Sóng ngầm trong quan hệ Trung - Nhật |
Tác Giả: BBC |
Thứ Tư, 08 Tháng 9 Năm 2010 08:26 |
Vụ va chạm ngoài khơi Senkaku hay Điếu Ngư đảo đang thu hút chú ý của dư luận quốc tế và khiến giới chức cao cấp của Nhật Bản và Trung Quốc vào cuộc. Chiếc tàu cá Trung Quốc trong vụ va chạm gần Senkaku hay Điếu Ngư Trong cuộc họp báo hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản, ông Naoto Kan lên tiếng nói "chủ quyền của Nhật Bản là rõ ràng" ở vùng Senkaku. Các tin quốc tế hôm 8/9 cho hay phía Nhật Bản vẫn giữ thuyền trưởng chiếc tàu cá mang số hiệu 5179 từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Phát ngôn viên Cục Tuần tra biển của Nhật Bản, ông Daisuke Takahashi cho hay người thuyền trưởng đang bị thẩm vấn. Còn 14 thành viên thủy thủ đoàn còn lại cũng sẽ bị tra hỏi nhưng sẽ được thả tự do nếu phía Trung Quốc cử tàu đón họ. Điếu Ngư đảo thuộc vùng biển lịch sử của Trung Quốc /Tân Hoa Xã Công tố viện Nhật đang xem xét có xử người thuyền trưởng tội cố ý gây hại cho hai tàu tuần tra Nhật hay không. Theo phía Nhật, chiếc tàu 5179 đã hai lần đâm vào thành tàu của Nhật và bỏ chạy. Vụ đâm vào hai tàu Nhật Yonakuni và Mizuki bị coi là vi phạm luật hình sự nước này. Trong khi đó, báo chí Trung Quốc nhìn nhận vụ việc khác hẳn phía Nhật Bản. Tân Hoa Xã cùng ngày 8/9 viết rằng "Hai tàu Nhật va nhau với tàu cá của Trung Quốc". Hãng tin nhà nước TQ cũng viết rằng Bộ Ngoại giao nước này "phản đối mạnh mẽ hành động Nhật Bản bắt giữ ngư dân của Trung Quốc". Tân Hoa Xã khẳng định "Điếu Ngư đảo thuộc vùng biển lịch sử của Trung Quốc". Ở Trung Quốc, Hong Kong và cả Đài Loan, vụ việc đang làm dấy lên làn sóng phản đối Nhật Bản. Có một cuộc biểu tình nhỏ ở Bắc Kinh trước Sứ quán Nhật Bản, và nhà chức trách để cho phóng viên nước ngoài thu âm những khẩu hiệu bài Nhật của một số người. Người biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh đòi Nhật 'biến đi' khỏi vùng đảo Điếu Ngư Trả lời BBC Tiếng Trung từ London, người tổ chức một cuộc phản đối khác ở tỉnh Phúc Kiến đổ lỗi cho Nhật Bản "làm hại ngành ngư nghiệp Đài Loan, và nay nhắm vào ngư dân từ Trung Quốc lục địa". Họ cũng nói đang muốn thuê một chiếc thuyền đi ra đảo Điếu Ngư để tổ chức biểu tình, để thể hiện sự ủng hộ với các ngư phủ và cho rằng "Phải có hành động đáp trả Nhật Bản". Được biết các nhóm dân sự từ Hong Kong và Đài Loan cũng đã hẹn nhau vào Chủ Nhật tới sẽ bơi thuyền ra Điếu Ngư để phản đối Nhật Bản. Sóng ngầm Trung - Nhật Bài trên AP cho rằng "tranh chấp lãnh thổ là sóng ngầm làm xáo trộn quan hệ Nhật - Trung vốn đã không êm thắm dù có các nỗ lực cải thiện". "Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, đòi hỏi các nguồn tài nguyên ngày một nhiều và các tàu thuyền thương mại của họ nay đi xa bờ hơn trước, và hải quân hùng mạnh hơn cũng đang khẳng định tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp." Nhưng vụ gần đảo Điếu Ngư hay Senkaku không phải là đầu tiên. Vẫn theo AP, tháng trước, một tàu nghiên cứu biển của Trung Quốc đã vào vùng kinh tế đặc quyền của Nhật không báo trước, vi phạm thỏa thuận hai bên. Hồi tháng 4/2010, một trực thăng của TQ cũng bay vào cách thuyền của hải quân Nhật trong vòng 300 mét trong đợt tập trận của Trung Quốc. Sự quan tâm cũng đến từ báo chí Mỹ với tờ Wall Street Journal chạy tựa rằng vụ va chạm "đổ dầu vào lửa" trong tranh cãi vốn chưa hết giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tờ báo trích lại hãng tin Kyodo của Nhật nói Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng Yoshito Sengoku chỉ đạo cho chính phủ Nhật giải quyết vụ việc một cách bình thản, và "làm theo đúng luật pháp". Bài của Yoree Koh trên Wall Street Journal cũng không quên nhắc đến bối cảnh "Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ không chỉ với Nhật Bản mà còn đang so găng với cả các nước khác như Nam Hàn và Việt Nam". Tác giả cũng trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Katsuya Okada nói với phía Trung Quốc trong những tháng qua về "thế lực quân sự và kho vũ khí hạt nhân tăng lên" của Trung Quốc, gây ra các lo ngại trong khu vực. Riêng về chủ quyền tại vùng đảo tranh chấp, nhà báo Đỗ Thông Minh từ Tokyo cho BBC Tiếng Việt hay rằng người Nhật gọi đảo là Senkaku (Tiêm Các), nơi họ chiếm giữ cùng lúc chiếm Okinawa từ thời Minh Trị, khi nhà Thanh của Trung Quốc suy yếu. Vẫn theo ông Minh, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh năm 1945, hiệp ước San Francisco năm 1951 trao cho Nhật kiểm soát các hòn đảo này. Ông cũng cho hay Trung Quốc và Nhật Bản vẫn tranh chấp về quyền khai thác nguồn khí đốt ngoài biển nằm giữa hai nước. Phía Nhật Bản xem xét hư hại của tàu Mizuk |