Home Tin Tức Thời Sự Tin Tặc Lại Tấn Công Vào Nền Dân Chủ

Tin Tặc Lại Tấn Công Vào Nền Dân Chủ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc   
Thứ Sáu, 27 Tháng 8 Năm 2010 10:43

Tấn công vào các website và blog, do đó, là tấn công vào cơ hội lên tiếng của mọi người thuộc mọi khuynh hướng khác nhau. Là ngăn chận mọi tiếng nói, kể cả tiếng nói của chính mình.

 
Suốt mấy ngày vừa qua, hàng loạt các website uy tín ở hải ngoại bị tin tặc tấn công dữ dội bằng cách xoá tên miền (đối với Tiền Vệ; nhưng may, Tiền Vệ đã phát hiện kịp thời và đã hoạt động trở lại sau mấy ngày bị gián đoạn), hoặc bằng cách đột nhập vào máy chủ và xoá bỏ một phần hoặc toàn bộ dữ liệu (đối với X-café, Dân Luận, Thông Luận, Đàn Chim Việt và Talawas).

Nhớ, vào đầu năm 2010, cũng có một đợt tin tặc tấn công nhiều trang web ở hải ngoại (Talawas, X-café, Dân Luận…) và các trang web độc lập ở trong nước (như Bauxite Việt Nam hay Osin blog) như thế.

Ở cả hai lần, tin tặc không bao giờ xuất đầu lộ diện. Mà cũng phải. Tự bản chất, thứ “tặc” nào cũng lén lút. Tin tặc, hoạt động trong thế giới ảo mênh mông của Internet, lại càng dễ lén lút. Nhưng người ta vẫn biết. Biết, nhờ “common sense”, thứ lương thức hầu như ai cũng có: thứ nhất, chỉ có những thế lực bảo thủ và độc tài mới căm ghét và tìm cách đánh phá những tiếng nói tự do và dân chủ trong các website kể trên; thứ hai, chỉ có các thế lực có quy mô lớn mới đủ sức tung ra những cuộc tấn công hàng loạt và đồng loạt như vậy. Biết, nhờ kỹ thuật hiện đại nữa. Thế giới ảo của Internet chỉ “ảo” với người ngoại đạo, nhưng với các chuyên gia, mọi hành động, dù lén lút đến mấy, cũng để lại dấu vết. Nhờ thế, người ta có thể nhận diện ra ngay nơi các tin tặc ẩn nấp: Việt Nam.

Giữa năm nay, sau khi khoảng 24 website ở Việt Nam bị tấn công, trong đó gây ồn ào trong dư luận nhất là vụ tấn công vào tờ báo mạng Bauxite Việt Nam, McAfee, một công ty an ninh mạng quốc tế nổi tiếng đặt trụ sở tại California, Hoa Kỳ, đã phát biểu rõ ràng: các tin tặc ấy có liên hệ với chính phủ Việt Nam. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặt trụ sở tại New York cũng lên tiếng phê phán chính phủ Việt Nam trong âm mưu tấn công các website độc lập. http://www.google.com/hostednews/afp/article/ALeqM5hA8pq6_UjvyWk1e7AQ-8jexjIXTA

Mà chính chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận điều đó. Trong cuộc Hội nghị báo chí toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 5 vừa qua, trước sự hiện diện của hàng trăm nhà báo, tổng biên tập, phó tổng biên tập, đại diện cho "178 báo và 528 tạp chí, 67 đài phát thanh - truyền hình, 21 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo in và hàng ngàn trang tin điện tử, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ", Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh thuộc Bộ công an đã xác nhận điều đó. Ông khoe là trong vòng mấy tháng, bộ phận kĩ thuật của công an Việt Nam đã "phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu". http://www.diendan.org/viet-nam/thu-ha-noi-loi-khoe-khoang-thu-nhan-cua-tuong-cong-an-vu-hai-trieu/

Thật ra, lời tuyên bố của Vũ Hải Triều không làm ai ngạc nhiên. Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam chưa từng bao giờ tỏ ra chút khoan dung hay can đảm khi đối diện với những sự sự phản biện hay phê phán của người khác. Họ luôn luôn tìm cách dập tắt những tiếng nói phản biện và phê phán ấy. Để dập tắt, trước, đối với sách báo, họ sử dụng biện pháp cấm đoán hoặc tịch thu; sau, đối với Internet, họ dựng tường lửa; và bây giờ, đi xa hơn, họ đóng vai tin tặc tấn công thẳng vào các máy chủ.

Biện pháp khác, ý nghĩa cũng khác.

Cấm xuất bản hay tịch thu sách báo là tấn công vào bản thân người viết, là làm cho tiếng nói bị dập tắt ngay từ nơi xuất phát. Trong trường hợp này, nạn nhân chỉ giới hạn ở một hoặc một vài người.

Dựng tường lửa, ngược lại, là tấn công vào người đọc, là ngăn chận ở nơi tiếp nhận. Người viết - hầu hết ở xa - vẫn bình yên vô sự, tiếng nói của họ vẫn hiện diện đâu đó trên mạng, chỉ có một số người đọc là bị thiệt thòi, vẫn bị vây kín trong ngục tù và chỉ nghe những âm thanh và những ý kiến được sàng lọc.

Dùng tin tặc để tấn công vào máy chủ của các trang mạng độc lập hoặc đối lập thì khác: Đó là cuộc tấn công quy mô và trực diện vào chính nền dân chủ, vào nguyên tắc đối thoại vốn là nền tảng để xây dựng một xã hội dân sự, văn minh và thịnh vượng.

Chứ còn gì nữa? Một trang web khác với một cuốn sách hay một tờ báo in. Sách hay báo là tiếng nói của một người hoặc một nhóm người. Website hay blog, ngược lại, thường là một diễn đàn rộng mở, đầy tính tương tác, và do đó, cũng rất dân chủ. Ai lên tiếng cũng được. Giới cầm bút hay các blogger lên tiếng, đã đành. Người đọc cũng có quyền lên tiếng. Và được khuyến khích lên tiếng. Người đồng tình hay ủng hộ được hoan nghênh. Cả người bất bình hay phản đối cũng được hoan nghênh. Bạn đọc có thể thấy điều đó ngay trên phần Ý Kiến của blog này. Trong số các phản hồi được đăng tải, không hiếm phản hồi công khai bênh vực cho chính quyền trong nước và công khai chỉ trích những người bất đồng chính kiến với nhà nước. Blogger cũng như Ban biên tập có thể không đồng ý với họ nhưng lúc nào cũng tôn trọng quyền lên tiếng của họ. Theo chỗ tôi biết, hầu hết các website bị đánh phá lần này đều như thế cả.

Tấn công vào các website và blog, do đó, là tấn công vào cơ hội lên tiếng của mọi người thuộc mọi khuynh hướng khác nhau. Là ngăn chận mọi tiếng nói, kể cả tiếng nói của chính mình. Là từ chối đối thoại. Là chà đạp lên ngay nguyên tắc đầu tiên của dân chủ.

Xuất phát điểm của các cuộc tấn công vào cơ hội đối thoại là tâm thế thiếu tự tin. Một chính quyền tự tin, với phương tiện và nguồn nhân lực dồi dào, có thể tham gia vào các cuộc đối thoại trên các website và blog để bảo vệ mình hoặc để tuyên truyền cho mình. Không ai cấm cả. Chính quyền Việt Nam hoặc không dám làm điều đó hoặc đã làm nhưng không hy vọng thành công, nên đã chọn một biện pháp hạ sách là làm tắt tiếng tất cả. Là làm những tên tin tặc.

Nói “hạ sách” vì đó là thế của kẻ yếu.

Hơn nữa, còn là thế của những kẻ hèn. “Tặc”, từ hải tặc đến lâm tặc và bao nhiêu thứ “tặc” khác, dù hung hãn đến mấy, cũng đều là những kẻ hèn, lúc nào cũng lén lút và bị phỉ nhổ. Tin tặc cũng thế. Cũng lén lén lút lút. Cũng vừa làm vừa xoá dấu vết; vừa làm vừa biết điều mình làm là trái với đạo lý và cả với pháp luật vốn cam kết tôn trọng tự do ngôn luận và tư tưởng.

Tin tặc Việt Nam, trong các đợt tấn công vào các trang mạng và blog độc lập ở hải ngoại, chỉ khác các loại “tặc” khác ở một điểm: Các loại “tặc” khác chỉ là một nhóm, có khi rất nhỏ, những phần tử bất hảo trong xã hội, những kẻ lúc nào cũng sống trong nỗi lo sợ bị phát giác và bị trừng phạt. Còn tin tặc, trong trường hợp này, lại là những kẻ được trả lương hậu, ngồi trong văn phòng, trước những giàn máy vi tính hiện đại và đắt tiền, và được sự chỉ đạo của chính nhà nước.

Họ trở thành hiện thân của nhà nước.

Một thứ nhà nước...tặc.