Việt Nam bí mật thỏa thuận mua $3.2 tỷ vũ khí, quân cụ của Nga |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Tư, 08 Tháng 9 Năm 2010 14:05 |
Tiết lộ trong bài báo về nhà máy điện hạt nhân sắp xây HÀ NỘI - Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 2 đã ký thỏa thuận mua trang bị quân sự của Nga với trị giá lên tới $3.2 tỷ, báo Financial Times hôm 6 tháng 9 tiết lộ trong bài về việc Nga và Mỹ cạnh tranh thị phần điện hạt nhân tại Việt Nam. Bài báo chỉ tiết lộ con số tổng giá trị. Chi tiết của thỏa hiệp này không được tiết lộ, và được cho là có liên quan đến việc Nga trúng thầu xây một nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam. Khách dự hội chợ đứng xem mô hình lò điện hạt nhân của Nga trong cuộc triển lãm quốc tế về An Toàn Năng Lượng Ðiện Hạt Nhân tổ chức ở Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 2010. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) Gần đây, cả Nga cũng như Mỹ đều đang vận động ráo riết, tạo ảnh hưởng với Việt Nam để xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Không riêng gì Nga với Mỹ, mà Nhật Bản, Trung Quốc, Ðại Hàn, Pháp, Ấn Ðộ cũng đều chào mời, đưa đề nghị giúp xây dựng lò điện hạt nhân, và huấn luyện nhân sự điều hành. Giữa tháng 12 năm ngoái, Nguyễn Tấn Dũng đến Moscow. Nhiều thỏa hiệp đã được ký kết trong dịp này, có cái được loan báo, có cái không. Mãi hai tháng sau, ông ta mới tiết lộ hai lò điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam dự trù hoàn tất vào năm 2020 sẽ do công ty con của Rosatom là Atomstroiexport thầu xây dựng. Trước đó, khi còn ở thủ đô Nga, sau khi báo chí địa phương tiết lộ thì ông ấy mới nhận có mua 6 tàu ngầm hạng kilo. Theo bản tin trên tờ Financial Times ở Luân Ðôn, ông Dũng dự trù sẽ đồng ký bản hợp đồng xây dựng 2 lò điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam với Tổng Thống Nga Dimitry Medvedev khi ông này đến Hà Nội vào tháng 10 tới đây. Kirienko và nhiều viên chức Nga khác, thời gian gần đây, bay tới Hà Nội là để chuẩn bị chi tiết cho một số thỏa hiệp, trong đó quan trọng nhất là thỏa hiệp xây dựng 2 lò điện hạt nhân đặt tại Ninh Thuận và có thể cả mua sắm trang bị võ khí. Trong khi đó, Hà Nội cũng đang tiến hành các thương thảo với chính phủ Hoa Kỳ một thỏa hiệp gọi là Mục 123 (Section 123) mà nếu xong, sẽ cho Hoa Kỳ cơ hội xuất cảng kỹ thuật, trang bị lò điện hạt nhân của Mỹ tới Việt Nam. Công ty xây dựng điện năng Westinghouse Electric của Mỹ và công ty liên doanh điện năng nguyên tử Hitachi-GE Nuclear Energy của Nhật-Mỹ, cả hai đều dùng kỹ thuật của Mỹ, đều đang cố gắng bỏ thầu cho dự án xây dựng điện hạt nhân tiếp theo tại Việt Nam. Một đoàn chuyên viên điện nguyên tử Hoa Kỳ đã đến Hà Nội hồi đầu tháng 7 bàn thảo chi tiết của Mục 123 mà đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho hay, theo ông, một khung pháp lý có thể thành hình vào cuối năm nay. Việt Nam chưa hề cho biết lý do rõ rệt nào đã dẫn đến quyết định chọn công ty Nga Rosatom để xây 2 lò điện hạch tâm đầu tiên. Tại cuộc hội thảo quốc tế về An Toàn Ðiện Hạt Nhân tổ chức ở Hà Nội vào đầu tháng 6, một trong những chuyên viên của Việt Nam nói rằng các lò phản ứng hạt nhân dùng kỹ thuật nước nặng của Nga biểu lộ hiệu suất cao hơn các lò cùng loại dùng kỹ thuật Tây phương, mà giá lại còn rẻ hơn. Tới đây, báo Financial Times trích dẫn các nhà phân tích, lưu ý rằng khi đến Nga hồi tháng 2 vừa qua ký thỏa ước xây dựng lò điện hạt nhân đầu tiên, ông Dũng đã đặt hàng để mua một lượng trang bị võ khí. Giá trị số trang bị quân sự này, theo báo Financial Times, lên đến $3.2 tỉ đô la. Các điều kiện liên quan đến thỏa hiệp mua sắm quân sự không được nói ra, và được cho là lý do Việt Nam dành cho Nga xây dựng 2 lò điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận. Tại Hà Nội hồi tháng 7, vào khoảng thời gian chuyên viên của hai nước Mỹ-Việt thảo luận về Mục 123, bà Hillary Clinton đến Việt Nam tham dự Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực ASEAN mở rộng cấp ngoại trưởng, gián tiếp tuyên bố hậu thuẫn cho quan điểm Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông với Trung Quốc. Tháng 8 vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam lần đầu tiên diễn tập chung một số luấn luyện giới hạn về cấp cứu, tìm kiếm trên biển. Cho dù có ký một thỏa ước về hợp tác năng lượng hạt nhân với Bắc Kinh, có vẻ như Việt Nam không sẵn sàng mua lò điện hạt nhân của Trung Quốc. Việt Nam cũng từng thỉnh thoảng họp với viên chức công ty Pháp về năng lượng nguyên tử, đặc biệt là về vấn đề an toàn. Dường như các công ty Ðại Hàn không có hy vọng gì trong cuộc chạy đua. Chính phủ Nhật đã vận động ở mức cao nhất của cả hai chính phủ để dành các hợp đồng kế tiếp hợp đồng Việt Nam ký với Nga. Một liên minh của chính phủ và các công ty điện năng Nhật Bản đã được thành hình để xúc tiến hy vọng hiệu quả hơn cho hợp đồng. Với nhiều yếu tố khác nhau cộng lại, vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam mà Hà Nội từng bắn tiếng tổng số lên đến hơn chục nhà máy, không thuần túy là chuyện giải quyết nạn thiếu điện đang diễn ra rất cấp bách. Theo Financial Times, giới chuyên viên Việt Nam tin rằng sự lựa chọn công ty nào của nước nào để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai, tùy thuộc vào các cân nhắc chiến lược. Trong vấn đề an ninh quốc phòng, Việt Nam thường nói muốn làm bạn với tất cả các nước. Nhưng cái tình nó tăng gấp đôi đối với các cường quốc quân sự và đồng thời có kỹ thuật nguyên tử. |