Home Tin Tức Thời Sự Hội nghị đảng hiếm hoi ở Bắc Triều Tiên: Con trai Kim Jong Il sẽ kế vị?

Hội nghị đảng hiếm hoi ở Bắc Triều Tiên: Con trai Kim Jong Il sẽ kế vị? PDF Print E-mail
Tác Giả: VOA   
Thứ Hai, 30 Tháng 8 Năm 2010 14:37

Một hội nghị quan trọng của đảng chính trị duy nhất tại Bắc Triều Tiên có thể là dấu hiệu báo trước cho chuyện bắt đầu việc kế vị

của thế hệ thứ ba trong gia đình ông Kim tại quốc gia cộng sản cô lập này.


Hình: AP / Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il

Truyền thông của Bắc Triều Tiên đang quảng bá về cuộc họp, theo dự trù sẽ diễn ra vào khoảng 6/9, như những lời loan báo trên truyền hình nhà nước, nói rằng: "Chúng ta hãy hoan hỉ chào mừng Đại hội của các Đại biểu đảng Công nhân như một diễn biến tốt đẹp mãi mãi ngời sáng trong lịch sử của đảng và của tổ quốc chúng ta."

Đây sẽ là một hội nghị rất hiếm hoi. Lần trước một đại hội như thế được triệu tập là năm 1980, và đại hội trước đó với sự tham dự của hàng ngàn đại biểu của đảng, đã diễn ra năm 1966.

Trong những năm giữa các đại hội đó, quyền lực ngày càng được thu tóm trong tay quân đội, chứ không phải là đảng, dưới quyền cai trị cứng rắn của ông Kim Il Sung, và kể từ khi ông qua đời, được chuyển sang cho người con trai là ông Kim Jong Il.

Bà Balbina Hwang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ. Bà cho biết chuyển sự chú ý tại Bình Nhưỡng trở lại cho đảng là điều mang nhiều ý nghĩa.

Bà nói: "Sự kiện dường như họ đang chuyển trung tâm quyền lực, có lẽ, ra khỏi Quân ủy sang cho đảng Công nhân, theo tôi, mang ý nghĩa là đang có những chuẩn bị cho việc kế vị và chuyển tiếp, về mặt định chế."

Nhiều nhà phân tích thời cuộc dự đoán rằng con trai ông Kim Jong Il, tức Kim Jong Un, chừng 27 tuổi, sẽ là một trong số những người được trao cho một chức vụ trong Ủy ban Trung ương đảng.

Thân phụ của Kim Jong Un cũng đã được trao cho một chức vụ cao trong đảng vào cỡ tuổi hiện nay của ông và đã được chuẩn bị trong hàng chục năm để nắm giữ quyền kiểm soát quốc gia.

Bắc Triều Tiên đã tạo dựng một thứ văn hóa tôn sùng lãnh tụ đầu tiên Kim Ill Sung, được gọi là Chủ tịch Bất diệt, và nhà lãnh đạo hiện nay là ông Kim Jong Il. Các học giả nghiên cứu về Bắc Triều Tiên cho rằng dường như ông Kim Jong Il hy vọng bảo đảm rằng con trai ông sẽ vận động được sự ủng hộ và củng cố quyền hành trong giới được ưu đãi và trong quân đội để bảo đảm cho chuyện kế vị êm thấm.

Một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia ở Hán Thành, ông Park Hyeong Jung, nói rằng người con trai có thể sẽ được chỉ định giám sát bộ "Tổ chức và Chỉ đạo", dưới quyền của Ban Bí thư.

Chuyên gia Park nói rằng một địa vị như thế sẽ cho phép ông Kim Jong Un được quyền bổ nhiệm nhân sự, tạo cho ông một căn bản quyền lực độc lập.

Ông Park giải thích rằng như vậy ông Kim Jong Un sẽ có thể giám sát và chỉ trích bất cứ tổ chức nào trong đảng, cho phép ông theo dõi và kiểm soát hữu hiệu hành động của giới đặc quyền đặc lợi.

Nhưng theo giáo sư Balbina Hwang thì kết quả của hội nghị có lẽ sẽ không giống như dự đoán của giới phân tích ở bên ngoài. Bà giải thích: "Tôi không cho rằng chúng ta sẽ hài lòng với kết quả, tôi muốn nói là không nhất thiết họ sẽ loan báo giao cho ông ta một chức vụ hay một địa vị đặc biệt nào."

Giáo sư Hwang chắc chắn rằng ông Kim Jong Il là người giữ quyền quyết định, mặc dù giáo sư Hwang tiên đoán trước khi con trai của ông Kim nắm chặt được quyền bính, có phần chắc sẽ có "đổ máu."

Bà giải thích tiếp: "Sẽ có tranh chấp nội bộ về tính hợp pháp của người kế vị ông Kim Jong Il. Cá nhân tôi tin rằng ông Kim Jong Il cho là chuyện kế vị ông phải như thế, đó là điều ông muốn. Và đó chính là điều mà ông đang gắng sức để tạo địa vị vững vàng cho con ông."

Giáo sư Hwang nói rằng những bon chen chính trị trong lúc người con trai của ông Kim Jong Il tìm cách xây đắp quyền lực có thể sẽ dẫn đến những vụ thanh trừng và hành quyết trong giới ăn trên ngồi chốc tại Bắc Triều Tiên. Nhiều người theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên cho rằng không còn bao nhiêu thời giờ nữa cho nhà độc tài toàn trị ở nước cộng sản này. Vào tuổi 68, dường như ông ngày càng bệnh hoạn hơn, và đã bị đột quị 2 năm trước.

Điều đó có thể làm suy yếu khả năng đưa ra quyết định của ông ở một quốc gia đang gặp những thử thách nghiêm trọng: một nền kinh tế đang bên bờ sụp đổ, thiếu hụt lương thực, bị quốc tế trừng phạt gắt gao, ngoại trừ Trung Quốc, và chẳng còn đồng minh đáng kể nào nâng đỡ.