cho cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, để giảm bớt KNTC thì tìm cách cản trở, gây khó khăn cho người KNTC không phải là cách hay để hạn chế tình trạng KNTC, làm như thế chẳng khác nào cố nén hơi trong một quả bóng không cho thoát ra ngoài. Người xưa có câu: “Con giun xéo lắm cũng quằn,” “tức nước vỡ bờ,” nếu bị cản trở đến một lúc nào đó những bức bối của người dân dồn nén quá nhiều tất sẽ bùng nổ thì hậu quả khôn lường. Chỉ có cách giải quyết tận gốc nguyên nhân sâu xa của KNTC bằng cách xử lý khách quan, toàn diện, công bằng, hợp tình, hợp lý mới tháo gỡ được “cái van” mâu thuẫn một cách an toàn. |