Home Tin Tức Thời Sự Những loại “siêu ngũ cốc” để nuôi gần 10 tỉ miệng ăn giữa thế kỷ 21

Những loại “siêu ngũ cốc” để nuôi gần 10 tỉ miệng ăn giữa thế kỷ 21 PDF Print E-mail
Tác Giả: Hồng Quang   
Chúa Nhật, 05 Tháng 9 Năm 2010 04:18

Hơn cả chiến tranh, đói kém là vấn đề đáng sợ. 

Khi con người càng lúc càng đông đúc, cái “sự đông đúc đó” sẽ khiến con số gia tăng lại càng nhanh hơn bội phần. Thời của Mao Trạch Đông thập niên 1950, dân số Trung Hoa khoảng từ 550 đến 650 triệu, giờ đây hơn 1 tỉ 300 triệu!

 
   Những loại “siêu ngũ cốc” để nuôi gần 10 tỉ miệng ăn giữa thế kỷ 21 

Dân số Địa Cầu hiện nay khoảng 6 tỉ 200 triệu, nhưng chỉ 50 năm nữa thôi, dù bao nhiêu kế hoạch sinh sản có ‘khoa học’ đến đâu, dân số toàn cầu sẽ tăng từ 9 đến 10 tỉ, một con số làm choáng váng chúng ta nhưng sẽ trở nên ‘thân thiết’ với các em bé 10 tuổi hiện nay khi chúng bắt đầu về già…

Hơn cả chiến tranh, đói kém là vấn đề đáng sợ, vì phạm vi gây ảnh hưởng của nó có khi lên tới hàng tỉ người. Rosemond Naylor, giáo sư môn an toàn thực phẩm đại học Stanford, cho là ‘hai yếu tố cộng lại khiến nạn đói sẽ thêm trầm trọng là nghèo khổ và tình trạng gia tăng nóng ấm toàn cầu’.

Ngay từ bây giờ, nhiều nhà khoa học đã biết suy tính nhiều đưòng hướng chống lại viễn ảnh “cái ăn cái mặc’ của nhân loại torng vòng 5 thập niên tới và một trong các câu trả lời nằm trong việc nghiên cứu và phát tán ra các loại “siêu ngũ cốc”.

Giáo sư Naylor cho là “sẽ có những loại ngũ cốc chịu được hạn hán, nhiệt độ cao, chịu đựng các cuộc tấn công phá hoại của côn trùng sâu bọ đủ loại, các dạng bệnh cây cỏ đáng sợ, nhờ kỹ thuật ‘genetic engineering’ càng lúc càng sắc sảo của giới khoa học nông nghiệp.

Nhưng nhu cầu cấp bách là “ăn chắc mặc bền”, tức là làm sao tạo ra càng nhiều các ngũ cốc, các loại thực phẩm đủ chất dinh dưỡng cho hàng trăm triệu người đang đói hàng ngày. Những thực phẩm “siêu hạng”đó là gì?

Đầu tiên là fonio (Digitaria exilis), một loại hạt kê rất được ưa chuộng ở tây Phi Châu. Dân tộc Dogon thuộc Cộng hòa Mali nói nhân loaị lại xuất phát từ một hạt fonio. Loại hạt này mọc mạnh ở vùng đất nóng và khô, lại chứa nhiều amino acid, khi làm ra bột rất ngon có thể chế biến thành bánh mì, cháo, pasta và cả bia.

Vấn đề cho các nhà khoa học là làm sao cải tiến cách thu hoạch hạt fonio cho hiệu quả hơn. Vì hạt này tương đối nhỏ, dễ thất lạc khi thu hoạch. Thứ nhì là loại rễ củ khoai mì có tên là cassava (Manibot esculenta), vốn là thực phẩm chính yếu cho 250 triệu người dân Châu Phi.

 
Những loại ngũ cốc tương lai nuôi sống con người. Photo courtesy: AP 

Các khoa học gia chiết thêm nhiều loại gene mới cho thực phẩm cổ truyền này, khiến nó chứ thêm nhiều vitamins cần thiết. Tại Nigeria, các cánh đồng thí nghiệm cassava mới có thể cứu mạng tới 30,000 người hàng năm vì thiếu ăn.

Thứ ba là breadfruit (Artocarpus altilis), tràn lan khắp vùng Xích Đạo, có họ hàng xa gần với cây fig (cây sung), cho ra một thứ trái to chứa nhiều chất sợi, carbohydrates và chất khoáng. So với ngô và gạo thì breadfruit ít cần đất hơn, ít cần nước và công việc trồng trọt thu hoạch đỡ vất vả hơn nhiều. Hiện nay một loại giống mới trồng nhanh lớn sớm đang được phân phối rộng rãi.

Thứ tư là pigeon pea (Cajanus cajan), loại đậu rất giàu protein trồng dễ dàng ở Ấn Độ, Trung Hoa, nam sa mạc Sahara và Nam Mỹ. Nó có khả năng chống hạn hán cừ khôi do có rễ khá sâu, làm đất màu mỡ và ít bị xói mòn. Các nhà khoa học đang tạo ra nhiều loại giống mới trồng xen kẻ với ngô để tăng thêm thu hoạch.

Sau cùng là siêu gạo (golden rice). Khi ghép các loại genes của hoa thủy tiên (daffodil) vào giống gạo thường, người ta tạo ra được giòng gạo chứa nhiều beta carotene, một nguồn vitamine A hết sức cần thiết.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết hàng triệu trẻ em khắp thế giới tránh được bệnh mù lòa và chết sớm do thiếu vitamin A nhờ loại ‘gạo vàng’ này. Hiện nay nhiều thí nghiệm lai giống golden rice với các loại lúa địa phương ở nhiều quốc gia Đông Nam Á cho ra các kết quả rất đáng khích lệ.

Hồng Quang theo nguyệt san Smithsonian