Home Tin Tức Thời Sự Dầu Hỏa ở Biển Đông

Dầu Hỏa ở Biển Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Dương Ðông/Người Việt   
Thứ Ba, 31 Tháng 8 Năm 2010 12:02

Ngoài lợi thế về giao thông hàng hải, một tài nguyên khác của Biển Ðông mà nhiều người nhắc tới là dầu hỏa.

Trữ lượng dầu hỏa ở Biển Ðông nhiều ít ra sao, và có giá trị như thế nào?

Vấn đề này được nhắc tới trong tuyển tập “War or Peace in the South China Sea?” (Chiến tranh hay hòa bình ở Biển Ðông?) do Viện Bắc Âu Nghiên Cứu Á Châu (Nordic Institute of Asian Studies - NIAS), xuất bản năm 2002. NIAS là một viện nghiên cứu do chính phủ các nước Bắc Âu đồng tài trợ.

Một dàn khoan của công ty Devon của Mỹ, hoạt động với sự cho phép của Trung Quốc, ở Biển Ðông. (Hình: Devon Energy Corp.)

Theo bài viết của Tiến Sĩ Stein Tonnesson đăng trong tuyển tập trên:

* Các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc thường đưa ra con số trữ lượng dầu ở Biển Ðông là 105 tỷ thùng ở vùng Trường Sa, nhưng Tiến Sĩ Tonnesson cho con số này là quá phóng đại.

* Năm 1997 một công ty Na Uy với sự đồng ý của Việt Nam, Indonesia và Malaysia dùng phương pháp địa chấn thử ước lượng số dầu và khí đốt. Công ty này kết luận là có lượng lớn chất hydrocarbon nào đó, nhưng có dấu hiệu thiếu một vài loại đá đặc trưng của mỏ dầu.

* Cơ quan Thông Tin Năng Lượng (U.S. Energy Information Agency) cho rằng ngay cả nếu con số 105 tỷ thùng của Trung Quốc là đúng, ở vị trí Trường Sa vì khó khăn nên sẽ chỉ khai thác được 10% với khả năng tối đa khoảng 1.9 triệu thùng/ngày. Con số này lớn bằng nửa tổng sản lượng dầu của Trung Quốc, nhưng chỉ bằng 1/10 sản lượng vùng Vịnh Ba Tư và chỉ bằng 1/6 sản lượng vùng Biển Bắc của Châu Âu.

* Hầu hết dầu trong Biển Ðông đều nằm ở triền dốc gần bờ, và hầu hết không nằm trong vùng tranh chấp.

* Tuy nhiên, có một số mỏ khí đốt tìm được trong “vùng chữ U của Trung Quốc” (là vùng mà người Việt Nam gọi là đường lưỡi bò).

* Trong số này, có hai mỏ khí đốt Lan Tây và Lan Ðỏ, do liên doanh ba công ty BP của Anh, ONGC của Ấn Ðộ, và PetroVietnam đang khai thác. (Sau vụ dầu tràn tại Vịnh Mexico, BP đang muốn bán lại phần của họ trong hai mỏ này, theo tin tức từ Việt Nam và Ấn Ðộ.)

* Năm 1992, Trung Quốc trao quyền khai thác một vùng biển rộng 25,155 km2 phía Tây Trường Sa cho một công ty nhỏ của Mỹ, Crestone Energy. Vùng biển này né tránh những vùng tranh chấp với Malaysia, Indonesia và Philippines, nhưng bao gồm phần lớn vùng tranh chấp với Việt Nam. Việt Nam phản đối, và trao quyền khai thác một vùng biển cạnh đó cho Mobil.

* Ðến năm 1996, Việt Nam thuyết phục công ty Conoco của Mỹ nhận quyền khai thác ở vùng biển trùng với vùng mà Trung Quốc đã giao cho Crestone. Từ đó tới nay, không có dấu hiệu Conoco hay Crestone có hoạt động gì ở vùng đó.

Tiến Sĩ Tonnesson là giám đốc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế (International Peace Research Institute) tại Oslo, Na Uy.