Tương quan lực lượng Mỹ-Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương |
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt |
Chúa Nhật, 29 Tháng 8 Năm 2010 21:02 |
Ðể nhận định rõ về tình hình hiện nay ở biển Ðông, cần phải nhìn lại những diễn tiến qua lịch sử lâu dài đưa tới hoàn cảnh và tầm mức trầm trọng của cuộc tranh chấp đã chuyển từ đất liền ra hải đảo rồi biển cả. Sự hình thành đất nước Trung Quốc trải qua hàng ngàn năm là bằng sự chinh phục và đồng hóa các dân tộc lân bang trên lục địa, chưa bao giờ qua đường biển. Chỉ một trường hợp đáng kể duy nhất vào thế kỷ 15 dưới thời nhà Minh, người Trung Quốc đã thực hiện những chuyến thám hiểm về vùng biển phía Nam. Theo các nguồn sử liệu, Ðô đốc Trịnh Hòa, người gốc dân Hồi ở tỉnh Vân Nam, trong thời gian 1405-1431 đã tổ chức 7 chuyến viễn dương, dẫn hạm đội gồm từ 200 đến 300 tàu thuyền, hơn 25,000 thủy thủ và binh sĩ, đi đến hầu khắp các xứ Ðông Nam Á và qua cả Ấn Ðộ Dương tới Ấn Ðộ, Trung Ðông, Phi Châu. Dù với các hạm đội lớn và lực lượng mạnh như thế, những chuyến viễn chinh này chưa có chủ trương chiếm đất thuộc địa mà chỉ nhằm tìm kiếm quý vật, trao đổi thương mại.
Nhưng sau đó trong mấy thế kỷ kế tiếp, Trung Quốc lại xa rời biển cả để tập trung nỗ lực vào việc ổn định lục địa, chống trả áp lực xâm lăng từ các dân tộc lân bang đặc biệt là phương Bắc và phương Tây. Thế kỷ 19, đế quốc Nga mở rộng lãnh thổ về Viễn Ðông cùng lúc với sự xâm nhập của các nước đế quốc Tây phương và Nhật Bản từ hướng biển, đã chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc. Sau khi Cộng Sản nắm chính quyền, không còn có thể bành trướng về phía Bắc và phía Tây vì đụng với Liên Bang Sô Viết, trong khi phía Ðông bị chặn lại bởi Hoa Kỳ, ở Ðài Loan và Nhật Bản, Trung Quốc bắt đầu tính tới con đường tiến ra vùng biển miền Nam. Thời cơ thuận lợi cho ý đồ này là lúc Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện ở Ðông Nam Á sau chiến tranh Việt Nam. Vụ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một hải đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 là bước đầu của chiến lược lâu dài ấy. Trong cuộc tranh chấp kéo dài không dứt điểm về những hải đảo trên biển Ðông, cuối cùng, Trung Quốc tìm chiến thuật ứng phó riêng rẽ với từng quốc gia đối tác và dựa vào áp lực kinh tế cũng như sức mạnh quân sự của mình để giành lợi thế. Hiệu quả dần dà của đường lối này khiến Trung Quốc dần dần leo thang, ngang nhiên xác định chủ quyền trên gần toàn thể biển Ðông, xâm lấn lãnh hải của mọi nước trong khu vực. Tới một cao điểm hồi tháng 3 năm nay khi hai giới chức cao cấp Hoa Kỳ - Jeffrey Bader, thành viên cao cấp về Á Châu trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia và Thứ Trưởng Ngoại Giao James Steinberg - đến Bắc Kinh, Trung Quốc công khai tuyên bố rằng biển Ðông là một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Quan điểm ấy va chạm trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ. Thứ nhất, Hoa Kỳ không thể để toàn bộ khu vực Ðông Nam Á lọt vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Thứ nhì, là một cường quốc hải quân hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ luôn luôn bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải và không thể để cho biển Ðông, một hải lộ chiến lược huyết mạch đối với các đồng minh của mình ở vùng Thái Bình Dương, trở thành một “cái hồ của Trung Quốc”. Lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội trong hội nghị an ninh khu vực Châu Á vừa qua nếu có bất ngờ thì chỉ là ở chỗ từ lâu trong mối quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Obama trên nhiều mặt vẫn tỏ ra nhượng bộ tránh tạo thêm va chạm căng thẳng chưa cần thiết, tuy nhiên thái độ ấy chỉ tới một giới hạn. Ở hội nghị ASEAN năm ngoái tại Phuket, Thái Lan, bà Hillary Clinton đã từng nói thẳng là Hoa Kỳ sẽ trở lại Ðông Nam Á. Trước hội nghị ở Hà Nội, hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn tập trận trên biển Nhật Bản và Hoa Kỳ đã giải tỏa cấm vận vũ khí cho Indonesia. Tất cả những sự kiện ấy cho thấy trong chiến lược lâu dài, Hoa Kỳ dù một mặt thừa nhận vai trò siêu cường kinh tế của Trung Quốc nhưng mặt khác không chấp nhận cho nước này bành chướng quá mức và nắm vai trò khống chế tại Á Châu. Những diễn biến vừa qua cũng có thể khiến người ta nghĩ rằng sẽ đưa đến đụng độ quân sự trên biển Ðông. Tuy nhiên lo ngại ấy có lẽ là quá xa. Trong tình hình thế giới hiện tại, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều hiểu là xung đột trực tiếp ở đây sẽ không đi tới một kết quả gì hết. Vai trò của Hoa Kỳ tại biển Ðông nói riêng và vùng Tây Thái Bình Dương nói chung là dùng lực lượng hải quân ngăn trở hành động quân sự của Trung Quốc để bao che cho các quốc gia trong khu vực. Mục đích thực tế là nếu Trung Quốc dùng vũ lực với một nước nào trong vùng thì họ không thể sử dụng hết sức mạnh vì còn phải dành phần phòng bị đối phó với lực lượng Hoa Kỳ, và như thế mỗi nước bằng khả năng của mình có thể nhất thời chống trả cho đến khi quốc tế kịp can thiệp. Như vậy xét về tương quan lực lượng trong trường hợp này chỉ nên chú ý đến lực lượng quân sự tại vùng biển Tây Thái Bình Dương chứ không phải toàn bộ quân lực hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện. Từ hơn nửa thế kỷ qua, Hải quân Hoa Kỳ hoàn toàn đã làm chủ trên tất cả các đại dương. Dù muốn thi hành một chiến lược và thực hiện kế hoạch phát triển tới mức độ nào thì cũng còn phải nhiều chục năm nữa Trung Quốc mới có được một lực lượng hải quân đủ khả năng tranh chấp ngôi vị này. Cho đến nay chưa bao giờ Trung Quốc đặt mình vào chỗ đương đầu với Hoa Kỳ trên biển. Hoạt động viễn dương đầu tiên của hải quân Trung Quốc chỉ mới là gởi vài khu trục hạm tham gia chiến dịch chống hải tặc Somalia trong khuôn khổ phối hợp cùng lực lượng NATO. Lực lượng viễn chinh Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương tập trung quanh Hạm đội 7, có khu vực trách nhiệm từ phía Tây đường đổi ngày đến Ðông Ấn Ðộ Dương. Ðây là lực lượng tiền phương duy nhất của quân lực Hoa Kỳ đồn trú thường trực ở hải ngoại với ba căn cứ chính cho các chiến hạm tại Yokosuka, Sasebo (Nhật Bản), Apra Harbor (Guam). Hạm đội 7 có khoảng 60 tàu chiến, 350 máy bay cùng 60,000 thủy binh và thủy quân lục chiến đóng căn cứ tại Okinawa. Về hoạt động, Hạm đội 7 chia thành 10 Lực lượng Ðặc nhiệm (TF) có sứ mạng khác nhau. Chủ lực chiến đấu là TF 70 trung tâm là hàng không mẫu hạm USS George Washington (CVN-73) cùng nhóm chiến hạm phụ trợ và lực lượng chiến hạm tác chiến trên mặt biển, tổng cộng gồm 2 tuần dương hạm và 7 khu trục hạm tất cả đều trang bị hỏa tiễn, đặt căn cứ ở Yokosuka ngoài vịnh Tokyo, Nhật Bản. Lực lượng tàu đổ bộ TF-76 với 8 chiến hạm xung kích thủy bộ có sân bay cho trực thăng và máy bay chiến đấu lên thẳng AV-8 Harrier. Soái hạm USS Blue Ridge (LCC-19) thuộc loại chiến hạm này năm ngoái đã đến cảng Ðà Nẵng, Việt Nam. Apra Harbor ở Guam là căn cứ của các tàu ngầm nguyên tử thuộc hạm đội. CVW-5 là phi đoàn chiến đấu của Hải quân, căn cứ tại Atsugi, Nhật Bản, bao gồm các phi đội hoạt động trên CVN-73. Hải quân Trung Quốc đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây và được tổ chức thành 3 hạm đội, hạm đội Bắc Hải căn cứ tại Thanh Ðảo tỉnh Sơn Ðông, hạm đội Ðông Hải căn cứ tại Ninh Ba tỉnh Chiết Giang gần Thượng Hải và hạm đội Nam Hải (biển Ðông theo tên gọi của Việt Nam) căn cứ tại Trạm Giang tỉnh Quảng Ðông. Hạm đội Nam Hải được tăng cường lực lượng cho khu vực trách nhiệm biển Ðông. Các chiến hạm chủ lực gồm tổng cộng 58 tàu ngầm trong đó có 5 tàu ngầm nguyên tử, 26 khu trục hạm và 51 hộ tống hạm. Thêm vào đó phải kể tới 150 tiểu đỉnh phóng phi đạn và ngư lôi đĩnh, lực lượng này đáng kể vì cho đến nay, chủ yếu hải quân Trung Quốc vẫn còn là một lực lượng phòng thủ bờ biển và chiến đấu cận duyên. Góp phần quan trọng vào nhiệm vụ ấy là các giàn trọng pháo và hỏa tiễn phòng vệ duyên hải, cùng những máy bay của không quân và khoảng 800 máy bay hải quân các loại. Xung đột nếu xảy ra ở biển Ðông, sẽ là sự đụng độ với hạm đội Nam Hải trước khi có sự tăng viện từ hai hạm đội khác. Hạm đội Nam Hải có 11 khu trục hạm, 14 hộ tống hạm nhưng ít nhất hơn phân nửa thuộc loại đã cũ hay lỗi thời. Lan Châu và Hải Khẩu là hai khu trục hạm thuộc loại tân tiến nhất của Trung Quốc trang bị hỏa tiễn phòng không và đã từng tham gia chiến dịch chống hải tặc ở Somalia. Lực lượng tàu ngầm ở Nam Hải là 8 tàu ngầm máy diesel tương đương loại Kilo mà Việt Nam đang mua của Nga. Các tàu ngầm nguyên tử đóng tại căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam là lực lượng chiến lược chưa được xem là có vai trò đáng kể trong xung đột khu vực ở biển Ðông. Xét qua lực lượng hai bên, có thể tin là Hạm đội 7 Hoa Kỳ vẫn hoàn toàn có ưu thế khi xảy ra xung đột tại vùng biển Á Châu, chưa kể sự tham gia hợp tác của hải quân nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ngoài vùng biển xa, hàng không mẫu hạm CVN-73 với 70 máy bay chiến đấu oanh tạc có hiệu quả tác chiến hơn nhiều so với các máy bay đặt căn cứ trên đất liền. Những chiến hạm khác của hạm đội hầu hết cũng vượt trội hơn các tàu hải quân Trung Quốc về kỹ thuật và kinh nghiệm chiến đấu, một điều kiện căn bản trong hải chiến. Trung Quốc gần đây nói rằng họ đã phát triển loại hỏa tiễn Ðông Phương 21D có khả năng tiêu diệt mẫu hạm ở cách xa bờ 1,000 dặm, tuy nhiên chưa thể nào đánh giá khi chưa đi đến thực tế. Tóm lại qua thái độ phản ứng mạnh mẽ của các giới chức Trung Quốc và nhiều bài viết bày tỏ sự giận dữ trên các phương tiện truyền thông, người ta vẫn có thể dự đoán Trung Quốc sẽ chưa khi nào thử sức trong những điều kiện mà họ không thể tin tưởng đạt một kết quả nào đó, Hạm đội 7 chẳng qua chỉ giữ một vai trò răn đe và Trung Quốc khó hy vọng thắng chưa kể nếu va chạm lớn sẽ có thể đi đến chiến tranh với Hoa Kỳ, tổn hại hơn là lợi ích cho họ. Khi Hoa Kỳ nêu vấn đề biển Ðông, ai cũng hiểu rằng đó chỉ là diện, trong khi điểm chính là toàn bộ những xung khắc với Trung Quốc. Trên mặt ngoại giao, quốc tế hóa biển Ðông Hoa Kỳ nắm chính nghĩa, tất cả các quốc gia trong vùng đều mong muốn sự can dự của Hoa Kỳ bởi vì đó là điều kiện tốt nhất để không xảy tới xung đột với Trung Quốc. Hơn nữa từ Nhật Bản tới Nam Hàn, và những cường quốc hải quân hay hàng hải bao gồm Nga, Ấn Ðộ, Âu Châu đều đồng thuận với Hoa Kỳ và Trung Quốc nếu không chịu chấp nhận ngưng đường lối bành trướng sẽ trở thành thù nghịch của cộng đồng quốc tế. Tóm lại trong tình thế hiện nay, có thể tin rằng ít nhất trong một thời gian khá dài, nếu biển Ðông nổi sóng thì không phải vì chiến tranh mà chỉ là trong mùa bão tố thiên nhiên hằng năm. (H.C.) |