Home Tin Tức Thời Sự Vì đâu California hụt $700 triệu trợ cấp giáo dục?

Vì đâu California hụt $700 triệu trợ cấp giáo dục? PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Hai, 06 Tháng 9 Năm 2010 21:08

Hai lần đơn xin tài trợ 'Race to the Top' bị bác

LONG BEACH, California (NV) - Ðã có lúc, ông Chris Steinhauser nuôi hy vọng sẽ mang về được thêm $18 triệu cho học khu Long Beach, nơi ông làm tổng quản trị.

Số tiền $18 triệu đó học khu này có thể có được, nếu đơn xin tiền tài trợ “Race to the Top” của tiểu bang California được chính phủ liên bang chấp thuận. Ngân sách năm 2010-2011 của học khu Long Beach là $931 triệu. Ðược thêm $18 triệu nữa sẽ giúp Long Beach có thêm tiền mua sách, mua dụng cụ dạy học, sửa sang trường lớp, trả lương giáo viên, giảm số người bị lay off.

Lễ tốt nghiệp trung học La Quinta, thuộc học khu Garden Grove, năm 2010. Niên khóa 2010-2011, học khu này dự trù sẽ có thu nhập thấp hơn năm trước 5%.

Ðơn xin tiền tài trợ “Race to the Top” của California bị liên bang bác hai lần liên tiếp, và nhiều người cho rằng nghiệp đoàn giáo chức gây ra trở ngại này. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Nhưng, bất kể cố gắng của chính quyền tiểu bang, và cả của các giới chức giáo dục địa phương như ông Steinhauser, đơn xin tài trợ của California đã bị bác.

Không phải một lần, mà hai lần liên tiếp đơn xin bị bác. California đã bị mất cơ hội xin được tiền tài trợ giáo dục lên tới $700 triệu cho tiểu bang. Và nếu không vượt qua được khúc mắc về việc đánh giá thầy cô, đơn xin sẽ vẫn tiếp tục bị bác tới nhiều lần sau nữa.

Ngân quỹ “Race to the Top“

“Race to the Top” là một ngân quỹ lên tới $3.4 tỷ, do chính quyền Obama dành cho việc cải tổ giáo dục tại các tiểu bang. Ðể hội đủ điều kiện được tiền tài trợ này, các học khu nộp đơn phải đưa ra một chương trình cải tổ tập trung vào 4 điểm chính: (a) phương pháp đánh giá khả năng giáo viên, (b) thiết lập một cơ sở dữ liệu (database) để đo lường tiến trình của học sinh, (c) chính sách tuyển lựa, phát triển và khen thưởng giáo viên, (d) cải thiện những trường hiện đang có những thành quả kém.


Trong một buổi họp Hội Ðồng Giáo Dục Học khu Los Angeles vào tháng 4, thầy cô chống đối việc cắt việc làm của giáo chức vì thiếu ngân quỹ. (Hình: David McNew/Getty Images)

Xét riêng về phương pháp đánh giá khả năng giáo viên, “Race to the Top” đòi hỏi hệ thống giáo dục của tiểu bang phải sử dụng điểm các bài thi trắc nghiệm chuẩn (standardized test scores) của học sinh trong việc đánh giá khả năng giáo viên.

Nói cách khác, điểm thi của học sinh sẽ được dùng để đánh giá thầy cô. Ðây là khúc mắc lớn gây mâu thuẫn với giới giáo chức.

Nghiệp đoàn Giáo Chức California (California Teachers Association - CTA), trong nhiều năm nay hoàn toàn phản đối việc dùng điểm thi trắc nghiệm chuẩn của học sinh để đánh giá giáo viên. Mà nếu việc này không thực hiện được, thì sẽ không có tiền của “Race to the Top.”

Báo Người Việt đã nhiều lần để lại tin nhắn với đại diện của CTA yêu cầu phỏng vấn nhưng không có hồi âm.

Cải tổ “toàn diện và chặt chẽ” vẫn chưa đủ

Vào tháng 3, các học khu tiểu bang California lần đầu tiên nộp đơn xin tiền tài trợ “Race to the Top.” Nhiều học khu trên toàn tiểu bang California cam kết sẽ cải tổ phương pháp đánh giá giáo viên, theo đó, điểm thi của học sinh sẽ được dùng vào việc đánh giá giáo viên. Ðơn xin tiền viết rõ là điểm thi trắc nghiệm chuẩn của học sinh có tầm ảnh hưởng 30% trong việc đánh giá khả năng thầy giáo.

Ông Steinhauser, người tổng quản trị học khu Long Beach, thông cảm phần nào với quan điểm của nghiệp đoàn giáo chức. Ông nói, cả hai quan điểm cực đoan, một bên hoàn toàn không chấp nhận dùng điểm thi, một bên chỉ dùng điểm thi như thước đo duy nhất để đánh giá giáo viên “đều không chính đáng.”

“Quan trọng hơn cả, trong đơn xin tiền, các học khu đã cam kết là điểm thi chỉ có 30% ảnh hưởng đến việc đánh giá giáo viên. Ðiều này với tôi là hợp lý!” Ông Steinhauser nói.

Trước khi nộp đơn, các học khu thương lượng với đại diện địa phương của CTA để đi đến một thỏa thuận là tiểu bang sẽ có một hệ thống đánh giá thầy cô mới.

 Một buổi họp của Ban Quản Trị học khu Los Angeles để bàn về việc phải sa thải khoảng 1,600 giáo viên vào tháng 4, năm 2010, vì thiếu ngân sách trầm trọng. Trước tình trạng này, đơn xin grant từ quỹ “Race to the Top” của California lại một lần nữa bị từ khước. (Hình: David McNew/Getty Images)

Tuy nhiên, đại diện của CTA đã quyết định không đồng ý và không chịu ký vào đơn này. Kết quả là ban quản trị của các học khu quyết định vẫn cứ nộp đơn, bất kể không có sự hậu thuẫn của CTA.

Ðơn xin tiền của California, gửi kèm với tập hồ sơ dài 88 trang, được ủy ban xét đơn gồm 5 người khen ngợi là đã trình bày một “chương trình cải tổ toàn diện và chặt chẽ.” Tuy nhiên, ủy ban này vẫn khước đơn của tiểu bang, lý do là vì họ không tin tưởng là việc đánh giá giáo viên theo công thức mới, với 30% là điểm thi của học sinh, sẽ thực hiện được. Họ không tin là các học khu sẽ làm được việc này, khi CTA không ký tên ủng hộ.

Trước sự bất hợp tác của nghiệp đoàn giáo chức, nhiều người đổ thừa tại nghiệp đoàn này mà California mất phần tài trợ.

Ông Nathan Kim, cựu giáo viên học khu ABC ở Los Angeles, phát biểu thẳng thừng với báo Người Việt: “CTA và những giáo viên dạy kém đã làm California mất cơ hội có thêm $700 triệu cho ngân sách giáo dục.”

Tuy nhiên, ông Larry Aceves, cựu tổng quản trị học khu Franklin-McKinley ở San Jose, và hiện đang tranh cử chức Tổng Quản Trị Giáo Dục tiểu bang một mặt đồng ý rằng việc Nghiệp Ðoàn Giáo Chức California không ủng hộ việc dùng điểm thi trắc nghiệm chuẩn để đánh giá giáo viên đã khiến California mất điểm, nhưng mặt khác ông cho rằng lý do chính khiến California không xin được tiền là vì California không có cơ sở dữ liệu (database) để đo lường tiến trình của học sinh, vốn là một trong 4 điều kiện để xin tiền “Race to the Top.”

Ðiểm thi trắc nghiệm chuẩn

Ngân sách “Race to the Top” của chính quyền Obama không phải là lần đầu tiên chính quyền liên bang đặt vấn đề điểm thi của học sinh đối với thầy cô các em. Nhiều đời tổng thống trước đây, ít nhất là từ thời Tổng Thống Bill Clinton, đã đặt vấn đề này.

Tổng Thống George W. Bush năm 2001 đưa ra luật “No Child Left Behind.” Theo luật đó, để học khu địa phương được nhận tiền tài trợ của liên bang, tất cả học sinh trên toàn nước Mỹ phải trải qua những cuộc thi trắc nghiệm chuẩn. Những cuộc thi này do tiểu bang tự tổ chức, và điểm thi của các em được ghi nhận và so sánh với các học sinh khác cùng lớp trong cùng tiểu bang.

Trong những cuộc thi này, mọi học sinh, bất kể từ học khu giầu hay nghèo đều được dự thi trong một khung cảnh giống nhau, với những câu hỏi giống nhau, và cách chấm điểm giống nhau. Hai môn chính được cho thi là Toán và Anh ngữ.

Kể từ những ngày đầu tiên, những kỳ thi này và điểm thi đã là đề tài của nhiều cuộc tranh cãi dai dẳng.

Người ủng hộ cho rằng phải có một điểm chuẩn thì mới có thể so sánh được trình độ của học sinh trường này với trường khác, học khu này với học khu khác.

Người chống có quan điểm rằng chú trọng vào điểm thi sẽ khiến các thầy cô mất bớt đi chức năng của nhà giáo dục, mà trở thành những người luyện thi.

Nghiệp đoàn giáo chức không ủng hộ việc dùng điểm thi trắc nghiệm chuẩn để đánh giá giáo viên vì họ cho rằng điều này không công bình.

Không đồng ý dùng điểm thi

Ông Andrew Nguyễn, ủy viên giáo dục học khu Westminster nói với phóng viên báo Người Việt rằng việc đánh giá một giáo viên rất phức tạp, “không thể chỉ dùng một yếu tố như điểm thi,” vì “hoàn cảnh gia đình của học sinh cũng ảnh hưởng đến việc học của các em rất nhiều, và học sinh của gia đình nghèo chắc chắn sẽ có điểm thấp.”

Ông Michael Matsuda, chủ tịch học khu Ðại Học Cộng Ðồng Bắc Quận Cam, cho rằng các học khu không có đủ thì giờ để chuẩn bị cho việc xin tiền. Ông nói:

“Trong 28 học khu của quận Cam, chỉ có học khu Santa Ana là nộp đơn xin tiền của quỹ Race to the Top, những học khu còn lại quyết định không tham dự. Lý do là vì chúng tôi bị thúc đẩy làm đơn trong thời gian quá gấp gáp, không đủ thì giờ để cân nhắc.”

Ngoài ra ông Matsuda cũng cho rằng chú trọng quá vào điểm thi sẽ khiến nền giáo dục trở nên lệch lạc, thiếu bao quát.

Trả lời câu hỏi của báo Người Việt là có nên dùng dùng điểm thi trắc nghiệm chuẩn để đánh giá giáo viên không, ứng cử viên Tổng Quản Trị Giáo Dục Aceves phát biểu:

“Ðiểm thi có thể được dùng như một trong những yếu tố đánh giá giáo viên, nhưng chỉ có thể là một trong những yếu tố.”

Tuy nhiên ông Aceves cho rằng những tranh cãi gần đây về đề tài này, nhất là sau khi tờ Los Angeles Times công bố điểm thi của học sinh trong học khu Los Angeles, đã khiến cho Nghiệp Ðoàn Giáo Chức Los Angeles là ông A. J. Duffy nhận ra rằng nghiệp đoàn phải ngồi xuống để thảo luận với các học khu về việc đưa ra một chương trình đánh giá giáo viên một cách hữu hiệu hơn.

“Rõ ràng là nền giáo dục của California cần phải thay đổi, từ hạng thứ 10 cách đây 13 năm, California giờ đã thụt xuống hạng 48 trong 50 tiểu bang.” Ông Aceves khẳng định.

Ông Aceves nói thêm: “Sở dĩ chúng ta ở vào tình trạng này là kết quả cách dạy học của các giáo viên, những môn họ dạy, và cả cách đánh giá giáo viên nữa. Cho nên cũng chỉ có thể đổ lỗi cho Nghiệp Ðoàn Giáo Chức một phần thôi.”

Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, ủy viên Giáo Dục học khu Garden Grove cho rằng tự chính sách của ngân quỹ Race to the Top đã “không được hoàn hảo” khi đặt tầm quan trọng vào việc dùng điểm thi trắc nghiệm chuẩn để đánh giá giáo viên. Tiến Sĩ Kim Oanh cho là “làm như thế là đẩy giáo viên vào việc dạy theo bài thi (teach to the test),” trong khi đó nhu cầu của học sinh là phải được giáo dục một cách bao quát.

Lỗi tại CTA?

“Tôi có thể hiểu được tại sao CTA không ủng hộ việc dùng điểm thi để đánh giá giáo viên vì học sinh thuộc những học khu nghèo thì có ngân quỹ rất ít, cha mẹ lại không có điều kiện quan tâm nhiều đến việc học của con em, thì dù thầy cô có dạy hay đến đâu các em cũng khó tiến. Vì thế dùng điểm thi để đánh giá họ thì không công bình,” Tiến Sĩ Kim Oanh nói.

Trong khi đó, theo Tiến Sĩ Phạm Kim Long, ủy viên Hội Ðồng Giáo Dục Quận Cam thì “CTA là một tập đoàn rất có thế lực” và, nếu họ không đồng ý thay đổi cách đánh giá giáo viên thì hệ thống giáo dục của California rất khó được thay đổi.

“Tính chất của nghiệp đoàn là thế! Họ bảo vệ cho thành viên của họ, những thầy cô đóng tiền niên liễm, chứ không phải là bảo vệ cho nền giáo dục.” Tiến Sĩ Phạm Kim Long nói.

“Vì CTA mà tiểu bang chúng ta hiện đang có hệ thống giáo dục đắt nhất và kém hữu hiệu nhất,” ông khẳng định.

“Tôi nghĩ sở dĩ CTA không đồng ý với việc dùng điểm thi trắc nghiệm chuẩn để đánh giá giáo viên, vì nếu như thế thì các thầy cô không cần sự bảo vệ của họ nữa.”

Một số báo chí cũng đòi hỏi dùng điểm thi để đánh giá thầy cô. Trong một bài xã luận mang tựa đề “Giáo dục: Tin lành, tin dữ, viết thẳng thừng,” báo Union Tribune ở San Diego viết ngày 27 tháng 8:

“Một lĩnh vực mà tiểu bang California rõ ràng đang đứng sau các tiểu bang khác là việc đòi hỏi các giáo viên chịu trách nhiệm trong việc nâng điểm thi trắc nghiệm chuẩn cho học sinh.”

“Khả năng nâng cao điểm thi trắc nghiệm chuẩn cho học sinh chắc hẳn phải là một trong những phương pháp đánh giá sự hữu hiệu của một giáo viên.”

Trong lúc CTA vẫn tiếp tục chống đối việc dùng điểm thi trắc nghiệm chuẩn của học sinh để đánh giá thầy cô, giới phân tích cho rằng viễn ảnh xin tiền đợt ba của tiểu bang California sẽ tiếp tục không khả quan. Ông Arne Duncan, bộ trưởng Giáo Dục của chính quyền Obama, muốn đẩy mạnh việc dùng điểm của học sinh như một yếu tố để đánh giá giáo viên, cũng như đẩy mạnh việc phải công bố kết quả điểm thi trắc nghiệm chuẩn của học sinh từng học khu.

Trong khi các chuyên viên giáo dục còn chưa đồng tình với nhau trong cách đo lường kết quả giảng dạy, cơ hội kiếm thêm nhiều trăm triệu tiền ngân sách giáo dục sẽ còn tiếp tục xa vời.